Ngoại trưởng Đức Heiko Maas - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi muốn thấy một chính phủ toàn diện (ở Kabul), tôn trọng các quyền cơ bản của con người và phụ nữ - và Afghanistan không được trở thành nơi sinh sôi của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Nếu những yêu cầu này được đáp ứng và tình hình an ninh cho phép, chúng tôi sẵn sàng nối lại sự hiện diện ngoại giao ở Kabul" - Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu ngày 2-9 ở Slovenia, nơi ông gặp những người đồng cấp EU để thảo luận vấn đề Afghanistan.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng Paris sẽ đánh giá Taliban qua các hành động của lực lượng này, nhưng cho rằng hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thay đổi.
Châu Âu và hầu hết các nước phương Tây đã đóng cửa đại sứ quán ở Kabul sau khi Taliban tiếp quản. Lực lượng này chuẩn bị công bố chính phủ mới trong ngày 3-9.
Tuy nhiên, ông Mass hối thúc châu Âu nhanh chóng hành động về vấn đề Afghanistan. "Đây là thực tế mới ở Afghanistan, dù chúng ta thích hay không. Chúng ta không có thời gian để liếm vết thương. Nếu Liên minh châu Âu (EU) muốn có vai trò tại đây, chúng ta phải hành động nhanh và sớm có quan điểm chung về Afghanistan" - ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.
Sau cuộc gặp của các ngoại trưởng sẽ là cuộc gặp của các bộ trưởng quốc phòng EU. Hãng tin AFP cho biết các bộ trưởng quốc phòng châu Âu đang cân nhắc việc lập một lực lượng phản ứng nhanh về vấn đề Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
"Nếu chúng ta muốn tự chủ hành động và không bị phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác, ngay cả khi những người khác là bạn bè và đồng minh của chúng ta, thì chúng ta phải phát triển năng lực của chính mình" - nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh.
Một trong những đề xuất được cân nhắc là thành lập một lực lượng gồm 5.000 binh lính có khả năng được triển khai nhanh.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết đây là một quyết định khó. Theo Đức, nước có lực lượng quân sự mạnh nhất khu vực, việc thành lập lực lượng này cần sự thống nhất chung nhưng không nhất thiết tất cả các nước cần phải triển khai quân.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Matej Tonin của Slovenia cho rằng việc triển khai quân không cần chờ sự thống nhất chung. "Bởi vì sự đồng thuận mà chúng ta gần như chẳng bao giờ hành động" - ông Tonin nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận