Thứ 3, ngày 19 tháng 2 năm 2019
Cây hòa bình gieo xuống, tương lai Triều Tiên bay lên
TTO - Đích thân hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên cùng trồng một cây thông với đất và nước lấy từ cả hai miền, gần nơi một người con của miền Bắc sau khi công thành danh toại ở miền Nam đã trở về thăm cố hương.

Ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In trong buổi trồng cây thông lưu niệm trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm chiều 27-4 - Ảnh: REUTERS
Thông, loài cây có rễ cắm sâu trong đất, thân vươn lên cao, là biểu tượng cho tinh thần Taekwondo, môn võ cổ truyền trên bán đảo Triều Tiên.
Chiều 27-4, trước phiên hội đàm cuối cùng trong khuôn khổ thượng đỉnh liên Triều lần 3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cùng trồng một cây thông có từ năm 1953, thời điểm hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký kết.
Nó sẽ được trồng gần con đường mà cựu Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung đã đi bộ từ miền nam sang miền bắc với 500 con bò tặng nhân dân Triều Tiên sau thượng đỉnh liên Triều lần 1 năm 2000.
Tương lai giữa hai miền Triều Tiên sau cuộc thượng đỉnh hôm nay (27-4) đang được kỳ vọng sẽ giống như cây thông kia, đứng vững giữa trời xanh.

Hai nhà lãnh đạo đi dạo và trao đổi bên trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm chiều 27-4 - Ảnh: REUTERS
Tin từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay hai nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ cùng ký vào thỏa thuận chung sau cuộc hội đàm. Điều đó sẽ chỉ xảy ra khi cuộc đàm phán cấp quan chức cấp cao giữa hai nước cho ra một thỏa thuận có thể làm hài lòng cả ông Moon và ông Kim.
Hai miền Triều Tiên đang cố gắng hết sức để có thể đưa ra Tuyên bố chung, tương tự hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó vào các năm 2000 và 2007.
Tiệc chiêu đãi dự kiến sẽ bắt đầu lúc 18h30 (giờ địa phương) tại tầng 3 nhà Hòa bình. Phu nhân của ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In dự kiến cũng sẽ có mặt trong tiệc.

Nước và đất trồng cây được lấy từ hai miền Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tưới cây bằng nước sông Hàn của Hàn Quốc trong khi Tổng thống Hàn Quốc cầm bình đựng nước của sông Đại Đồng ở Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Xưa đốn hạ, nay vun đắp
Năm 1976, một sự việc gây chấn động bán đảo Triều Tiên, 2 binh sĩ Mỹ bị lính Triều Tiên giết chết tại khu vực An ninh chung vì chặt hạ một cây sồi. Nguyên nhân xuất phát từ việc phía Mỹ cho rằng cây sồi cản trở tầm nhìn hướng về Triều Tiên nên chặt bớt cành.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng đó là hành động khiêu khích bởi cây sồi đó do đích thân lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành tự tay trồng lấy.
"Đó là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Triều Tiên thang cảnh báo chiến tranh của Mỹ (DEFCON) tại Hàn Quốc được nâng lên mức cao nhất - mức 1, chiến tranh có nguy cơ bùng nổ", ông Moon Jae In viết trong hồi ký xuất bản năm 2011.
Ông Moon, khi ấy đang là lính đặc nhiệm, cùng các đồng đội được điều động cùng với các binh sĩ Mỹ tới đốn hạ hoàn toàn cây sồi nói trên. Một hành động mang tính giương oai diễu võ nhưng ẩn chứa nguy hiểm cực độ.
Anh lính trẻ Moon thực tế không đến hiện trường nhưng đơn vị của anh đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phần còn lại của cây sồi đã suýt đẩy hai miền Triều Tiên rơi vào một cuộc chiến năm 1976. Ảnh được chụp năm 1984 - Ảnh: AP
"Điều may mắn là nhiệm vụ đã hoàn thành một cách an toàn tuyệt đối. Phía Triều Tiên không đáp trả hành động đốn cây của chúng tôi. Riêng mỗi người lính sau đó còn được phát một mẩu gỗ sồi như một kỷ niệm chương vì đã vượt qua cuộc khủng hoảng", ông Moon nhớ lại.
Ngày xưa đơn vị của anh lính Moon đốn hạ cây sồi của lãnh tụ Kim Nhật Thành, ngày nay thay mặt đất nước Hàn Quốc tổng thống Moon đã cùng với cháu của ông Kim Nhật Thành trồng lại một cây khác.
Dù khác loài, dù là thông hay là sồi, loài cây được hai nhà lãnh đạo trồng hôm nay đã được đặt tên "cây hòa bình".
Bàn Môn Điếm, chứng nhân lịch sử chia cắt
Nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 60km và 210km từ thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, khu vực An ninh chung nằm trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm chỉ rộng khoảng 800m và dài 400m.
Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử chia cắt bán đảo Triều Tiên, bao gồm ký hiệp định đình chiến năm 1953.
Khoảng 135.000 du khách đã viếng thăm khu vực An ninh chung trong năm 2017, gần 105.000 trong số đó đến từ Hàn Quốc.
-
TTO - Sáng 19-2, lượng xe đổ vào trung tâm đông đúc, thêm vào đó đèn tín hiệu tại giao lộ Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) và Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trục trặc khiến giao thông hỗn loạn nhiều giờ.
-
TTO - Theo giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, trong vụ án này Bùi Văn Công và Vương Văn Hùng được xác định là chủ mưu. Công đã bàn bạc với Hùng lên kế hoạch đi cướp tài sản.
-
TTO - 5h sáng nay 19-2 (rằm tháng giêng), hàng nghìn người chen chúc kín sân đền Thiên Trường, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và nhà giải vũ đền Cố Trạch, thuộc Khu di tích đền Trần (Nam Định) để chờ nhận lộc ấn.
-
TTO - Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tuyên bố Mỹ không đời nào "đè bẹp" được Huawei bởi thế giới cần đến tập đoàn này vì "chúng tôi tiên tiến hơn".
-
TTO - Khoảng 8h ngày 19-2, trong lúc vào ga Suối Kiết (Bình Thuận), đoàn tàu hàng AH2 đã trật bánh hai toa, một toa lật ngang. Trước đó, một tàu chở hàng SBN1 cũng bị trật bánh ở Nghệ An khiến đường sắt tê liệt nhiều giờ.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận