23/12/2017 10:06 GMT+7

Cát, tiền và máu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng thiếu cát đã nảy sinh "cát tặc" và quy mô hơn là các nhóm "mafia cát", chuyên khai thác trái phép, bảo kê, cướp bóc cát ở các bãi biển, bờ sông.

Cát, tiền và máu - Ảnh 1.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến nhu cầu khổng lồ đối với cát xây dựng trên khắp thế giới - Ảnh: Al Jazeera

Báo chí thế giới vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến ngày càng hiện hữu khi cát trên toàn cầu đang dần biến mất trong khi nhu cầu đang tăng khủng khiếp.

Hàng tít "Cuộc chiến cát" xuất hiện trên trang tin Al Jazeera tuần trước khiến người ta giật mình vì cát, thứ tài nguyên ngỡ luôn có sẵn với hàng đống trên bãi biển hay trải dài hàng kilômet trong sa mạc, lại hiếm hơn chúng ta tưởng.

"Từ Mumbai đến Dubai, cát trên toàn cầu đang biến mất" - Al Jazeera viết.

Mỗi năm khai thác 47-59 tỉ tấn cát

Al Jazeera cảnh báo do cát bị khai thác ồ ạt, 3/4 số bãi biển trên toàn cầu đang bị suy thoái, đặc biệt là ở những khu vực nghèo, lạc hậu.

Một báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP năm 2014 cũng cho hay cát và sỏi là lượng vật chất dạng rắn được khai thác nhiều nhất trên toàn cầu, vượt xa khả năng tự phục hồi của tài nguyên này.

Khai thác cát đã gây ra những ảnh hưởng lớn cho các dòng sông, lưu vực, bãi biển và hệ sinh thái biển, cụ thể là gây ra tình trạng mất đất do lở bờ sông và bờ biển, làm hạ mực nước và giảm lượng phù sa vốn rất quan trọng trong nông nghiệp.

Theo báo cáo, trên toàn cầu, khoảng 47-59 tỉ tấn cát, sỏi được khai thác mỗi năm.

Cát như không khí mà chúng ta hít thở. Chúng ta không nghĩ nhiều về nó nhưng không thể sống thiếu nó.

KIRAN PEREIRA (người sáng lập trang web SandStories.org)

"Mafia cát"

Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng thiếu cát đã nảy sinh "cát tặc" và quy mô hơn là các nhóm "mafia cát", chuyên khai thác trái phép, bảo kê, cướp bóc cát ở các bãi biển, bờ sông.

Tại Ấn Độ, những băng nhóm tội phạm đã không bỏ qua cơ hội kiếm tiền ngon ăn này, chúng đã cướp hàng triệu tấn cát từ các bãi biển, bờ sông và các sườn đồi. Các băng đảng này cũng sẵn sàng vào tận nhà giết người ngăn cản chúng, kể cả cảnh sát, đại diện chính quyền.

Bà Sumaira Abdulali - chủ tịch Quỹ Awaaz, Ấn Độ - nói: "Nhiều nhóm mafia cát cũng đồng thời kiểm soát các công ty vật liệu xây dựng và các công trình. Họ có ảnh hưởng đến chính quyền thông qua các mối quan hệ và tạo thành một đường dây khép kín từ khâu khai thác đến chính quyền và cảnh sát".

Nhưng tình hình khai thác cát lậu không chỉ diễn ra ở Ấn Độ. Việc Singapore mua cát số lượng lớn để phục vụ công trình lấn biển đã làm Indonesia bị sạt lở mất ít nhất hai hòn đảo, dẫn đến căng thẳng giữa hai quốc gia. 

Trong vòng hơn 40 năm, Singapore đã lấn ra biển hơn 130km2 và sẽ còn tiếp tục dự án này. Những tác hại môi trường vô cùng nghiêm trọng đã khiến Indonesia, Malaysia, Campuchia và cả Việt Nam ban hành luật cấm xuất khẩu cát sang Singapore.

Theo UN, năm 2016, Singapore nhập khẩu 38,6 triệu tấn cát từ nhiều nước: Myanmar 2%, Campuchia 19%, Việt Nam 22% và Malaysia 57%.

Cát, tiền và máu - Ảnh 3.

Nguồn: Cơ quan Đất đai Singapore - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cát ở Đông Nam Á

* Campuchia: Tháng 7-2017, Campuchia đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu cát, chính thức chấm dứt việc bán cát cho Singapore, một động thái lắng nghe dư luận của chính quyền nước này. Campuchia thừa nhận việc khai thác cát đã gây ra những tổn hại môi trường nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Trước đó năm 2016, Campuchia đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc xuất khẩu cát.

BBC trích thông tin từ UN cho biết Singapore đã nhập khẩu hơn 72 triệu tấn cát từ Campuchia từ năm 2007. Tuy nhiên, dữ liệu từ chính quyền Campuchia chỉ ghi nhận 16 triệu tấn.

* Malaysia: Theo báo Singapore Straitstimes, Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát trong giai đoạn từ 1997-2015 và tạm ngừng lệnh cấm này năm 2016. Theo đó, chính quyền chỉ cấp phép xuất khẩu cát theo từng trường hợp cụ thể.

* Indonesia: Ngày 6-2-2017, lệnh cấm xuất khẩu cát khai thác trên đất liền sang Singapore của Indonesia có hiệu lực do lo ngại việc khai thác cát sẽ dẫn đến suy thoái môi trường. Vào thời điểm này, 90% số cát nhập khẩu của Singapore là từ Indonesia.

Trước đó từ năm 2003, Indonesia có lệnh cấm xuất khẩu cát biển và cũng dừng bán cát biển cho Singapore.

Toàn cầu: giám sát nghiêm ngặt

Khai thác cát trên sông đã bị cấm tuyệt đối ở nhiều nước như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ. Được giám sát nghiêm ngặt ở các nước như Ý, Bồ Đào Nha và New Zealand.

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức tại Ấn Độ, Ý và nhiều nước khác vẫn đang điều hành các đường dây mua bán cát lậu.

Từ vị trí là một nguyên liệu tại chỗ, do thiếu hụt nguồn cung trong khu vực và lệnh cấm khai thác ở nhiều nước, cát đã trở thành một tài nguyên xuất khẩu ngày càng có giá.

Việt Nam không còn xuất khẩu cát

Đầu tháng 3-2017, sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài điều tra xuyên quốc gia về tình trạng xuất khẩu cát với giá rẻ sang bồi đắp đảo Singapore, Thủ tướng đã có chỉ đạo tạm dừng gia hạn giấy phép, không cấp phép mới.

Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm này không còn doanh nghiệp nào xuất khẩu cát nữa. Một số doanh nghiệp nạo vét khơi thông luồng lạch theo hình thức xã hội hóa đã sử dụng cát (chủ yếu là cát nhiễm mặn) để san lấp mặt bằng một số dự án trong nước theo khuyến cáo của Bộ Xây dựng.

Mới đây, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo không xuất khẩu mọi loại cát. Nghĩa là cát trắng dùng để sản xuất màn hình TV, smartphone... vốn xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn/năm cũng bị cấm xuất khẩu.

Ông Trần Phương Nam (phó giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang): Lấy cát ở đâu ra?

Hiện các loại vật liệu thay thế cát vẫn còn ít và không phổ biến trong khi nguồn cát ngày càng cạn kiệt. Nếu tới đây, nhu cầu xây dựng tăng và dùng gạch không nung (được làm có thành phần từ cát - PV) thay thế gạch nung, không biết lấy cát ở đâu ra?

TS Đào Trọng Tứ (giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu VN): Phải sử dụng cát nhân tạo

Hiện các nước trên thế giới cũng đang thiếu cát tự nhiên. Họ đã sử dụng cát nhân tạo, phụ gia để pha trộn với cát biển để xây dựng như cát nước ngọt hay xay đá làm nguyên liệu thay thế cát.

Hạn chế của cách làm này là giá thành đắt hơn cát tự nhiên lấy từ dưới sông lên. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên quyết phản đối việc khai thác cát vô tội vạ như hiện nay. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng cho các thế hệ sau.

Tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xuất khẩu cát và truy quét cát tặc. Hiện tình trạng khai thác lậu đã giảm nhưng không phải không còn.

Theo tôi, điều quan trọng bây giờ là phải quyết liệt chuyển đổi sang dùng cát nhân tạo. Đây là giải pháp bền vững để giữ gìn tài nguyên khoáng sản, giữ được bờ sông, bờ biển và lãnh thổ của quốc gia. VÂN TRƯỜNG

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên