23/12/2017 08:59 GMT+7

Cát: nơi lo thiếu, nơi sợ đầu cơ

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Chỉ trong buổi sáng 21-12, ông N. ở Tiền Giang nhận được gần chục cuộc gọi của 3 doanh nghiệp đề nghị hợp tác san lấp mặt bằng 2 dự án lớn tại… TP Vũng Tàu.

Cát: nơi lo thiếu, nơi sợ đầu cơ - Ảnh 1.

Khai thác cát trên sông Tiền đoạn giữa tỉnh An Giang và Đồng Tháp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty của ông N. có thâm niên về san lấp mặt bằng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sở dĩ lúc này nhiều doanh nghiệp gõ cửa ông N. là vì nhu cầu sử dụng cát trong ngành xây dựng tăng cao, trong khi nguồn cung ngày càng ít.

Nguồn cung giảm

Dù được mời mọc nhưng ông N. vẫn từ chối: "Gần đây, các cơ quan chức năng tăng cường truy quét cát lậu nên nguồn cung càng khan hiếm. Không chỉ Vũng Tàu mà các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng chạy ngược xuôi kiếm nguồn cung cấp" - ông N. giải thích.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang vẫn nói không với khai thác cát sông. Liên tục bốn năm qua, tỉnh này không cấp phép khai thác cát trên sông Tiền, dù một số mỏ có trữ lượng khá lớn. Hồi đầu năm, Tiền Giang có cân nhắc cho khai thác một số mỏ cát để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, khi tạm ổn định tỉnh tiếp tục cấm.

Đồng Tháp là một trong số ít tỉnh ở ĐBSCL còn cho khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu dùng để san lấp (cát đen) và cát xây dựng (cát vàng, hạt to), nhưng quản lý rất chặt. 

Ông Nguyễn Trung Ngay, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, cho biết hầu hết mỏ cát chỉ được cấp phép cho Công ty CP Vật liệu xây dựng tỉnh khai thác. Sản lượng khai thác được căn cứ vào nhu cầu sử dụng cho các công trình trong tỉnh hằng năm.

Theo ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hệ thống thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thiếu hụt cát ở các tỉnh phía Nam và ĐBSCL. 

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, nước mặn xâm nhập sâu khiến cát bị nhiễm mặn nên thiếu hụt nguồn cung cấp cát xây, tô và dùng cho bêtông.

Cát: nơi lo thiếu, nơi sợ đầu cơ - Ảnh 2.

Toàn cảnh hàng trăm sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền giữa An Giang và Đồng Tháp để chờ lấy cát - Ảnh: HẠNH ĐẤU

Nơi lo thiếu, nơi lo... đầu cơ

Một số doanh nghiệp kinh doanh cát xây dựng ở ĐBSCL cho biết mặc dù hiện nay thị trường cát bình ổn, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sốt trở lại sau Tết Nguyên đán. Lý do đây là thời điểm thuận lợi nhất cho ngành xây dựng, nên nhu cầu sử dụng cát sẽ tăng cao. Đang có tình trạng đầu cơ tích trữ cát xây dựng ở An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An...

Cát hiện nay đủ loại giá. Loại cát xây, tô (môđun 1.0-1.2, thuật ngữ chỉ kích cỡ hạt cát trong xây dựng) tại Tân Châu, Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) được bán khoảng 120.000 đồng/m3. Về tới Long An, Tiền Giang, Bến Tre tăng lên 250.000 đồng/m3. Còn cát có môđun từ 1.6-1.8 giá từ 350.000 đồng/m3 trở lên.

Để cạnh tranh, nhiều nơi đã trộn cát vàng loại nhỏ nhất với cát san lấp. Tuy nhiên, việc sử dụng loại cát này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình do cát san lấp (cát đen, hạt nhuyễn) không đạt tiêu chuẩn xây, tô. 

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh cát tiết lộ: "Giá cát tùy chất lượng và tùy người bán. Khách hàng không thể biết, càng không thể biết giá cát bao nhiêu là đúng. Nếu lấy 70% cát môđun 1.8 trộn với 30% cát môđun 1.2 rồi bán rẻ hơn cát 1.8 ở nơi khác một ít thì khách hàng sẽ mua ào ào".

Một chủ doanh nghiệp tại Cần Thơ cho biết hiện nay nguồn cung cấp cát xây dựng cho ĐBSCL và TP.HCM chủ yếu dựa vào các mỏ ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Hiện sông Mekong phía Campuchia có nguồn cung cấp cát khá lớn. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Campuchia cũng cấm xuất khẩu cát, nên Bộ Xây dựng và các địa phương cần đẩy nhanh việc tìm vật liệu thay thế càng sớm càng tốt.

Thanh tra hoạt động mua bán cát, sỏi

Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế phải tập trung thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi.

Các cục thuế phải phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để kịp thời phát hiện, yêu cầu kê khai thuế bổ sung, xử lý hành vi vi phạm. Đối với trường hợp phát hiện cát, sỏi không rõ nguồn gốc; vận chuyển cát, sỏi trên đường không có hóa đơn thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Trong trường hợp phát hiện các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm tới mức phải xử lý hình sự, cục thuế phải kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra xử lý. L.THANH

Cát: nơi lo thiếu, nơi sợ đầu cơ - Ảnh 4.

Đồ họa: V.CƯỜNG

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên