06/12/2017 18:29 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh phải hóa trang đi kiểm tra cát tặc

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Phiên họp thứ 5, HĐND Bình Thuận khóa X ngày 6-12 nóng lên khi nhiều đại biểu chất vấn các sở, ngành về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ tại địa phương thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh phải hóa trang đi kiểm tra cát tặc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - chủ tịch UBND Bình Thuận, cho biết đã phải hóa trang đi kiểm tra cát tặc - Ảnh: ĐỨC TRONG

Cuối phần chất vấn và trả lời chất vấn chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai phải xin đoàn chủ tịch điều hành phiên họp thêm 30 phút để tiếp tục đăng đàn, nhận trách nhiệm trước cử tri và hứa sẽ chỉ đạo vụ việc ráo riết hơn.

Có sự tiếp tay từ cán bộ không?

Về vấn đề khai thác cát trái phép, nhiều đại biểu chất vấn ông Hồ Lâm - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận - rằng có sự tiếp tay của cán bộ môi trường không mà tình hình ngày càng phức tạp và kéo dài?

Ông Hồ Lâm thừa nhận thời gian qua báo chí phản ánh tại địa phương rộ lên tình trạng khai thác cát trái phép là có cơ sở. 

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép gia tăng, ông Lâm giải thích do Chính phủ siết chặt quản lý, trong khi nhu cầu thị trường về cát xây dựng rất lớn. Ông cũng cho rằng hiện có sự trá hình trong quá trình khai thác cát.

Trả lời có sự tiếp tay của cán bộ môi trường không, ông Lâm khẳng định không có và nói việc khai thác cát trái phép thời gian qua sở có nắm bắt được chứ không phải không biết.

Ông Lâm dẫn chứng trong năm 2017, sở đã xử lý 327 vụ, xử phạt 1,8 tỉ đồng và phối hợp các địa phương kiểm tra xử lý 15 điểm nóng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn chưa thỏa mãn với phần trả lời này.

"Có dây mơ rễ má gì không?"

Liên quan đến vấn đề khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết từng cải trang cùng trinh sát vào tận nơi kiểm tra và thừa nhận tình trạng khai thác tại địa phương đã manh nha từ năm 2016, sau đó lan rộng và qui mô. Đến cuối năm 2017 thì rất nóng, có nơi rất nghiêm trọng.

Ngoài các nguyên nhân mà ông Hồ Lâm đã giải thích, ông Hai cho rằng còn do quản lý của địa phương.

"Công tác quản lý còn lỏng lẻo mà cụ thể ở đây là cấp huyện và xã. Có nơi khai thác cách trụ sở xã có 2km mà không phát hiện. Vừa rồi tôi phải cùng lực lượng trinh sát vào rừng kiểm tra, chứ đi theo đoàn thì không thấy gì đâu" - ông Hai nói.

"Tôi rất sốt ruột, không lẽ lúc nào tôi cũng phải chạy xuống kiểm tra, trong khi báo chí liên tục phát hiện. Tôi phải hoan nghênh báo chí kịp thời phản ánh. Khai thác thế nào, xe chở đi đâu... họ đều nhắn tin và quay clip gửi riêng cho tôi" - ông Hai cho biết.

Đặt nghi vấn tại sao đoàn liên ngành đã thành lập, có đầy đủ binh lực nhưng vấn đề khai thác cát trái phép vẫn tồn tại, ông hỏi: "Tại sao các cơ quan, sở ngành họp hành suốt mà tình hình không triển biến. Còn xử phạt thì từ đầu năm đến nay khoảng 60 - 70 vụ mà không răn đe đến ai. Phải chăng có bảo kê?".

Cũng theo ông Hai, hiện UBND tỉnh đã giao lực lượng công an vào cuộc xử lý cát tặc. Ông khẳng địng nếu có cán bộ móc nối, các tổ chức cá nhân hình thành băng nhóm... sẽ khởi tố ngay và làm gắt gao. Đồng thời khẳng định UBND tỉnh cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề này.

"Cái dở của mình là khi phát hiện rồi thì xử lý lưng chừng. Không biết có dây mơ rễ má gì trong đó không?" - ông Hai nói

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên