16/11/2020 16:59 GMT+7

Cấp bằng lái xe: Công an không nên nhận thêm những nhiệm vụ khác

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - "Lực lượng công an với chức năng, quyền hạn của mình giải quyết tốt những vấn đề (tội phạm trật tự xã hội - NV) để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi, không phải nhận thêm những nhiệm vụ khác", đại biểu Nguyễn Quốc Hận.

Cấp bằng lái xe: Công an không nên nhận thêm những nhiệm vụ khác - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 16-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) băn khoăn việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - vận tải sang Bộ Công an.

Ông Hận phân tích: Khi thực hiện Luật công an nhân dân đã làm phát sinh hơn 126.000 công an xã đang dôi dư, ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của lực lượng công an xã, tác động xấu đến dư luận xã hội, hiện Quốc hội đang phải xem xét ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.

"Vậy làm sao đảm bảo khi việc cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì việc bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT và 63 tỉnh, thành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực", đại biểu Quốc Hận nói.

Mặt khác, theo đại biểu này, thực tiễn hoạt động của công tác quản lý đào đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được Bộ GTVT thực hiện tốt, thuận tiện, nhanh chóng. Trong đó sử dụng công nghệ thông tin, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019, liên thông toàn quốc về việc cấp GPLX.

Việc này ít có ngành làm được, được nhân dân ủng hộ, quốc tế công nhận và Việt Nam đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ xáo trộn, phải hiệp thương lại với các nước và thay đổi GPLX, tốn kém kinh phí cho nhà nước và nhân dân, trong khi Chính phủ phát động tiết kiệm để tạo nguồn lực xây dựng đất nước, ông Hận chỉ ra.

Đại biểu Cà Mau cũng đặt câu hỏi: "Ai đảm bảo, khẳng định và dám chịu trách nhiệm cá nhân là khi chuyển sang Bộ Công an không có GPLX giả, tai nạn giao thông giảm. Trong khi giấy tờ do ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thậm chí thẻ công an giả".

Đại biểu Quốc Hận cũng nhận định: "Không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự và không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một số ngành, cơ quan đơn vị vì như thế dễ sinh ra tình trạng độc quyền, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp giả danh ngành này ngành khác để lừa đảo gây bức xúc trong xã hội, hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để che giấu, thậm chí tham gia tội phạm gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỉ đồng".

Từ đó, ông Hận chia sẻ: ''Tôi rất hoan nghênh và cảm kích ngành công an dù bận trăm công ngàn việc, mà toàn là việc quan trọng, nhưng không ngại khó khan vẫn muốn gánh vác thêm nhiều trọng trách của xã hội.

Nhưng dân gian có câu 'một nghề cho chín còn hơn chín nghề'. Hiện nay tình hình trật tự còn diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy, trộm cắp, cướp giật... cần được kiềm chế một cách có hiệu quả. Lực lượng công an với chức năng, quyền hạn của mình giải quyết tốt những vấn đề nêu trên để quốc thái dân an thì nhân dân cảm kích, tôn vinh lắm rồi, không phải nhận thêm những nhiệm vụ khác".

Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đưa ra các lý do không đồng thuận việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 ra làm 2 luật là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ:

Thứ nhất, Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không có trong Chương trình xây dựng luật năm 2020. Do vậy, nếu áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không thỏa mãn các điều kiện.

Thứ hai, bảo đảm an toàn giao thông là một chỉnh thế thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông.

Thứ ba, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là mục tiêu hướng đến chứ không phải một đối tượng cần có sự điều chỉnh.

Thứ tư, một luật liên quan đến việc triển khai, phối hợp, tổ chức thực hiện của nhiều bộ ngành, nhiều cấp, lĩnh vực là một thực tế khách quan, không thể vì phạm vi thực hiện của hai bộ, hai lĩnh vực mà phải tách ra hai luật.

''Nếu như thế chúng ta còn phải tách ra nhiều luật nữa để tách bạch giữa các bộ ngành, lĩnh vực'', đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị xin ý kiến Quốc hội về việc tách hai luật này.

Một số đại biểu đồng tình tách luật

Thảo luận hôm nay cũng có một số đại biểu bày tỏ đồng tình với việc tách luật, cũng như chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đưa ra căn cứ quan trọng là hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Hơn 10 năm qua tai nạn giao thông đã làm chết trên 100.000 người và làm bị thương trên 330.000 người, trong đó có nhiều người thương tật suốt đời, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe là không hợp lý Chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe là không hợp lý

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ chính kiến: KHÔNG đồng ý đề nghị của Chính phủ về “tách” Luật giao thông đường bộ làm hai luật.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên