12/11/2020 08:57 GMT+7

Giao thông đường bộ: Một luật 'tách đôi', đại biểu lo rối

LÊ KIÊN - NGỌC AN -  TIẾN LONG
LÊ KIÊN - NGỌC AN - TIẾN LONG

TTO - Ngày 11-11, nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận đã bày tỏ băn khoăn về việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 ra làm 2 luật là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Giao thông đường bộ: Một luật tách đôi, đại biểu lo rối - Ảnh 1.

Xe cộ di chuyển khó khăn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc sửa đổi luật tạo sự đột phá trong quản lý giao thông, song ông băn khoăn việc tách Luật giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật có thể gây nên chồng chéo trong quản lý.

Đại biểu chỉ ra điểm chồng chéo

Trực tiếp nghiên cứu hai dự luật, ông Tùng cho hay có những điều khoản rất chồng chéo, có thể gây khó khăn trong thực hiện, trong khi cả hai luật đều hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, quy tắc giao thông. 

"Các luật đều phải nhằm mục đích xây dựng quy tắc và trật tự giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Việc tách ra e rằng mất đi tính tổng thể, mỗi ngành quản lý theo cách của mình dẫn tới chồng chéo và tác động đến hiệu quả quản lý. Có thể phân công, phân định trách nhiệm các ngành nhưng không nhất thiết quy định trong 2 luật" - ông Tùng nói.

Dẫn chứng cụ thể về những điểm chồng chéo, ông Tùng cho hay dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) điều chỉnh liên quan tín hiệu giao thông, biển báo dưới góc độ hạ tầng, xây dựng, trong khi dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng điều chỉnh về biển báo và tín hiệu giao thông. 

"Dự thảo Luật GTĐB nêu hệ thống tín hiệu đèn khi lắp đặt xong phải được chủ đầu tư, cơ quan quản lý tổ chức vận hành thử trước khi nghiệm thu đưa vào khai thác. Trong khi dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng quy định ngành công an chỉ huy, điều hành giao thông, điều này có thể dẫn tới chồng chéo" - ông Tùng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng đề nghị "chưa nên tách luật, để lại sang khóa XV bàn cho kỹ". Ông Được cho rằng tổ chức giao thông là lĩnh vực dân sự, công an là lực lượng vũ trang, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ từng ngành, nếu không cẩn thận thì lại chồng chéo, trùng lặp. 

"Nếu tách luật này, tới đây các luật đường sắt, đường thủy nội địa, đường không có tách ra nữa không?" - ông Được đặt câu hỏi.

Giao thông đường bộ: Một luật tách đôi, đại biểu lo rối - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chuyển cấp phép lái xe sang Bộ Công an?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh - cho rằng GTĐB bao gồm 4 yếu tố: kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người và quy tắc giao thông. Nếu tách ra làm hai luật sẽ không còn thống nhất, đồng bộ.

Ông Bộ cho biết nghị quyết số 17 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã nêu rõ, đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác. Trong khi đó, 25 năm nay việc thực hiện nhiệm vụ quản lý này về đào tạo cấp GPLX của Bộ GTVT cơ bản là ổn định.

Theo ông Bộ, nếu chuyển sang Bộ Công an sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn là lãng phí. Bởi sẽ có tới 463 cơ sở đào tạo lái xe môtô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ôtô được xã hội hóa 100% phải dừng hoạt động và hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức mất việc. Trong khi đó, Bộ Công an sẽ phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện việc này. 

"Hiện tượng làm giả giấy tờ hiện nay có nhiều, ví như bằng đại học rồi cả chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Vậy với lý do bị làm giả thì có chuyển thẩm quyền cấp bằng cử nhân từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Công an không? Có chuyển cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu từ Bộ Công an sang bộ khác không" - ông Bộ nói.

Không nghĩ như vậy, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng tờ trình của Chính phủ đã đề cập rất rõ vấn đề này. Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả 2 lĩnh vực về trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng nên tạo ra những bất cập trong quá trình thực hiện.

Giao thông đường bộ: Một luật tách đôi, đại biểu lo rối - Ảnh 3.

Theo dự thảo luật, việc sát hạch, cấp GPLX được giao cho Bộ Công an. Trong ảnh: một điểm thực hành lái xe tại TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nên lấy ý kiến đại biểu về việc tách luật

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung (đại biểu Nam Định) cho rằng nếu chưa thống nhất về mặt quan điểm mà thảo luận để thống nhất và quyết định sẽ gây mất thời gian. Do đó, ông cho rằng khi chưa có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nên có hình thức lấy ý kiến của các đại biểu về việc có đồng ý hay không tách 2 dự thảo luật như hiện nay, sau đó mới bàn nội dung.

Đồng tình, đại biểu Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên (tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng sau phiên thảo luận này cần có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến của đại biểu. Trước hết cần làm rõ là có nên tách Luật GTĐB thành 2 luật hay không, sau đó mới bàn tiếp là các luật làm bao nhiêu chương, bao nhiêu điều.

Vì sao tách thành 2 luật?

Trong tờ trình dự thảo, Chính phủ cho rằng Luật giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).

Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.

Chẳng hạn, luật hiện hành thiếu quy định phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính, sử dụng làn đường, chuyển hướng, vượt, thiếu chú ý quan sát, sử dụng đèn tín hiệu, mở cửa xe... dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.

Chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý...

Mặt khác, về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, phương tiện tham gia giao thông luôn gắn liền với người điều khiển, trong đó phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được pháp luật xác định là nguồn nguy hiểm cao độ vì tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông và cũng là phương tiện mà tội phạm thường lợi dụng tiến hành các hành vi phạm tội như khủng bố, biểu tình, gây rối, giết người, vận chuyển ma túy, hàng cấm, hàng lậu, cướp giật...

Các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe không được quy định trong luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập.

Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe... Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.

Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Luật có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, gồm các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm...

N.T.

"Không cho phép chậm trễ nữa"

to lam 1

Bộ trưởng Tô Lâm - Ảnh: T.L.

Không giải thích vì sao phải tách 2 luật và giao việc quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ khẳng định việc sửa đổi Luật GTĐB được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản pháp luật, được lấy ý kiến nhiều vòng.

Theo đó, ngoài việc điều chỉnh hai chương với nội dung quy tắc giao thông và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an xây dựng, Luật GTĐB sửa đổi có nhiều điểm mới.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng việc tách luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng, gây bức xúc trong dân. Một là tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở GTĐB, hai là làm sao giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ.

"Các văn bản của Đảng, Nhà nước xác định an toàn giao thông là một phần quan trọng trong trật tự an toàn xã hội. Mà trật tự an toàn xã hội đã giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm thì không thể đứng ngoài trong việc giữ an toàn giao thông. Tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hơn nữa’’ - ông Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết với quy định của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ tiết kiệm được rất nhiều, không nảy sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Ngành công an có Cục CSGT, trong cục này có phòng quản lý đăng kiểm, phòng quản lý lái xe nên sẽ không phải lập cục quản lý lái xe, cục quản lý đăng kiểm.

"Như vậy bộ máy không nảy sinh, con người thực tế trên mặt đường không nảy sinh và sẽ giảm. Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa" - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Theo ông Tô Lâm, dù thêm nhiệm vụ nhưng CSGT vẫn không áp lực bởi sẽ áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý. Ví dụ, trên đường cao tốc bây giờ không cần cảnh sát tuần tra mà chỉ có chốt ở điểm vào và điểm ra, nếu xe vi phạm đã có camera ghi lại. Từ đó sẽ giảm rất nhiều nguồn nhân lực.

Về các cơ sở sát hạch lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay "không đụng chạm gì đến các cơ sở này’’. Bởi theo bộ trưởng, bộ chỉ quản lý quy trình cấp bằng, chống gian lận, làm giả, còn việc sát hạch, đào tạo lái xe lâu nay đã xã hội hóa cho nên các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường. Ngay cả đăng kiểm, tất cả các cơ sở đăng kiểm là xã hội hóa như một ngành nghề kinh doanh.

Cuối phát biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nhắc lại: "Nếu Quốc hội khóa XIV không thông qua, khóa mới kỳ đầu cũng không thông qua được vì không có chương trình để làm luật. Dự thảo lại phải chờ đến năm 2022.

Thông qua rồi mất 6 tháng mới có hiệu lực, chắc là đến năm 2023 luật mới được lưu hành. Chúng tôi sẽ rất cố gắng để hoàn thiện dự luật, từ nay cho đến kỳ cuối cùng hi vọng Quốc hội thông qua, đưa luật vào cuộc sống, giảm bớt khó khăn, bức xúc. Chúng tôi rất thiết tha đề nghị việc đó".

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội):

VN chưa có "giao thông thông minh’’

nguyenphithuong

Đại biểu Nguyễn Phi Thường

Tôi ủng hộ sửa đổi Luật GTĐB 2008 vì "đến nay đã phát sinh nhiều bất cập". Tuy vậy, dự thảo luật sửa đổi trình Quốc hội lần này chưa giải quyết được nhiều tồn tại của thực tế đang đặt ra. Thứ nhất, về phân loại đường, theo thông lệ quốc tế người ta phân loại theo chức năng của đường như đường cao tốc, đường trục, đường nhánh... còn ta lâu nay phân cấp là đường quốc lộ, tỉnh lộ, nội đô...

Vì chưa quy định rõ việc phân loại đường theo chức năng nên tổ chức giao thông chưa tốt, ví dụ như tình trạng đấu nối không theo nguyên tắc nên nhiều chỗ đấu nối gây ảnh hưởng đến năng lực vận hành của hệ thống giao thông.

Mặt khác, chúng ta nói về giao thông thông minh nhưng chúng ta đã làm gì có, chỉ mới có mấy cái camera lắp ngoài đường. Giao thông thông minh là phải có trung tâm điều khiển với hệ thống cảm biến, kết nối với các phương tiện để người ta biết đường này thì đang đông, đường kia đang thoáng, người tham gia giao thông được hướng dẫn, gợi ý khi đang lưu hành, giúp việc tổ chức giao thông hiệu quả, giảm ùn tắc và tai nạn, tiết kiệm chi phí thời gian tham gia giao thông của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội):

Quy định rõ về sửa chữa, thi công

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Luật GTĐB phải quy định cả vấn đề thi công các công trình giao thông vào luật. Các đường giao thông nội đô thường sửa rất nhiều, ảnh hưởng đến lưu thông, rất tốn thời gian của xã hội. Vì vậy phải quy định rất cụ thể, ví dụ như che chắn thế nào, thi công thời gian nào, phạm vi bao nhiêu, không thể cả con đường dài như vậy cứ thi công trải dài gây ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông.

Khi ra nước ngoài thì người ta thi công rất gọn gàng, ban đêm thắp điện làm, thi công từng đoạn xong đến đâu gọn đến đấy, hướng dẫn giao thông rất khoa học chứ không sửa đường kiểu như ta.

Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nên bỏ chữ ‘bảo đảm’ Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nên bỏ chữ ‘bảo đảm’

TTO - Đó là một trong số các ý kiến tại Hội nghị thảo luận, góp ý về một số quy định mới trong các dự án Luật liên quan công tác công an do Công an TP.HCM tổ chức.

LÊ KIÊN - NGỌC AN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên