18/11/2020 08:17 GMT+7

Giải quyết ngay những vấn đề 'nóng'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Những vấn đề 'nóng' sau chất vấn ở nghị trường như giữ rừng, quản lý thủy điện, sai sót trong sách giáo khoa… đã 'đi vào' nghị quyết được Quốc hội ban hành ngay tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 10, khóa XIV chiều qua 17-11.

Giải quyết ngay những vấn đề nóng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết - Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, vì Quốc hội chất vấn rất nhiều nội dung, lĩnh vực, do đó nghị quyết cũng có dung lượng rất lớn, bao quát nhiều vấn đề khác nhau.

Tạo thuận lợi cho kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo

"Tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội" là một trong số các nội dung được nghị quyết nêu rõ.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu có chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Có cơ chế khuyến khích liên kết, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. 

Đồng thời phải có chính sách mới thu hút doanh nghiệp FDI liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, bảo đảm an toàn nợ công.

Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. 

Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt.

Xây dựng dữ liệu quốc gia về thủy điện

"Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch" là vấn đề chung được Quốc hội nhấn mạnh. 

Với những lĩnh vực cụ thể, Quốc hội yêu cầu khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định. Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng kế hoạch và thực hiện quy hoạch với phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản... Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện.

Đồng thời, phải tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện, dự án tác động đến hệ sinh thái rừng phòng hộ; rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường. 

Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, ngập mặn, bão lũ, gây sạt lở đất, bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư tại vùng có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Kiện toàn bộ máy, đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Rừng từng là chủ đề "nóng" trong các phiên chất vấn, tại nghị quyết này Quốc hội nêu rõ: "Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; có giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là các khu vực trọng yếu; xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, các sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng rừng".

Giải quyết ngay những vấn đề nóng - Ảnh 2.

Quốc hội yêu cầu phải đảm bảo chất lượng sách giáo khoa. Trong ảnh: học sinh lớp 1 tại TP.HCM học chương trình mới - Ảnh: T.TR.

Kiểm soát chất lượng sách giáo khoa

Dành dung lượng khá lớn đề cập đến lĩnh vực giáo dục, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. 

Quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục triển khai kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 - 2025 ổn định, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Quốc hội yêu cầu có giải pháp tốt để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, về hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực văn hóa, phải thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội. Quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước. Sớm ban hành quy định về quản lý các doanh nghiệp kinh doanh nội dung xuyên biên giới. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

23-5-2021: bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp

Thông qua nghị quyết về ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử là ngày chủ nhật 23-5-2021.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm thi hành nghị quyết.

Các mục tiêu cụ thể khác

Năm 2021:

* Hoàn thành quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu năng lượng.

* Triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh nội trú bảo hiểm y tế tuyến tỉnh.

* Thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT đường bộ.

* Ban hành khung giá dịch vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

* Ban hành hướng dẫn về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới.

* Hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất và sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp sang mô hình mới.

* Ban hành chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của VN, sản xuất tại VN.

* Ban hành quy định về hoạt động lấn biển.

Năm 2022:

* Lập quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Ban hành các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch và cấp phép xây dựng đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, bảo tồn.

Đến năm 2025:

* Hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

* Cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do.

Bộ trưởng nói gì về ý kiến Bộ trưởng nói gì về ý kiến 'bước thụt lùi' đánh giá tác động môi trường?

TTO - Chiều 17-11, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã trao đổi với báo chí về luật này.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên