09/12/2020 11:49 GMT+7

Quy định chặt chẽ điều kiện được công nhận liệt sĩ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi quy định về điều kiện được công nhận liệt sĩ, nhằm đảm bảo tôn vinh xứng đáng và tránh lạm dụng chính sách.

Quy định chặt chẽ điều kiện được công nhận liệt sĩ - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng - Ảnh: CTV

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng nay (9-12).

Pháp lệnh này quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Đáng chú ý, so với pháp lệnh cũ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh quy định về các trường hợp được công nhận liệt sĩ, nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh của thời bình, tôn vinh xứng đáng đối với người có công.

Theo đó, ngoài các trường hợp hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ được giao, người không được giao nhiệm vụ nhưng hi sinh khi có hành động "đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội" sẽ được công nhận là liệt sĩ.

Quy định này được thể hiện tại điều 14 của pháp lệnh: người đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;

- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

- Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hi sinh;

- Làm nghĩa vụ quốc tế;

- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;

- Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước, nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội…

Pháp lệnh có 7 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021.

Tòa án hay UBND quyết định việc đưa trẻ 12 - 18 tuổi đi cai nghiện?

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật phòng chống ma túy (sửa đổi).

Một trong những nội dung được quan tâm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu là nên chăng điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện từ 12 tuổi tới dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện từ tòa án sang UBND.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng hiện nay thực hiện theo quy trình tòa án quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc là tương đối phức tạp, cần nghiên cứu để rút gọn thủ tục hành chính, đảm bảo đưa người vào cơ sở cai nghiện kịp thời.

Tham gia ý kiến, thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng với trẻ nhỏ, các em còn đang tuổi đi học, tuổi vui chơi thì việc đưa các em vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần hết sức cân nhắc, tính toán vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em, nguyên tắc đảm bảo tính chất nhân đạo...

"Vậy nên, việc này thẩm quyền quyết định chỉ có thể là tòa án vì trong thời gian đi cai 6 - 12 tháng, còn phải tính tới việc học hành của các em" - ông Vương nói.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự luật này vào kỳ họp cuối cùng của khóa XIV.

Ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức Ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức

TTO - Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 23 của HĐND TP.HCM khóa IX sáng 7-11, ông Uông Chu Lưu - phó chủ tịch Quốc hội - cho biết tại phiên họp dự kiến diễn ra vào ngày 9-12 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập TP Thủ Đức.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên