Một tàu cảnh sát biển Philippines gần Scarborough năm 2019 - Ảnh: AFP
Cuộc diễn tập của Philippines bắt đầu từ tuần trước, bao gồm các nội dung tập huấn về hoạt động của tàu nhỏ, bảo trì và hậu cần.
Hãng tin AFP cho biết địa điểm diễn tập nằm gần đảo Thị Tứ và bãi cạn Scarborough, tiếp giáp các đảo Batanes ở phía bắc.
Theo phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines Armando Balilo, hoạt động lần này nhằm đảm bảo "quyền tài phán trên biển của chúng tôi".
Đảo Thị Tứ là khu vực Philippines đang kiểm soát. Trong khi đó Scarborough là nơi Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines năm 2012.
Cuộc diễn tập trên diễn ra trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng trong vấn đề trên biển.
Tháng trước, Philippines tố Trung Quốc đưa hơn 200 tàu dân quân biển vào neo đậu tại Đá Ba Đầu, trong khi Bắc Kinh nói đó là các tàu cá lưu trú để tránh bão.
Đá Ba Đầu là thực thể thuộc cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tranh chấp.
Manila đã điều thêm tàu tuần tra tới các khu vực có tàu Trung Quốc, dù được biết tàu Trung Quốc sau đó đã phân tán ra các khu vực khác ở Biển Đông.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, với nội dung được cho xoay quanh sự hiện diện gần đây của nhóm hơn 200 tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu.
Trước đó vào tháng 3, Việt Nam cũng tuyên bố chính thức về lập trường của mình đối với vụ việc tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận