Ngày 10-8, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.
Theo đó, thời gian qua trên địa bàn TP đã xảy ra một số trường hợp tai biến, biến chứng sau khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, đã có trường hợp tử vong sau khi làm thẩm mỹ tại cơ sở không phép.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra nhiều cơ sở, cá nhân tổ chức hoạt động, khám chữa bệnh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra, một số cơ sở trá hình phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ thực để làm dịch vụ thẩm mỹ.
Nhiều cơ sở hoạt động rất tinh vi với các hình thức cơ sở spa, chăm sóc da hoặc hoạt động trong các căn hộ chung cư không có biển hiệu.
Nhiều cơ sở, cá nhân gây khó khăn cho công tác quản lý như: đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây nên tai biến nghiêm trọng và ảnh hưởng tính mạng người dân.
UBND TP yêu cầu Sở Y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, thường xuyên liên tục đối với hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở hành nghề y tư nhân.
Người dân có thể phản ánh thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010 hoặc 0989401155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh khi phát hiện cơ sở thẩm mỹ “chui”.
Đặc biệt UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, lưu ý đăng ký tên của nhóm loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải đúng quy định pháp luật.
Tiếp đó cần tăng cường hậu kiểm sau cấp giấy phép kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời hành vi vi phạm, lưu ý chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…
Công an TP phải tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan đến hoạt động thẩm mỹ không phép.
Đồng thời, đề xuất sớm đưa vào hoạt động phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê…
'85% cơ sở thẩm mỹ không thuộc cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép'
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 11-7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết trên địa bàn TP có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở).
Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - hộ kinh doanh hoặc công ty).
Theo quy định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.
Điều này, theo người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, đã tạo ra ba thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trái phép trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận