Bệnh nhân nữ (trong 2 người ngộ độc nặng tại Bệnh viện Bạch Mai) đã có tiến triển tốt hơn, đã tự ngồi và đi lại được - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo thông tin ngày 9-9 từ Bệnh viện Bạch Mai, tính đến ngày 7-9, bệnh viện đã tiếp nhận 35 người khám sau khi ăn patê Minh Chay, trong đó có 13 người có dấu hiệu ngộ độc nhẹ (mệt mỏi, yếu cơ).
Các trường hợp này ăn patê Minh Chay nhiều ngày, đã được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe.
Tại bệnh viện hiện vẫn còn 2 bệnh nhân ngộ độc nặng đang điều trị. Hai bệnh nhân là 2 vợ chồng, đều đã được sử dụng thuốc giải độc từ ngày 29-8.
Đến nay người vợ (68 tuổi) đã chuyển biến rõ, tự đi lại được, nói rõ, ăn uống bằng đường miệng. Người chồng 70 tuổi biến chuyển chậm do ăn nhiều và nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ hi vọng tình trạng bệnh nhân sẽ cải thiện tốt hơn sau khi đã được sử dụng thuốc giải độc.
Đáng chú ý, dù Cục An toàn thực phẩm cảnh báo khẩn cấp từ ngày 29-8, các phương tiện thông tin đại chúng cũng thông tin rất nhiều, nhưng đến ngày 3-9 vẫn có người ăn patê Minh Chay và bị ngộ độc. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại một bệnh viện.
"Điều này cho thấy một bộ phận người mua vẫn chưa tiếp cận được thông tin và vẫn còn sản phẩm lưu lại các gia đình, cơ quan chức năng chưa thu hồi hết, dẫn tới nguy cơ bị ngộ độc" - Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, botulinum là độc tố cực độc, hàm lượng 0,1mg có thể đã gây tử vong. Việc giữ các sản phẩm nguy cơ chứa botulinum (patê Minh Chay) tại nhà rất nguy hiểm, do có thể có người không biết lại tiếp tục sử dụng và bị ngộ độc.
Bên cạnh việc ngưng sử dụng sản phẩm ngay, ông Nguyên cũng khuyến cáo người mua liên hệ ngay với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng.
Những người đã sử dụng sản phẩm, đề nghị phải theo dõi sức khỏe, nếu thấy có bất thường như nhìn mờ, đau họng, chân tay mỏi yếu... cần đến ngay cơ sở y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận