14/08/2018 09:19 GMT+7

Cảnh báo hiểm họa 'thuốc diệt cỏ gây ung thư' tại Việt Nam

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Do không cảnh báo nguy cơ gây ung thư của thuốc diệt cỏ, Công ty Monsanto đã bị một tòa án của Mỹ phạt và buộc bồi thường gần 289 triệu USD.

Cảnh báo hiểm họa thuốc diệt cỏ gây ung thư tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nông dân phường 4, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) chuẩn bị phun thuốc diệt cỏ cho vườn cây ăn trái của mình - Ảnh: KHẮC TÂM

Trong khi tại VN, nhiều sản phẩm có chứa hoạt chất này vẫn được kinh doanh và sử dụng thoải mái.

Cục Bảo vệ thực vật (BTVT) cho biết sau khi Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) công bố xếp glyphosate vào nhóm có thể gây ung thư cấp độ 2A cách nay 2 năm, cơ quan này yêu cầu không được đăng ký thêm thuốc chứa hoạt chất glyphosate, chỉ cho sử dụng những thuốc đã đăng ký.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thuốc BVTV có chứa hoạt chất này vẫn đứng đầu danh sách được nhập khẩu vào VN mỗi năm.


Được sử dụng tràn lan

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang - cho biết theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN, các loại thuốc chứa hoạt chất glyphosate được các công ty đăng ký với 127 tên thương mại. 

Trong đó trên địa bàn An Giang có ít nhất 4 công ty phân phối, sản phẩm được nông dân sử dụng để diệt trừ cỏ bờ trên lúa và trừ cỏ trên cây ăn trái.

Trong khi đó, ông Lê Văn Đá - phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang - cho biết chưa có bất cứ cảnh báo nào về tính độc hại của việc sử dụng hoạt chất glyphosate trên các sản phẩm thuốc diệt cỏ. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã có khuyến cáo tới khoảng 500 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, chính quyền các địa phương, hệ thống trạm BVTV cảnh báo bà con nông dân về tác hại của việc lạm dụng thuốc diệt cỏ.

Tương tự, theo ông Huỳnh Ngọc Hạp, chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất glyphosate được bán.

Một giáo sư chuyên giảng dạy về thuốc BVTV tại ĐH Cần Thơ cho rằng các loại thuốc chứa hoạt chất glyphosate có tác dụng hủy diệt cỏ rất hiệu quả. 

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy khi sử dụng phun xịt, dư lượng của hoạt chất glyphosate vẫn tồn tại trong đất và nước, được một số loại cây trồng hấp thụ. 

"Dư lượng hóa chất này chủ yếu gây ảnh hưởng lên hệ vi sinh vật đường ruột nên có thể ảnh hưởng về lâu dài nếu ăn nhiều sản phẩm có chứa dư lượng hoạt chất đó, nghĩa là vượt ngưỡng cho phép" - vị này khuyến cáo.

Cảnh báo hiểm họa thuốc diệt cỏ gây ung thư tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nông dân phường 4, TP Sóc Trăng phun thuốc diệt cỏ cho vườn cây ăn trái của mình - Ảnh: KHẮC TÂM

Việt Nam nên theo dõi phản ứng của các nước để có quyết định với thuốc diệt cỏ chứa glyphosate, nhưng trước mắt cần tăng cường quản lý và hướng dẫn sử dụng nhằm giảm hại cho người dân, giảm thiểu tác hại có thể có với môi trường và sức khỏe

Ông Nguyễn Xuân Hồng (nguyên cục trưởng Cục BVTV)

Phải cấm sử dụng

Theo TS Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật VN, hóa chất BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng đang được sử dụng vô tội vạ ở VN. 

Không chỉ được áp dụng ở vùng đồng bằng, nơi các cánh đồng được thâm canh cao độ, mà hóa chất đã leo lên các bản làng vùng núi cao, vùng sâu vùng xa.

Sự tiện lợi của hóa chất là tiêu diệt nhanh sâu bệnh, loại bỏ cỏ nhanh nên được người nông dân lựa chọn. Thậm chí, người dân còn cho rằng nếu không dùng hóa chất thì không thể làm được nông nghiệp nữa. 

"Tư duy này sẽ mãi làm cho chiến lược làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của VN không thể phát triển được" - ông Thơ nói.

Cũng theo ông Thơ, mức độ độc hại của glyphosate, paraquat hay 2,4-D đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu và khuyến nghị ngưng sử dụng. Nhưng không hiểu vì lý do nào đó, việc kinh doanh các loại hóa chất này vẫn rất tự do, hoặc nếu cấm thì vẫn "ân hạn" sử dụng kéo dài tới 1-2 năm.

"Như thế khác nào khuyến khích các nhà sản xuất tận thu, họ sẽ dồn toàn lực để đưa ra thị trường số lượng lớn hóa chất sắp bị cấm, sẽ khuyến khích nông dân dùng thật nhiều để thu lợi" - TS Thơ bày tỏ lo ngại.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng sự kiện tòa án của Mỹ phạt Monsanto vì không cảnh báo hóa chất glyphosate có khả năng gây ung thư một lần nữa cho thấy cần sớm xem xét lại danh mục hóa chất này tại VN.

"Glyphosate được các công ty sản xuất nói rằng an toàn nhưng tòa án Mỹ đã phán quyết điều ngược lại. VN cần sớm rà soát loại hóa chất này để có những cảnh báo cụ thể cho người sử dụng và cân nhắc loại bỏ khỏi danh mục được phép kinh doanh ở VN" - ông Nghĩa đề xuất.

Đang rà soát và xem xét?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-8, ông Huỳnh Tấn Đạt, trưởng phòng quản lý thuốc (Cục BVTV, Bộ NN&PTNT), cho biết từ tháng 3-2015, khi Tổ chức IARC của châu Âu (1 trong 4 cơ quan của Tổ chức Y tế thế giới) công bố báo cáo khoa học về hoạt chất glyphosate có khả năng gây ung thư đối với người và xếp nó vào nhóm 2B, Cục BVTV đã đề xuất các giải pháp trình bộ trưởng để có các biện pháp quản lý phù hợp.

Đến tháng 6-2015, Cục BVTV có văn bản gửi tất cả doanh nghiệp và tổ chức liên quan tạm dừng đăng ký mới đối với tất cả sản phẩm có chứa chất glyphosate, đồng thời tiếp tục rà soát các thông tin liên quan đến công bố của Tổ chức IARC.

Liên quan đến phán quyết mới đây của một tòa án tại Mỹ, ông Đạt cho rằng Cục BVTV vẫn phải theo dõi tất cả ý kiến chính thức của tòa và các bằng chứng khoa học của các bên để có kết luận, trước khi đề xuất Bộ NN&PTNT các biện pháp quản lý sử dụng các loại thuốc có hoạt chất này.

Trong khi đó, giải thích lý do đã yêu cầu hạn chế nhập khẩu thuốc BVTV có chứa hoạt chất glyphosate từ năm 2016 nhưng vẫn chưa cấm hẳn, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục BVTV - cho rằng cần có đầy đủ thông tin và cần có thời gian chuyển tiếp theo quy định trong Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật (sau 1 năm từ khi bị loại khỏi danh mục mới ngưng nhập khẩu, sau 2 năm mới cấm dùng - PV).

"Chúng tôi đã rà soát tổng thể danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, trong đó có hoạt chất glyphosate, trên cơ sở đúng quy định của pháp luật VN và quốc tế. Nếu hóa chất BVTV đó gây ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường... sẽ bị loại khỏi danh mục. 

Tuy nhiên, việc cấm hay cho phép sử dụng phải dựa trên các quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, chứ không phải cấm vì nước nọ nước kia cấm nên VN cũng cấm" - ông Trung nói.

Ông Huỳnh Tấn Đạt (trưởng phòng quản lý thuốc, Cục BVTV):

Hàng trăm loại thuốc diệt cỏ chứa glyphosate

Hoạt chất glyphosate là một trong những sản phẩm hết bảo hộ độc quyền nên rất nhiều tổ chức, cá nhân khác được quyền sản xuất và kinh doanh.

Ngoài Maxer 660 SC của Monsanto có chứa glyphosate, tại VN hiện có hơn 100 sản phẩm thuốc trừ cỏ của các công ty, doanh nghiệp khác có chứa chất glyphosate trong danh mục được phép sử dụng.

Đối với các thuốc trừ cỏ chứa chất glyphosate, từ năm 2015 đến nay Cục BVTV vẫn đang thu thập thông tin, bằng chứng khoa học liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái để làm báo cáo kỹ thuật và lấy ý kiến các hiệp hội thuốc BVTV cũng như các nhà khoa học trước khi trình Bộ NN&PTNT xem xét, loại bỏ khỏi danh mục theo đúng quy định.

Monsanto và chất độc da cam ở Việt Nam

Trong giai đoạn từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 45 triệu lít chất độc da cam gọi là agent orange chứa dioxin xuống nhiều nơi ở Việt Nam (có tài liệu nói đến 80 triệu lít).

Monsanto là một trong hai công ty lớn nhất trong số 15 công ty đã trúng thầu hợp đồng sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ.

Trước những cáo buộc về những tổn thương sức khỏe dài hạn nhiều thế hệ ở Việt Nam do chất độc da cam, Monsanto khẳng định rất đồng cảm với các nạn nhân nhưng công ty vẫn không chịu trách nhiệm trực tiếp về những hậu quả của việc sử dụng chất độc da cam ở Việt Nam.

Tại Mỹ, Monsanto không bao giờ xóa được ấn tượng là một công ty không thân thiện với môi trường. Các cựu binh Mỹ đã kiện Monsanto và các công ty hóa chất khác năm 1984 và Monsanto phải bồi thường 180 triệu USD.

Tuy nhiên đối với vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam năm 2004, năm 2005 và năm 2008, các cấp tòa án Mỹ ở New York bác đơn kiện và dĩ nhiên Monsanto chưa thể hiện trách nhiệm của mình với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

78 người bị ngộ độc thuốc diệt cỏ phải nhập viện 78 người bị ngộ độc thuốc diệt cỏ phải nhập viện

TTO - 78 người sống cùng bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, Mộc Châu, Sơn La, bị ngộ độc thuốc diệt cỏ phải nhập viện.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên