01/03/2023 08:22 GMT+7

Căng thẳng Mỹ - Trung 'chạm nóc' vì Ukraine

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua vốn đã căng thẳng giữa hàng loạt bất đồng chồng chéo, nay lại càng nóng hơn với những đối đầu mới liên quan tới xung đột ở Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) dự kiến đến Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 4 hoặc 5-2023 - Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) dự kiến đến Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 4 hoặc 5-2023 - Ảnh: AFP

Mới nhất là những cự cãi giữa hai bên về việc Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc với cáo buộc liên quan đến Nga. Mỹ khẳng định Trung Quốc đứng về phía Nga rất rõ ràng và cảnh cáo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Matxcơva.

Trung Quốc tố Mỹ "tiêu chuẩn kép"

Sau hàng loạt "drama", không ngạc nhiên khi ngày 27-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh dùng những lời lẽ cứng rắn nhất để chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ là trái luật, ảnh hưởng đến lợi ích của Bắc Kinh và dọa sẽ đáp trả.

Bà Mao khẳng định Trung Quốc đến nay vẫn giữ lập trường khách quan, công bằng về Ukraine, ngược lại bà tố Mỹ áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi rót hàng chục tỉ USD vào một bên xung đột, gồm nhiều vũ khí tối tân, nhưng lại loan tin giả nói Bắc Kinh cấp vũ khí cho Matxcơva.

"Ai đang thúc đẩy và ai hủy hoại hòa bình, ai đang gây thêm căng thẳng, gây bất ổn cho thế giới? Câu trả lời là khá rõ ràng", người phát ngôn Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột mà giằng co địa chính trị cũng quan trọng không kém chiến sự trên thực địa như ở Ukraine, những phán đoán về sự tham gia của Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh đặc biệt lo ngại.

Cuối tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Bắc Kinh sẽ chịu "hậu quả thật sự" nếu chuyển vũ khí cho Matxcơva. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Trung Quốc rõ ràng đã chọn phe, cung cấp cho Nga "sự hỗ trợ về ngoại giao, chính trị, kinh tế, về ngôn từ", bất chấp việc Bắc Kinh mới đây công bố đề xuất hòa bình gồm 12 điểm cho xung đột Ukraine.

Theo giới phân tích, Mỹ và các đồng minh phương Tây chắc chắn sẽ áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các công ty Trung Quốc nhằm buộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh phải đắn đo hơn trước các quyết định trong bối cảnh nền kinh tế của họ vẫn đang phục hồi sau dịch COVID-19.

Lợi ích quốc gia là trên hết

Quan hệ Mỹ - Trung vốn đã xuống cấp với hàng loạt vấn đề từ nguồn gốc dịch COVID-19 cho đến ứng dụng mạng xã hội TikTok, căng thẳng Đài Loan và gần đây là vụ Washington bắn hạ khinh khí cầu của Bắc Kinh với cáo buộc "do thám".

Với lập trường đồng thuận cứng rắn trước Trung Quốc của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, giới quan sát cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc phải trừng phạt mạnh tay nhằm ngăn Bắc Kinh bắt tay với Matxcơva.

Nhưng Mỹ cũng cần cẩn trọng để tránh đẩy căng thẳng quá đà. "Điều này sẽ gây gián đoạn rất lớn cho thương mại toàn cầu. Đó sẽ là một tình huống mà cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tránh", chiến lược gia người Úc Mick Ryan bình luận trên Đài ABC News.

Trong khi đó, việc mở rộng xung đột ở Ukraine dường như không được sự ủng hộ của nhóm đảng viên Cộng hòa trung thành với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và muốn hạn chế triển khai sức mạnh ở nước ngoài. "Tôi không nghĩ chúng ta có lợi khi tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Trung Quốc", Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida nói.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc các lợi ích quốc gia trong quan hệ với Mỹ, phương Tây và với Nga. Chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cho rằng Bắc Kinh sẽ không nghiêng về Nga cũng như sẽ không cắt đứt quan hệ với phương Tây "vì lợi ích của chính Trung Quốc".

"Cuộc chiến sẽ không kéo dài mãi mãi. Trung Quốc muốn chiến tranh kết thúc sớm, nhưng Bắc Kinh sẽ không để điều đó xảy ra nếu đổi lại Nga bị phương Tây xóa sổ", bà Yun nói với tờ South China Morning Post.

Ngược lại, "thương mại của Trung Quốc với Mỹ, châu Âu và các nước khác đang dần phục hồi, trở nên bình thường hơn và có xu hướng tăng trưởng. Trung Quốc sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi vì chiến tranh hay xung đột ở một khu vực nào đó", ông Pan Dawei, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nhận định.

Phép thử cho vấn đề Đài Loan?

Theo giới phân tích, việc ướm thử sự ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine cũng giúp Trung Quốc xây dựng kế hoạch về Đài Loan. "Trung Quốc muốn có sự tự tin ở mức độ nào đó về cách phương Tây có thể phản ứng trước bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai, bao gồm cả động thái đối với Đài Loan", chuyên gia Úc Mick Ryan bình luận.

Đài Loan vẫn là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung khi ngày 27-2, Bắc Kinh đặt quân đội trong tình trạng "báo động cao" sau khi chiếc máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Washington xuất hiện ở eo biển Đài Loan.

Nga tố Ukraine tấn công miền nam Nga; chưa rõ lý do cấm bay ở St PetersburgNga tố Ukraine tấn công miền nam Nga; chưa rõ lý do cấm bay ở St Petersburg

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào miền nam nước Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên