Tập đoàn chế tạo ôtô khổng lồ của Đức Volkswagen tuyên bố sẽ đầu tư 2,2 tỉ USD xây một nhà máy sản xuất ôtô điện mới. Pin được xem là oxy của ôtô điện - Ảnh: AFP
Chế tạo pin công nghệ cao chính là một trong những cách nắm giữ vận mệnh xe điện, phương tiện của tương lai, không phát khí thải ô nhiễm môi trường.
Công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie đưa ra dự đoán khiêm tốn rằng xe điện sẽ chiếm 18% doanh số ôtô mới trong năm 2030. Như vậy nhu cầu pin sẽ cao gấp 8 lần sản lượng sản xuất hiện tại.
Sản xuất pin công nghệ cao cho xe điện trở thành "mỏ vàng" được nhiều người nhòm ngó, nhưng đòi hỏi vốn lớn. Tại Việt Nam hiện đã có những "tay chơi" nhập cuộc.
Giữa tháng 7 này, H.C. Starck Tungsten Powders (HCS) - công ty con gián tiếp của Tập đoàn Masan - vừa ký thỏa thuận đầu tư vào Nyobolt Limited - công ty chế tạo pin công suất cao, sở hữu giải pháp sạc nhanh.
Để hoàn tất thương vụ này, nắm 15% vốn trên cổ phần pha loãng tại Nyobolt, doanh nghiệp liên quan đến tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đã phải chi ra 52 triệu euro, tương đương 1.230 tỉ đồng.
Nyobolt hiện là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng Vonfram giàu tiềm năng thương mại hóa trong thời gian sắp tới.
Pin do công ty này sản xuất mang nhiều ưu điểm vượt trội như: pin đầy hơn 90% trong chưa đến 5 phút, công suất cao hơn gấp 10 lần nên có kích thước nhỏ và nhẹ hơn, độ bền gấp 10 lần giúp tiết kiệm chi phí, khả năng chịu nhiệt cao hơn nên giảm nguy cơ cháy nổ...
Đối tượng khách hàng của Nyobolt sẽ là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa, thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.
Giáo sư Clare Grey - nhà khoa học và đồng sáng lập Nyobolt - cho biết, khoản đầu tư trên của công ty liên quan đến tỉ phú Nguyễn Đăng Quang không chỉ hỗ trợ Nyobolt mở rộng quy mô tại Vương quốc Anh và Hoa Kỳ mà còn mang đến giải pháp lưu trữ năng lượng mang tính bền vững.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây hãng xe điện VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng công bố đã đầu tư vào ProLogium - công ty hàng đầu thế giới về sản xuất pin thể rắn - thông qua một công ty cùng Tập đoàn Vingroup. Mặc dù không tiết lộ tổng giá trị cụ thể, nhưng ước tính số tiền lên đến hàng chục triệu USD.
Ngoài công bố thương vụ đầu tư, VinFast cũng ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về một số thỏa thuận chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung pin thể rắn cho xe điện của hãng. Hai đơn vị này cũng có thể xem xét khả năng thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn tại Việt Nam.
Mới đây, Liên minh châu Âu đã thông qua lệnh cấm đối với ôtô chạy xăng và diesel vào năm 2035, nhằm hạn chế phát thải khí CO2. Tại Anh, từ năm 2030 cũng sẽ không bán ôtô và xe tải chạy bằng xăng và diesel ở Anh, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch.
Bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng pin, vốn là "oxy" cho ôtô điện, đòi hỏi giai đoạn đầu phải chi ra khoản tiền khổng lồ, nhưng tiềm năng về khoản lợi nhuận mang về cũng không nhỏ.Volvo - nhà sản xuất ôtô Thụy Điển, thuộc sở hữu của Tập đoàn cổ phần Cát Lợi Chiết Giang của Trung Quốc - đã thông báo kế hoạch sẽ trở thành công ty sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030.
Ông Jim Rowan - tân giám đốc điều hành kiêm chủ tịch Volvo Car - dự báo tình trạng khan hiếm nguồn cung pin sẽ gây sức ép cho lĩnh vực xe điện. Để giữ vững chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều khoản đầu tư.
Trước mắt, trả lời CNBC, đại diện Volvo Car cho biết doanh nghiệp đã thực hiện khoản đầu tư vào nhà sản xuất pin Northvolt để có thể quản lý nguồn cung pin cho công ty.
"Tăng đến mức điên rồ!" là câu tỉ phú Elon Musk - giám đốc điều hành hãng Tesla - đã đăng trên Twitter để nhận xét về giá lithium, một thành phần quan trọng của pin xe điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận