Công nhân làm việc tại Nhà máy GM Korea ở Hàn Quốc - Ảnh: Reuters
Phóng viên Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Park Gak No - chuyên gia Viện Xúc tiến kỹ thuật công nghệ cao Hàn Quốc (KIAT).
Quyết tâm "thoát Nhật"
"Công nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc là bệ đỡ chắc chắn cho quốc gia", ông Park nhắc lại thời điểm năm 1998 khi châu Á khủng hoảng tài chính; trong đó có Hàn Quốc, mọi lĩnh vực đều bị thâm hụt thương mại, nhưng riêng công nghiệp hỗ trợ vẫn đạt thặng dư 38 tỉ USD và trở thành điểm tựa cho nền công nghiệp nước này.
Đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực thông qua việc tăng nội địa hóa vật liệu, linh kiện, tăng độ tin cậy sản phẩm và mở rộng thị trường.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành linh phụ kiện đạt hơn 82 tỉ USD, thặng dư 119,9 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử. Hàn Quốc đứng thứ 7 toàn cầu, thu hút nhiều vốn FDI vào ngành sản xuất chế tạo, trong đó tới 65% tập trung vào công nghiệp phụ trợ.
Ông Park cho rằng kết quả đó là do Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục thực hiện các chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, trọng tâm là công nghiệp gang thép và ôtô.
Từ đầu những năm 1970, chính phủ công bố danh mục sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa và cấm nhập khẩu các sản phẩm cùng loại, gắn với đó là hỗ trợ vốn, công nghệ, kỹ thuật.
Những thành phố sản xuất công nghiệp được hình thành, như Busan thành thủ phủ sản xuất ôtô, hay Pohang, Gwangyang là thủ phủ của các nhà máy gang thép...
Đến năm 2000, chính sách chuyển từ bảo hộ đến nền tảng nuôi dưỡng. Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện được ban hành, đa dạng các hoạt động hỗ trợ như vốn, thu hút FDI, nâng cao trình độ kỹ thuật... Năm 2007, chính sách nuôi dưỡng chuyển sang toàn cầu hóa để phát triển linh kiện, vật liệu...
Theo vị chuyên gia KIAT, dù muốn "thoát Nhật" nhưng có thời kỳ Hàn Quốc phải mở cửa nhập khẩu, chủ yếu là Nhật Bản. Đó là những năm 80 khi nước này cần phải học người Nhật về trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất linh kiện, vật liệu.
Thế nhưng khi chính sách "nuôi dưỡng" đã giúp doanh nghiệp Hàn Quốc lớn mạnh, người Hàn muốn tự nghiên cứu, sáng chế ra những công nghệ, sản phẩm của chính họ.
"Đó là lý do mà Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện được gia hạn thêm 10 năm, xúc tiến chiến lược xây dựng mạng lưới nhà cung cấp toàn cầu. Lý do ban đầu là thoát Nhật, hướng đến việc gia nhập các nước tiên tiến. Có trường hợp công ty vật liệu linh kiện của Đức từ bỏ lĩnh vực phân bón để sản xuất pin cho ôtô điện, nên chúng tôi muốn làm như vậy", ông Park nhấn mạnh.
Nước này đặt tầm nhìn đến năm 2025 sẽ đạt 100 kỹ thuật tối cao và thành cường quốc xuất khẩu với các loại vật liệu, linh kiện cao cấp mới; xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên cơ sở nâng cao hiệu suất cho các SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ)... 650 tỉ USD nguồn thu của nước này sẽ đến từ xuất khẩu vật liệu, linh kiện và trở thành nước có vị trí thứ 4 trên thị trường thế giới.
Công nhân General Motors tại nhà máy ở Incheon (Hàn Quốc) - Ảnh: Reuters
Nền tảng thành công từ "nuôi dưỡng" doanh nghiệp
Với lĩnh vực ôtô, đến nay Hàn Quốc đạt tỉ lệ nội địa hóa tới 95%, chỉ nhập khẩu một phần linh kiện cao cấp. Như hầu hết lĩnh vực công nghiệp phụ trợ khác, Hàn Quốc lựa chọn phát triển công nghiệp ôtô nhờ vào liên doanh, liên kết.
Nhờ vậy mà các tập đoàn ôtô Hàn từng bước nắm được công nghệ cao. Đến nay, Hàn Quốc là cường quốc thứ 5 toàn cầu về sản xuất ôtô và giữ vị trí thứ 6 về xuất khẩu, tạo hơn 10% việc làm và đóng thuế nhiều nhất.
"Tại sao Hàn Quốc lại chọn gang thép và ôtô là những ngành công nghiệp nền tảng?" - chúng tôi đặt câu hỏi, ông Park lý giải lựa chọn sản xuất gang thép vì đây là nền tảng của toàn bộ ngành công nghiệp - sản xuất bất cứ sản phẩm nào cũng cần phải có sắt và hóa dầu.
Còn với ngành ôtô, ông nói để làm ra chiếc ôtô cần tới khoảng 30.000 linh kiện, chi tiết, nên để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, vật tư linh kiện thì trước hết cần tập trung vào ôtô, tạo ra 30.000 công ty là sẽ có nền tảng. Nhờ vậy mà năm 1975 chiếc ôtô đầu tiên Hyundai Pony do Hàn Quốc sản xuất đã ra đời.
So sánh với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, chuyên gia người Hàn cho rằng năng lực doanh nghiệp chế tạo của Việt Nam chỉ ngang Hàn Quốc ở những năm 80-90.
Đây là thời kỳ Hàn Quốc vẫn chưa chú trọng nhiều đến chất lượng mà tập trung nhập khẩu, và mãi đến năm 2000 mới đưa ra những khái niệm mới về kinh doanh chất lượng.
Nhờ vậy, đến nay công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô Hàn đã tiến xa bởi những chính sách bảo hộ đến nền tảng nuôi dưỡng, và đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện được "nuôi dưỡng" bằng những chính sách tốt từ chính phủ để có giá thành rẻ nhất.
Cũng bởi để sản xuất ra vật liệu và sản phẩm mới mất nhiều thời gian và tiền bạc nên chính sách tập trung là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp mà không đặt quá nhiều điều kiện khắt khe.
Khi doanh nghiệp có lãi và phát triển tốt thì mới phải trả lại vốn cho chính phủ. Chính phủ cũng "phân cấp" để các doanh nghiệp lớn/nhỏ ở Hàn có thể cùng bắt tay sinh tồn, phân chia hạng mục sản xuất cho từng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Park cũng lưu ý là dù có chính sách tốt như Hàn Quốc hay Nhật Bản thì vấn đề quan trọng nhất để quyết định sự tồn tại, phát triển của bất cứ mọi ngành là thị trường.
"Để có thể sản xuất ra linh kiện và vật liệu thì phải có đầu ra, mà Việt Nam chưa có nhiều. Nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài như Hàn Quốc có ôtô Hyundai hay điện tử Samsung đầu tư vào Việt Nam. Nhưng đây là những doanh nghiệp top cao, doanh nghiệp hỗ trợ muốn tham gia cung ứng rất khó.
Gần đây có những doanh nghiệp Việt đã đầu tư vào ngành ôtô, nhắm đến thị trường trong nước. Đó là cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô phát triển trên nền tảng tập trung hỗ trợ và liên kết, nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng linh phụ kiện trong nước để tự tạo ra dòng chảy chuỗi giá trị", ông Park khuyến nghị.
Xe Hàn, xe Nhật đều có ưu thế riêng
Xe Nhật tốt hơn hay xe Hàn tốt hơn? Sản phẩm của mỗi cường quốc ôtô châu Á khác nhau ra sao, và mỗi bên có gì để "đấu" với bên còn lại?
Theo trang Car from Japan, xe Nhật có tính ổn định cao, thường được khách hàng trung niên ưa chuộng. Nếu mua xe Nhật thì có thể yên tâm sử dụng ít nhất 10 năm mà không phải sửa chữa nhiều.
Car from Japan đánh giá yếu tố khác biệt lớn nhất là xe Nhật quan tâm tính an toàn, và nếu đặt thẩm mỹ, thiết kế "chất" và tính an toàn, độ tin cậy lên bàn cân thì các hãng xe Nhật sẽ chọn vế sau. Điều này có nghĩa ưu thế của xe Hàn là nội thất tốt, được đầu tư nhiều, ngoài ra còn có nhiều "đồ chơi", phụ kiện để người dùng thoải mái lựa chọn. Nếu một chiếc xe Nhật và Hàn cùng giá thì xe Hàn có nội thất vượt trội...
TRÚC ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận