Bên trong một xưởng sản xuất linh kiện ôtô ở tỉnh Kanagawa - Ảnh: NGỌC AN
Một loạt ưu đãi như giảm thuế và cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm, hỗ trợ tiền... là những chính sách mà Nhật Bản và các chính quyền địa phương đang áp dụng để thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ôtô...
Nền tảng từ nghiên cứu kỹ thuật
Noguchi Kogyo Co. Itd là công ty gia đình đã ba thế hệ chuyên sản xuất linh phụ kiện cho ôtô tải hạng nặng và xe chuyên dụng, có trụ sở tại thành phố Ayasy thuộc Kanagawa. Công ty "không có tuổi hưu" khi phần lớn công nhân làm việc đều đang tuổi trung bình 60, thậm chí có người 80 tuổi vẫn làm việc. Thế nhưng, khung cảnh sản xuất vẫn rất nhộn nhịp và chuyên nghiệp.
Nhờ đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất linh phụ kiện cho ôtô, doanh nghiệp này giải phóng sức lao động, nâng cao được năng suất. Trong đó, nhà máy tập trung nghiên cứu ứng dụng Internet of Thing (IoT- Vạn vật kết nối) vào hệ thống sản xuất để quản lý toàn bộ dữ liệu sản xuất. Việc chuyển linh kiện từ khâu dập đến khâu hàn cũng bằng robot tự hành AGV. Ứng dụng công nghệ đã giúp nhà máy giảm nhân công, quản lý tự động, nên kiểm soát được thời gian sản xuất cho từng sản phẩm, nâng cao hiệu suất và độ chính xác.
Trao đổi trực tiếp với chúng tôi, ông Noguchi - thế hệ thứ ba kế nghiệp công ty - cho biết những ứng dụng này đều được chính công ty nghiên cứu và đưa vào vận hành hệ thống quản lý sản xuất. Từ thành công này, bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất linh phụ kiện cho ôtô với sản lượng lớn, Công ty Noguchi đã thành lập một doanh nghiệp nhỏ chuyên viết phần mềm quản lý cho các công ty sản xuất có nhu cầu tương tự.
Đến thăm nhà máy đúc chuyên sản xuất linh kiện nhôm, khuôn mẫu Tajima Light Metal (tỉnh Saitama), chúng tôi cũng được giới thiệu rằng nhờ chú trọng yếu tố kỹ thuật nên đây là công ty duy nhất trên thế giới đáp ứng yêu cầu của Honda trong sản xuất bộ linh kiện cho dòng ôtô thể thao với độ chính xác lên tới 0.5mm. Không chú trọng sản xuất hàng loạt, Tajima tập trung vào các chi tiết, linh kiện khó, đòi hỏi kỹ thuật cao nên một phòng nghiên cứu sản phẩm được thành lập.
Anh Phạm Công Kỷ, người Việt đảm nhiệm chức vụ giám đốc kỹ thuật của Tajima cũng là người phiên dịch cho chúng tôi, giới thiệu những thành quả tự hào nhất là công ty đã nghiên cứu ra khuôn cát (vật liệu làm từ cát để đúc khuôn mẫu). Mặc dù không sản xuất hàng loạt, nhưng khuôn mẫu này có thể sản xuất được các chi tiết linh kiện khó, độ dày cao với giá trị gia tăng lớn.
"Chúng tôi nhận được hỗ trợ của nhà nước trong thực hiện các đề án, đặc biệt là nghiên cứu sản phẩm. Thông thường sẽ có một hội đồng thẩm định gồm các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, chính quyền. Khi đạt đủ tiêu chí, doanh nghiệp sẽ được nhận tiền hỗ trợ không chỉ kỹ thuật mà còn về tuyển dụng, đào tạo. Như với phòng nghiên cứu, Bộ kinh tế công nghiệp hỗ trợ trực tiếp 2/3 tiền, với thời gian dùng tiền đó khoảng 5 năm, có lãi sớm hơn thì sẽ trả dần số tiền" - anh Kỷ cho hay.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Nissan ở Yokosuka, ngoại ô Tokyo - Ảnh: AFP
Chính quyền là bệ đỡ
Ở Nhật, ngành công nghiệp ôtô được ưu tiên đầu tư phát triển từ những năm 1960 của thế kỷ trước, với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ để giảm 30% chi phí sản xuất linh kiện ôtô. Nhờ vậy thị phần của Nhật Bản trên thị trường ôtô thế giới đã tăng từ 3,6% năm 1965 lên mức 17,9% năm 1975 và hiện chiếm khoảng 30%.
Đến nay, Nhật Bản sở hữu những tên tuổi ôtô lớn tầm thế giới như Toyota, Mitsubishi, Honda, Nissan... Nhưng các công ty này chủ yếu làm công việc lắp ráp sản xuất khâu cuối cùng, còn phần lớn các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện ôtô là nhỏ và vừa - SME (chiếm tới 99%).
Bên cạnh việc hình thành mạng lưới cơ quan chuyên trách hỗ trợ các SME của chính phủ, chính sách hỗ trợ trọng tâm thông qua công cụ thuế được coi là biện pháp quan trọng, cùng với ưu đãi vay vốn để giảm chi phí sản xuất.
Các SME khi làm nhà cung ứng cho doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng chế độ miễn thuế, nên ngày nay hầu hết các sản phẩm linh phụ kiện được sản xuất ở Nhật duy trì ở mức 0% (chỉ riêng thuế VAT là 8%). Song song đó, mỗi địa phương sẽ đưa ra những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp đặc thù từng địa phương.
Trao đổi cụ thể với nhà báo đến từ Việt Nam, ông Fumio Tase, đại diện chính quyền Saitama, cho biết giá trị sản xuất công nghiệp ở Saitama chiếm tới 5% của Nhật Bản. Do đó, mỗi năm ngân sách tỉnh dành khoảng 240 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp, với các chính sách tập trung như mở viện nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng mới, tổ chức tọa đàm hoặc đào tạo các ngành có thế mạnh như y tế, hàng không vũ trụ và ôtô, cho vay vốn lãi suất thấp để doanh nghiệp hoạt động...
Đối với Kanagawa, những chính sách tập trung vào nền tảng phát triển kỹ thuật và hỗ trợ vốn vay đã giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm nhập được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, biến nơi đây thành một trong những thủ phủ sản xuất xe hơi của Nhật Bản - nơi đặt đại bản doanh Hãng ôtô Nissan nổi tiếng.
Với khẩu hiệu "Select Kanagawa", các chính sách hỗ trợ trọng tâm đã biến những thành phố trực thuộc Kanagawa thành những công xưởng công nghiệp thu nhỏ, có quy mô GDP lên tới 301,5 tỉ USD.
Ngành công nghiệp ôtô được xem là lĩnh vực nền tảng, chủ lực mang lại phần lớn nguồn thu cho Kanagawa, bên cạnh lĩnh vực y tế, dược phẩm và robot mới phát triển gần đây. Từ sáng kiến thúc đẩy guồng máy kinh tế địa phương, Kanagawa hình thành nên ba đặc khu gồm: đặc khu chiến lược quốc gia, đặc khu công nghiệp Robot Sagami, đặc khu đổi mới toàn diện đời sống vùng duyên hải Keihin với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực.
Đơn cử chính quyền tỉnh này đưa ra mức hỗ trợ xúc tiến đầu tư với số tiền khoảng 5% vốn, lên tới 500 triệu yen; thuế mua lại bất động sản được giảm đến 50%. Đặc biệt, việc hỗ trợ lãi suất thấp cho phép doanh nghiệp được nhận nguồn tài trợ từ các ngân hàng với lãi suất thấp hơn bình thường, tối đa là 1 tỉ yen với thời hạn hỗ trợ không quá 15 năm, mức lãi suất là 0,9% trở xuống trong 5 năm đầu và 1,2% kể từ năm thứ sáu trở đi. Ngoài ra, hỗ trợ tiền thuê hằng tháng, tối đa là 6 triệu yen, thời hạn tối đa sáu tháng...
Đại diện tỉnh Kanagawa cho biết đa phần doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ nên với sự hiện diện của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực ôtô là Nissan, chính quyền thành phố đã tập trung các chính sách để biến nơi đây thành thủ phủ của hãng xe này. Các phòng ban chuyên môn được thành lập, chuyên biệt từng lĩnh vực như hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp dễ tiếp nhận.
"Chính quyền tỉnh trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp phụ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng trên cơ sở tổ chức giao thương giữa các hãng ôtô với doanh nghiệp địa phương để thiết lập mối liên kết chặt chẽ. Mỗi năm, chúng tôi cũng tiếp nhận khoảng 10.000 câu hỏi của doanh nghiệp, chủ yếu là qua kênh đối thoại trực tiếp để có giải đáp và hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất" - đại diện tỉnh Kanagawa vui vẻ trao đổi với nhà báo đến từ Việt Nam.
Kỳ tới: Cú tăng tốc của ôtô Hàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận