04/10/2023 09:12 GMT+7

Ca tử vong sau ăn bánh: Ngộ độc thực phẩm, khi nào cần nhập viện?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các trường hợp ngộ độc thực phẩm nếu xử trí không đúng, bệnh nhân không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần nhập viện ngay cả khi có những triệu chứng nhẹ để được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 theo dõi và điều trị cho ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa vào tháng 5-2023 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 theo dõi và điều trị cho ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa vào tháng 5-2023 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngay sau ca bé gái 6 tuổi tử vong vì ngộ độc thực phẩm vừa qua, vấn đề này lại được nhắc đến nhiều.

Nhập viện sớm, tăng hiệu quả điều trị

Mới đây bé gái 6 tuổi ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM) đã tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh tại tiệc trung thu ngày 29-9. Ba mẹ bé cho biết tối 30-9 bé ói nhiều lần kèm tiêu chảy ba lần, ở nhà không xử trí gì.

Chiều 1-10, bé được đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, bác sĩ kê đơn thuốc ra về (kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa).

Đến 23h gọi bé không phản ứng, người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại khoa cấp cứu, bé được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công, bé tử vong.

Người nhà bệnh nhi cho hay khoảng 22h ngày 29-9, sau khi hết ca làm việc, có mang ba cái bánh su kem về nhà ăn. Lúc này, bé đã ngủ nên người nhà để bánh qua đêm trên bàn. Khoảng 8h sáng 30-9, bé ngủ dậy và ăn hai cái bánh. Đến đêm cháu bé xuất hiện biểu hiện ngộ độc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực điều trị tiêu hóa nhi (TP.HCM) - cho biết thức ăn để lâu ngày có thể nhiễm nhiều loại vi trùng rất độc, trẻ ăn rất dễ bị ngộ độc.

Đa số trẻ bị ngộ độc thực phẩm đều có chung các dấu hiệu như: nôn ói nhiều, tiêu chảy, biểu hiện bất thường đường tiêu hóa, sốt cao…

Khi nôn ói quá nhiều trẻ sẽ bị mệt lả, hạ đường máu, mất nước. Phụ huynh nếu thấy trẻ có những bất thường trên phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

"Trường hợp trẻ ngộ độc tử vong đa phần là do phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế nhưng ở giai đoạn muộn. Trẻ lúc này đã sốc mất nước, sốc nhiễm trùng, hạ đường máu kéo dài dẫn đến tổn thương não", bác sĩ này cho hay.

Theo bác sĩ này, tại bệnh viện nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu ngộ độc, bác sĩ sẽ kiểm tra dấu hiệu sinh tồn cho trẻ như: kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trẻ ngộ độc nặng sẽ được thải độc bằng cách rửa dạ dày, dùng thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không có thuốc đặc hiệu sẽ điều trị theo triệu chứng (khống chế co giật, truyền dịch).

Chỉ cho trẻ về trong trường hợp các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không có dấu hiệu chuyển nặng. Nhưng với điều kiện bác sĩ phải căn dặn rất kỹ người nhà, nếu người bệnh sốt cao, co giật, tiêu chảy nhiều cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Nhập viện kể cả khi có triệu chứng nhẹ

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết đối với các trường hợp ngộ độc thức ăn nếu có các dấu hiệu sau nên đến cơ sở y tế: sốt 38,50C trở lên, bụng trướng, ói liên tục, đi cầu phân nước trên 3 lần trong vòng 4 giờ, tê tay chân, không uống được.

Đặc biệt lưu ý với ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có bệnh nền (cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản…) nên đi khám càng sớm càng tốt.

"Ngộ độc thức ăn làm mất nước, rối loạn điện giải trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, não. Ngộ độc nặng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc máu, có thể gây nguy hiểm và tử vong.

Ngoài ra, nếu không có các biểu hiện về đường tiêu hóa nhưng xuất hiện triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt cũng phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Không nên tự ý theo dõi điều trị tại nhà. Càng nhập viện sớm tỉ lệ điều trị khỏi càng nhanh", bác sĩ Phương cho biết.

Theo bác sĩ Phương, tại cơ sở y tế, thời gian nằm viện tùy trường hợp. Những trường hợp không quá nặng, bác sĩ cấp cứu sẽ đánh giá cụ thể và có thể cho về uống thuốc và hướng dẫn thân nhân theo dõi diễn tiến để quay lại bệnh viện kịp thời.

Với những trường hợp cần nhập viện, tùy vào từng trường hợp cụ thể, thời gian điều trị nằm viện có thể chỉ 24-48 giờ hoặc 1-2 tuần, thậm chí lâu hơn nếu có nhiều biến chứng

Bác sĩ Phương khuyến cáo người dân nên lựa chọn những cơ sở ăn uống có hàng quán rõ ràng, có bảng hiệu, cơ sở có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan nhà nước cấp phép.

Đặc biệt chú ý đến thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, người dân chú ý bài học "ăn chín, uống sôi", rửa tay sạch trước khi ăn uống.

Các bác sĩ lưu ý thêm với trường hợp trẻ nhập viện hàng loạt nghi do ngộ độc thực phẩm, bác sĩ phải căn cứ vào các triệu chứng, hoàn cảnh ngộ độc để đánh giá nhanh dấu hiệu sinh tồn của trẻ xem cần cấp cứu những gì.

Bên cạnh đó báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh nguồn ngộ độc. Nếu ngộ độc hàng loạt cho trẻ nằm lại tại bệnh viện.

Bác sĩ khuyến cáo với trẻ nhỏ, phụ huynh chú ý rửa tay sạch trước khi ăn, lựa nguyên liệu thức ăn uy tín có nguồn gốc, xuất xứ, cho trẻ ăn chín, uống sôi để phòng tránh ngộ độc.

Vụ trẻ chết nghi ngộ độc bánh: Thêm 19 người nhập việnVụ trẻ chết nghi ngộ độc bánh: Thêm 19 người nhập viện

Theo cập nhật mới nhất, đến chiều 3-10 đã có 48 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó 19 người phải nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh phát tại sự kiện mừng Trung thu tối 29-9.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên