26/05/2023 15:55 GMT+7

Liên tiếp vụ ngộ độc botulinum, Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thực phẩm dễ nhiễm độc

Để tránh tình trạng ngộ độc do độc tố botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi sử dụng các loại thực phẩm.

Liên tiếp vụ ngộ độc botulinum, Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thực phẩm dễ nhiễm độc - Ảnh 1.

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng - Ảnh minh họa

Trong thông báo phát ngày 26-5, Cục An toàn thực phẩm nêu rõ những ngày gần đây, rải rác một số địa phương như Kon Tum, Bình Dương xảy ra một số trường hợp bệnh nhân nghi ngộ độc do độc tố botulinum.

Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín.

"Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời", Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.

Cảnh giác với thực phẩm "nhà làm"

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc botulinum cổ điển là thịt hộp.

Tuy nhiên các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… khi được sản xuất để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định cũng có thể nhiễm độc.

Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

"Vì vậy, người dân nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn, khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Ngộ độc botulinum gia tăng, sao mãi chờ thuốc giải Ngộ độc botulinum gia tăng, sao mãi chờ thuốc giải 'viện trợ'?

Liên tiếp những vụ ngộ độc botulinum xảy ra tại TP.HCM nhưng không còn thuốc giải dự trữ. Đặc biệt, đã có một bệnh nhân tử vong vì không thể chờ lọ thuốc đắt tiền có giá 8.000 USD, việc thiếu thuốc giải khiến nhiều người dân lo ngại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên