15/09/2024 09:13 GMT+7

Cả nhà, cả công ty cùng lập quỹ từ thiện

Cả nhà cùng dành ra một nguồn tiền làm việc thiện, hướng con cái mở rộng lòng yêu thương. Nhiều công ty cùng chung tay xây quỹ thiện nguyện giúp ích cho đời...

Cả nhà, cả công ty cùng lập quỹ từ thiện - Ảnh 1.

Công ty Tech Data Advanced Solution góp toàn bộ tiền quỹ thiện nguyện công ty gửi báo Tuổi Trẻ ủng hộ đồng bào miền Bắc - Ảnh: AN VI

Đó là những câu chuyện cảm động trong số hàng ngàn tấm lòng thơm thảo gửi đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ ở miền Bắc những ngày qua.

Cả nhà đều là "cổ đông"

Đến báo Tuổi Trẻ đóng góp 3 triệu đồng ủng hộ bà con vùng bão lũ, anh Lê Thanh Hoàng (quận Tân Phú, TP.HCM) nhờ chúng tôi ghi tên hai con trai là Lê Hoàng Nam, Lê Hoàng Nhân. "Mấy hôm nay theo dõi tình hình của bà con ngoài đó, thương bà con, cậu con trai út đề nghị móc ống heo của con, cả nhà mình cùng đóng góp", anh Hoàng chia sẻ.

Vợ chồng anh thường làm gương cho con về việc san sẻ với người khó khăn. Kinh doanh giày dép tại nhà, mỗi khi có thời gian, vợ chồng anh Hoàng sẽ cùng con ghé thăm một mái ấm ở gần nhà.

"Mỗi khi đến chúng tôi sẽ tặng sữa, quần áo. Có khi cuối năm mình gom những chỗ đại lý giày dép người ta dư ra rồi đem tặng. Thường thì con trai út sẽ đi chung", anh Hoàng kể. Mỗi lần như vậy, Nhân lại xung phong tự tay trao quà.

Mỗi khi cả nhà về thăm quê ở Vĩnh Long, vợ chồng anh Hoàng chú ý đổi tiền thành những tờ 50.000 đồng, 100.000 đồng. Đi đường, nếu gặp những hoàn cảnh khó khăn, cả nhà sẽ biếu chút đỉnh để san sẻ phần nào. Về quê, đi vào những chợ nhỏ, đường quê, thấy những hoàn cảnh neo đơn, anh chị sẽ cùng con trao khi thì 300.000 đồng, khi 500.000 đồng, hoặc ghé tiệm tạp hóa mua nhu yếu phẩm tặng.

Bà Khanh (63 tuổi, ngụ quận 3) đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ 5 triệu cho bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 từ quỹ gia đình đóng góp để làm thiện nguyện.

Gia đình ba thế hệ nhà bà Khanh đều làm thiện nguyện. Bà Khanh là chủ quỹ, "cổ đông" lớn nhất là người chị ruột đang sống ở nước ngoài. Ngoài ra còn có cháu nội, em chồng cùng hưởng ứng.

"Người đi nấu cơm, người đi phát quà, tặng tiền. Gia đình tôi luôn có sẵn quỹ làm thiện nguyện, có chương trình ý nghĩa nào được phát động là cả gia đình trích ra ủng hộ ngay", bà Khanh kể.

Quỹ cho những nhân viên thích làm thiện nguyện

Nhiều năm nay, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (HAWA) có quỹ đồng lòng để dùng cho các hoạt động xã hội. Hội có tổng số hội viên ba miền khoảng 700 người. Đợt bão lũ này, đại diện hội đã đến báo Tuổi Trẻ đóng góp 50 triệu đồng cho đồng bào miền Bắc. Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Chánh Phương (phó chủ tịch HAWA) cho biết có sự đồng lòng như vậy là do có lực lượng hội viên gắn bó, kết nối nhanh chóng.

Ba năm qua, Công ty Tech Data Advanced Solution vẫn đều đặn gửi cho hơn 100 nhân viên của mình email nho nhỏ vào đầu năm để kêu gọi đóng góp tự nguyện cho quỹ hoạt động thiện nguyện.

Nói là ba năm nhưng chị Bùi Ngọc Thạch, chuyên viên nhân sự của công ty, cho biết: "Mấy anh chị trong công ty đã làm thiện nguyện nhiều rồi, nhưng trước đây mọi người chủ yếu hoạt động theo các nhóm riêng lẻ. Nắm bắt được điều đó, công ty đã lập ra một quỹ hằng năm để tổ chức cho mọi người đi làm thiện nguyện và xem đó như hoạt động thường niên của công ty".

Trên tinh thần tự nguyện, nhân viên của công ty dù ở Hà Nội hay TP.HCM đều hưởng ứng mạnh mẽ. Đầu năm nay, số tiền góp quỹ được hơn 30 triệu và phía công ty đã đến một mái ấm ở Long An để hỗ trợ.

Ngoài hình thức vận động qua email kêu gọi, công đoàn công ty còn tổ chức vận động quyên góp qua những hội chợ từ thiện. Những gian hàng dễ thương với đủ loại tranh, giày, quần áo, đồng hồ... đa phần đều là đồ cũ nhưng mở phiên nào ra là hết phiên đó. Gần nhất, hội chợ ý nghĩa này đã thu về thêm cho quỹ thiện nguyện của công ty 25 triệu đồng.

Nói như chị Thạch, mọi người chỉ cần một lý do để đóng góp. "Tôi còn nhớ có một anh ở văn phòng Hà Nội góp chiếc đồng hồ thông minh mà mình trúng thưởng trong sự kiện do công ty tổ chức. Giá trị chiếc đồng hồ khoảng 9 triệu, song tại phiên chợ mọi người đấu giá lên tận mười mấy triệu để gây quỹ", chị Thạch kể.

Để minh bạch việc đóng góp, công đoàn của công ty có bố trí người tiếp nhận và thống kê đầy đủ. Tổng thu chi của quỹ luôn được gửi về email của nhân viên. Còn với hội chợ từ thiện, mọi người đều được tham gia để nắm rõ hoạt động.

Không chỉ có cách vận động thường niên, khi cần thiết, nhân viên công ty cũng sẵn sàng ủng hộ bất ngờ. "Mới đây khi biết được tình hình bão lũ ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại cho bà con, công ty đã vận động mọi người ủng hộ thêm. Trong hai ngày mọi người đóng góp được 14 triệu, cùng với phần quỹ còn lại được hơn 55 triệu mang đến báo Tuổi Trẻ để gửi gắm cho bà con", chị Thạch chia sẻ.

Cả nhà, cả công ty cùng lập quỹ từ thiện - Ảnh 3.

Ngày 14-9, đại diện Tập đoàn y khoa Tâm Trí và Trường đại học Y khoa Phan Châu Trinh đến báo Tuổi Trẻ gửi gắm chút yêu thương cho bà con miền Bắc - Ảnh: AN VI

Nhiều tập đoàn, công ty chung tay cùng Tuổi Trẻ

Báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự đóng góp từ nhiều bạn đọc, đại diện doanh nghiệp, sinh viên, học sinh đến ủng hộ cho đồng bào miền Bắc.

Đại diện Tập đoàn y khoa Tâm Trí, Trường đại học Y khoa Phan Châu Trinh đã đến ủng hộ 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Tùng, tổng giám đốc tập đoàn, cho biết đây là số tiền trích từ quỹ của tập đoàn. "Chúng tôi muốn góp chút tấm lòng của tất cả anh em trong đơn vị, thể hiện trách nhiệm xã hội trước cảnh mất mát của đồng bào", ông Tùng nói.

Thông qua báo Tuổi Trẻ, Trường đại học Văn Hiến đóng góp 500 triệu đồng, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam đóng góp hơn 500 triệu đồng, Công ty cổ phần Trung Đông đóng góp 300 triệu đồng, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi đóng góp 50 triệu đồng.

Ông Vũ Duy Hải - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam - cho biết công ty phát triển nhờ có nông dân nên công ty có trách nhiệm với người nông dân mỗi khi họ đối mặt với khó khăn, cần sự giúp đỡ sau bão lũ. 21 năm qua, công ty đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ và đóng góp cho nhiều hoạt động giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp cho người nông dân. "Hỗ trợ đồng bào trong cơn khốn khó, họ bớt lạnh mình ấm lòng, họ bớt đói mình cũng ấm lòng", ông Vũ Duy Hải xúc động nói.

Công ty TNHH TM dược Thuận Gia đóng góp gần 410 triệu đồng. "Gia đình từ bàn tay trắng đi lên nên tôi hiểu được những khó khăn, khi ổn định hơn là chúng tôi muốn san sẻ, chia sẻ với những hoàn cảnh đặc biệt", bà Trần Đỗ Ngọc Châu - tổng giám đốc công ty - bày tỏ.

Công ty cổ phần Alpha Pi và Công ty TNHH MTV dịch vụ kỹ thuật và logistics Sao Vàng đã ủng hộ tổng cộng 46 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Tiến (phó tổng giám đốc) cho biết đây là số tiền trích từ quỹ công đoàn cùng với mỗi cán bộ công nhân viên góp một ngày lương.

Cũng trong sáng 14-9, đại diện Công ty cổ phần CMACGM Việt Nam (quận 1) đã đến ủng hộ 81,95 triệu đồng. Anh Trần Tuấn Anh, đại diện công ty, cho biết đây là số tiền trích từ quỹ công đoàn và đóng góp của cán bộ công nhân viên. Ông Lưu Văn Cường, giám đốc Công ty bao bì Phúc Thịnh (quận 8), trao 20,6 triệu đồng. Đây là số tiền từ quỹ công ty và các anh chị em công nhân đóng góp hai ngày nay.

Hội cựu sinh viên K26 Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã đến đóng góp 55 triệu đồng nhằm chia sẻ phần nào nỗi khó khăn của bà con phía Bắc. "Chúng tôi huy động anh em trong hội đóng góp trong 3 ngày nay, hy vọng ủng hộ của ít lòng nhiều gửi đến đồng bào" - anh Nguyễn Văn Hà, thành viên hội, chia sẻ. Trung tâm giáo dục phổ thông (Trường ĐH Công Thương TP.HCM) đã góp 12.911.000 đồng. Chiều 14-9, CLB Truyền thông phóng viên trẻ UFM (ĐH Tài chính - Marketing) đến góp 2 triệu đồng.

Cả nhà, cả công ty cùng lập quỹ từ thiện - Ảnh 3.Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn

Tính đến 16h30 ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng, thông qua báo Tuổi Trẻ, cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên