Đó là cảm xúc mà Ray Kuschert, một người Úc sống ở TP.HCM hơn 10 năm nay, gửi đến Tuổi Trẻ trong những ngày đất nước đang chung tay khắc phục hậu quả của bão số 3.
Không chỉ đau lòng trước những mất mát mà người Việt phải chịu, ông còn ngưỡng mộ tinh thần kiên cường và đoàn kết của người Việt Nam trong cơn hoạn nạn.
Và ông viết bức thư này như lời động viên gửi tới những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và kêu gọi cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam chung tay hỗ trợ công cuộc tái thiết sau bão.
Sau đây là chia sẻ của ông, Tuổi Trẻ Online lược dịch:
Thảm họa tiếp thảm họa
Có vẻ như chính văn hóa và tinh thần của người Việt Nam đã làm vơi bớt đi phần nào sự khủng khiếp của thảm họa vừa xảy ra ở miền Bắc trong những ngày qua.
Khi chúng ta xem được những video và hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội, người dân tại những cộng đồng bị bão ảnh hưởng đã bắt đầu công việc dọn dẹp. Họ bắt tay vào làm việc, kề vai sát cánh, cùng nhau khôi phục lại cuộc sống bình thường cho chính mình và hàng xóm láng giềng.
Tôi cảm thấy vô cùng bất lực khi ngồi trước màn hình, nhìn thấy sự tàn phá nặng nề của bão.
Như chúng ta đã biết, bờ biển quanh Hạ Long là khu vực đầu tiên ở Việt Nam phải chịu sự tàn phá của cơn bão Yagi. Rồi bão tiếp tục tàn phá các thành phố như Hải Phòng và Hải Dương, sau đó quét qua Hà Nội.
Những cây cổ thụ bên ngoài Nhà thờ lớn Hà Nội, vốn đã đứng vững qua biết bao năm tháng, bị bão quật ngã nằm chắn ngang đường phố.
Khi bão lũ xảy ra ở phía tây bắc, người dân Phú Thọ kinh hoàng chứng kiến cầu Phong Châu đổ sụp, cuốn theo nhiều người xuống dòng nước sông Hồng đang cuồn cuộn.
Lũ lụt, sạt lở và sự tàn phá lan rộng từ dãy Fansipan đến các tỉnh Thái Bình và Nam Định ven biển.
Nhưng, đau hơn cả là những báo cáo về số người chết ngày càng tăng.
Người Việt đồng lòng chống bão
Trong những lúc tưởng chừng khó khăn nhất, tôi thấy được mọi người, với tinh thần cộng đồng và lòng nhân ái, cùng nhau chống lại bão tố.
Người người chung tay, cộng đồng tạm gác công việc để giúp đỡ đồng bào mình, và có những người liều mạng để cứu một người xa lạ.
Đây chính là nét văn hóa Việt Nam mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Tôi không thể có mặt ở đó, nhưng tôi hy vọng thông điệp này sẽ được lan truyền đến hàng ngàn người đang phải đối mặt với những thử thách chưa từng thấy: Người nước ngoài sống ở Việt Nam khâm phục tinh thần và sự kiên cường không khuất phục trước bão dông của các bạn.
Để phục hồi sẽ cần thời gian, nhưng với tinh thần Việt Nam, không một phút giây nào sẽ bị lãng phí. Từng mái nhà sẽ được sửa, từng ngôi trường sẽ mở cửa trở lại, các bệnh viện vẫn sẽ âm thầm cứu chữa người bệnh, và miền Bắc Việt Nam sẽ phục hồi theo cách mà họ biết rõ nhất: khẽ khàng và đầy nỗ lực.
Tôi thấy tự hào khi mình được là một phần của cộng đồng và nền văn hóa này, nơi người ta luôn quan tâm, âm thầm hỗ trợ nhau qua hoạn nạn.
Tôi biết rằng trong vài tuần tới, có thể sẽ còn nhiều câu chuyện buồn, nhưng cũng sẽ có những câu chuyện về sự kiên cường và chiến thắng những điều tưởng chừng không thể vượt qua. Đó chính là Việt Nam mà tôi vạn phần yêu thương.
Chúng ta cũng có thể đóng góp phần mình để giúp người dân có lại mái nhà che nắng che mưa, có thức ăn và nơi ở an toàn.
Báo Tuổi Trẻ đã mở chương trình làm cầu nối đóng góp của bạn đọc gần xa để hỗ trợ những người mất hết mọi thứ sau cơn bão này.
Là người nước ngoài, chúng ta có thể thấy bất lực khi những sự kiện khắc nghiệt như vậy xảy ra, nhưng chúng ta có thể là một phần của cộng đồng này và tham gia vào quá trình phục hồi bằng cách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do bão.
Tôi đã gắn bó với báo Tuổi Trẻ hơn bảy năm và tôi có thể đảm bảo rằng mọi khoản quyên góp sẽ đến tay những người cần nhất.
Tôi hy vọng mây mù sẽ sớm tan và nắng mùa thu sẽ mang lại một khởi đầu mới cho anh chị em chúng ta ở miền Bắc.
Tôi hy vọng quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng và mọi người sẽ sớm quay lại với cuộc sống bình thường, để thảm kịch này sớm trở thành một sự kiện trong quá khứ.
Và với tất cả những người mà chúng ta đã mất đi, từ cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam, chúng tôi xin gửi tình yêu và sự ủng hộ đến mọi người.
Không lời nào có thể làm vơi đi nỗi đau, nhưng tôi hy vọng rằng việc chia sẻ nỗi đau sẽ mang lại một chút an ủi.
Người nước ngoài tại Việt Nam luôn hướng về các bạn trong thời điểm khó khăn này, và sẽ hết sức chung tay hỗ trợ quá trình phục hồi.
Để sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng làm cầu nối đóng góp của bạn đọc gần xa để chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận đóng góp trực tiếp của bạn đọc liên tục trong ngày.
- Bạn đọc có thể đến đóng góp tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận; 12 Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực trên cả nước.
Thời gian tiếp nhận suốt các ngày trong tuần, kể cả buổi tối.
- Bạn đọc chuyển khoản, xin vui lòng gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại: Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM (VietinBank). Số tài khoản: 113000006100 (Việt Nam đồng). Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
- Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về tài khoản báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM hoặc tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. * Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng một số ban ngành của các địa phương bị ảnh hưởng mưa bão, để trao trực tiếp tận tay đến bà con bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận