Kỳ 1: A, B, C... về bitcoin Kỳ 2: Cuộc săn lùng “cha đẻ” bitcoin Kỳ 3: “Đào mỏ” và “trữ lạnh”
Phóng to |
Tiệm hoa The Flower Lab ở TP Santa Monica (California, Mỹ) chấp nhận thanh toán bằng bitcoin - Ảnh tư liệu |
Đây là hai thái cực thường thấy mỗi khi có ai đó bàn về bitcoin.
Những nhận định trái ngược
Trong khi đương kim chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng bitcoin có tiềm năng là đồng tiền ảo của tương lai thì Ngân hàng Trung ương Pháp lại có những nhận xét không hay ho gì về nó khi cho rằng giao dịch bằng bitcoin không đáng tin cậy, đầy rủi ro. “Hệ thống này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nếu nhà đầu tư muốn thoát khỏi thị trường nhưng vẫn phải ôm nó vì thiếu thanh khoản” - ngân hàng này nhận định. Ngược lại, báo cáo của Bank of America viết: “Chúng tôi tin rằng bitcoin có thể trở thành một phương tiện thanh toán cho thương mại điện tử, cạnh tranh ngang ngửa với các phương cách chuyển tiền khác”. Ngân hàng này tính toán và cho rằng giá thị trường của 1 bitcoin đúng ra là chừng 1.300 USD.
Đại gia bán lẻ trực tuyến chấp nhận thanh toán bitcoin Mới đây, Hãng bán lẻ trực tuyến Overstock.com tuyên bố sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng bitcoin kể từ đầu năm 2014. Overstock.com đạt doanh số 1 tỉ USD và sẽ trở thành hãng bán lẻ lớn nhất từ trước đến nay chấp nhận giao dịch bằng đồng bitcoin. Trước đó, các công ty khác như Reddit, OkCupid, Ouya... cũng đã mở cửa đối với đồng tiền kỹ thuật số này. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, giám đốc Overstock.com Patrick Byrne khẳng định hãng này có thể mở rộng thị phần với việc chấp nhận giao dịch bằng đồng bitcoin. “Dự kiến một nhóm 6-12 chuyên viên sẽ phụ trách mảng giao dịch bằng đồng bitcoin cho Overstock.com. Hãng này sẽ chuyển đổi đồng bitcoin thành USD hằng ngày. |
Báo chí cũng chia thành hai phe, ủng hộ và chê bai bitcoin. Có tờ đăng tải cả hai dạng ý kiến. Một bên cho rằng bitcoin là đồng tiền của tương lai, dù bây giờ người ta chưa hiểu hết nhưng cũng giống như ngày xưa người ta đâu đã hiểu hết Internet hay cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Phe này chủ trương nghe ngóng và quan sát chứ không lên án vội bởi ngày xưa chính chủ tịch IBM từng nói thị trường thế giới chỉ cần khoảng năm cái máy tính hay một ông khác nghi ngờ vì sao các gia đình lại phải trang bị máy tính trong nhà làm gì! Bên kia cho rằng bitcoin là cơn sốt đầu cơ chẳng khác gì cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ 17. Thiên hạ đang nhảy vào bitcoin vì lòng tham nên giá của nó là giá ảo.
Tờ New York Times đăng một loạt bài về bitcoin, chủ yếu để chứng minh đồng tiền này trước sau gì cũng sụp đổ, rằng cơn sốt bitcoin được nuôi dưỡng bởi giới đầu cơ muốn tạo ra một phong trào như kiểu săn vàng miền Viễn Tây nước Mỹ ngày xưa. Ai cũng hiểu như thế nhưng ai cũng nghĩ mình là kẻ khôn ngoan, cứ nắm bitcoin đợi giá lên thêm một chút và bán tống cho kẻ khờ đến sau. Vấn đề ở chỗ bạn có thể chính là kẻ khờ đó mà không hề hay biết.
Ngược lại tờ Business Insider lại đăng một bài, trong đó tác giả kể quá trình anh ta thay đổi suy nghĩ về bitcoin như thế nào. Từ chỗ hoài nghi, chê bai và chế giễu, tác giả nay đã tin vào đồng tiền có sức sống tự thân này và tiên đoán chẳng bao lâu người ta sẽ xài bitcoin thay cho các loại ngoại tệ mạnh khác.
Lối thoát của nhà giàu Trung Quốc
Quay lại câu chuyện Trung Quốc để tìm lý do sâu xa việc bùng nổ bitcoin ở nước này. Trước tiên phải nói về cái bẫy mà Trung Quốc tự đâm đầu vào, về mặt phát triển kinh tế trong mấy chục năm qua. Nhìn một cách nào đó Trung Quốc tự nguyện đóng vai trò công xưởng khổng lồ, sản xuất đủ loại hàng hóa cho cả thế giới, tiêu tốn nhân lực, vật lực và phá hủy môi trường. Lẽ ra đổi lại Trung Quốc phải nhập hàng hóa từ các nước trên thế giới để người dân tiêu dùng trong một nền thương mại cân bằng. Nhưng không, Trung Quốc hiện đang xuất siêu với nhiều nước, nhất là Mỹ. Điều đó có nghĩa Trung Quốc bán hàng cho Mỹ và ôm một đống đôla Mỹ về, không biết xài vào việc gì trừ cất giữ làm dự trữ ngoại hối! Dân Trung Quốc lao động cực nhọc để sản xuất hàng hóa cho thế giới tiêu dùng, còn bản thân họ dường như giàu có hẳn lên nhưng thật ra chỉ giàu trên giấy tờ.
Nhưng ngày nay người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới nhà giàu, không còn chịu cảnh giàu trên giấy tờ như thế nữa. Họ đang tìm mọi cách để chuyển tài sản ra nước ngoài, để “hiện thực hóa” cái thịnh vượng của họ thành những món họ có thể sờ mó được. Bitcoin đang đóng vai trò đồng tiền ảo lý tưởng giúp họ thực hiện quá trình chuyển dịch này. Trong giao dịch chuyển đổi bitcoin sang ngoại tệ khác thì nhân dân tệ luôn đứng đầu, chiếm 62%.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc rất “cay” việc Mỹ cứ in tiền thoải mái làm họ ôm một đống đôla Mỹ mà cứ lo nó mất giá. Tự nhiên có một đồng tiền giúp họ khỏi lệ thuộc vào đồng đôla thì chắc chắn họ sẽ không chống đối mà sẽ nghiên cứu, quan sát nó để tận dụng cơ hội.
Tương lai còn biến động
Rõ ràng bitcoin là sản phẩm của giới tin học, muốn tháo gỡ những ràng buộc truyền thống theo đúng tinh thần chống lại Phố Wall. Nó được xây dựng trên những thuật toán tinh vi, có tiềm năng tự phát triển thành một loại tiền ảo điện tử thành công. Nhưng như chính bản thân tác giả Satoshi đã cảnh báo, dự án bitcoin phải được phát triển dần dần để hoàn thiện phần mềm và các quy tắc chi phối nó chứ làm người ta chú ý quá sẽ sớm giết chết nó.
Bitcoin nổi tiếng quá sớm khi các nơi chấp nhận nó trong giao dịch còn đếm trên đầu ngón tay. Phóng viên báo Time được tòa soạn giao cho 1 bitcoin với nhiệm vụ đi mua sắm đủ thứ quà cho mùa Giáng sinh bằng đồng tiền này. Xoay xở cũng mua được, ví dụ một sợi dây chuyền (0,0998 BTC), một đôi vớ (0,0206 BTC), một chai rượu vang (0,0402 BTC) và một máy chiếu hình lên trần nhà (0,09537 BTC)... Mua trên mạng còn xoay xở tìm ra nơi bán, mua ngoài đời thật thì hầu như bất khả thi. Kết luận của phóng viên báo Time: “Có lý do cho rằng bitcoin là đồng tiền của tương lai nhưng tạm thời tôi vẫn thích tiền mặt sờ mó được hơn, trừ phi sếp chi tiền như vụ mua quà!”.
Bitcoin cũng nổi tiếng quá sớm khi chưa làm sạch tên tuổi quá khứ của mình. Trong lịch sử hình thành, bitcoin thường bị gắn với những hành vi mờ ám như dùng tiền để mua ma túy, là phương tiện cho giới mafia rửa tiền. Lẽ ra phải có thời gian để người ta xóa đi cái ấn tượng này khi bitcoin được dùng mua bán những mặt hàng bình thường trong cuộc sống (như đã diễn ra gần đây).
Hiện nay bitcoin đã không còn là sản phẩm của cộng đồng tin học nữa, mà đã trở thành miếng mồi ngon cho giới đầu cơ, giới tài phiệt. Đây là một điều rất mỉa mai vì cha đẻ của nó muốn bitcoin ra đời để thoát khỏi bàn tay kiểm soát của giới tài phiệt! Điển hình là anh em nhà Winklevoss, nổi tiếng nhờ vụ tranh chấp với Mark Zuckerberg về chuyện ai đẻ ra ý tưởng làm Facebook, nay là dân đầu cơ bitcoin chuyên nghiệp. Họ cho rằng giá bitcoin còn tăng cả trăm lần nữa và đã nộp đơn xin phép thành lập quỹ tín thác bitcoin đầu tiên của thế giới. Họ đã bỏ ra 11 triệu đôla mua bitcoin khi giá còn ở dưới mức 200 đôla.
Hơn thế nữa, cơn sốt bitcoin đã thúc đẩy sự ra đời hàng loạt trang web dụ dỗ người ta vào mua bitcoin để kiếm lời. Hoạt động này mờ mờ ẩn ẩn, là môi trường lý tưởng cho giới lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người ngây thơ muốn đổi đời nhờ đầu cơ vào bitcoin. Dĩ nhiên vẫn có những sàn giao dịch có uy tín, làm ăn đàng hoàng nhưng người bình thường làm sao phân biệt được đâu là nơi có thể vào mua, đâu là nơi phải tránh xa. Bitcoin lại không được chính phủ nào thừa nhận chính thức nên mọi tranh cãi, kiện tụng sẽ không được xử lý.
Có lẽ đồng tiền này còn trải qua nhiều biến động thăng trầm mãnh liệt hơn nữa rồi mới dần dần tìm ra vị thế thích hợp trong tương lai. Cứ nghĩ sau này mỗi khi muốn đọc bài báo nào, người ta phải gõ vào một dãy số (tức trừ một khoản tiền trong ví bitcoin) để trả cho tòa soạn thì sẽ thấy tương lai chắc chắn phải có một dạng bitcoin nào đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận