Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT có thể sẽ không làm một người mất việc, nhưng người này có nguy cơ bị thay thế bởi một nhân sự Gen Z rành rẽ việc sử dụng AI.
Cạnh tranh bằng AI
AJ Eckstein, 24 tuổi, tư vấn viên của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500, là một trong những nhân sự Gen Z điển hình cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những công việc thường ngày.
Khi cần gửi email cho một đồng nghiệp khác, Eckstein nhờ ChatGPT soạn trước một bản nháp rồi tự tùy biến theo ý mình để nội dung email nghe không quá "máy móc" nhưng vẫn chuyên nghiệp.
Theo Eckstein, việc ứng dụng AI giúp công việc của anh năng suất và hiệu quả hơn. Có sự hỗ trợ của AI không có nghĩa là Eckstein sẽ bớt đi thời gian làm việc, nhưng anh dùng khoảng thời gian tiết kiệm được để có thể tập trung hơn vào những việc anh yêu thích.
"Chúng ta đang cố để tập trung hơn vào những việc chiến lược, tập trung hơn vào mối quan hệ với khách hàng, tránh được các việc như viết email hay việc bàn giấy", Eckstein nói.
Một khảo sát vào tháng 3 của Pew Research cho thấy trong 10.701 người trưởng thành tại Mỹ, nhóm tuổi từ 18 - 29 nghe biết về ChatGPT nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Trong số những người khảo sát biết về ChatGPT và đang có việc làm, 18% nhóm tuổi từ 18 - 29 cho biết đang dùng ChatGPT cho công việc, con số đó ở nhóm tuổi 30 - 49 là 13% và nhóm 50 - 64 là 8%.
"Bạn sẽ không bị thay thế bởi AI nhưng là bị thay thế bởi một người khác biết sử dụng AI", trang Insider dẫn lời giáo sư Oded Netzer tại Trường kinh doanh Columbia.
Theo một khảo sát vào tháng 4 của Resume Builder, trong 1.200 lãnh đạo doanh nghiệp, cứ 9 trên 10 người cho biết họ đang tìm tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm với ChatGPT.
"Mở lòng" với AI, Gen Z có thể vượt xa các thế hệ trước
Ngay cả trước khi ChatGPT ra mắt, thế hệ trẻ đã tỏ ra thoải mái với việc phát triển của trí tuệ nhân tạo hơn các thế hệ trước.
Lais Silva, một nhân sự Gen Z đang là quản lý nội dung tại một start-up truyền thông, cho biết cô đã thay thế Google bằng ChatGPT. "Cách này nhanh hơn sử dụng Google, như việc phải tìm được một nguồn tin cậy, rồi lại phải đọc cho đến khi tìm ra được câu trả lời mình muốn", Silva nói.
Trường hợp của Morgan Young, một thực tập sinh quản lý dự án cho thấy chatbot là công cụ hữu dụng cho việc lên ý tưởng.
Young sẽ đưa ra cho chatbot một tình huống như "chúng ta đang có X số người dùng, Y số người dùng tích cực và cần xử lý các số liệu này". Để ra được kết quả, Young sẽ hỏi thêm, như "làm sao để có thể tăng lượng tương tác", hay "chúng ta nên sản xuất các sản phẩm mới nào?".
"Từ kinh nghiệm của những cuộc cách mạng công nghệ trước, chúng ta thấy được việc nhân sự lớn tuổi thường khá chật vật để có thể thích nghi. Từ góc độ đó, Gen Z nên có một vị thế tốt để tận dụng sự bùng nổ của AI", nhà kinh tế Carl Benedikt Frey tại Đại học Oxford nhận xét.
Nhưng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo không "hứa hẹn" về một sự bùng nổ việc làm cho thế hệ Z, vì công việc trong một số ngành vẫn có khả năng bị cắt giảm.
"Ngay cả khi Gen Z có thể tận dụng các cơ hội có được từ việc ứng dụng AI, các cơ hội này vẫn rất ít cho việc cạnh tranh", ông Frey nói.
Theo giáo sư Netzer, trong khi thế hệ trẻ có thể có khởi đầu với AI thuận lợi, các nhân sự thế hệ trước cũng vẫn có thể học và ứng dụng công nghệ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận