Tấm bia mộ của binh sĩ Trần Tường Dung được xem là bằng chứng công khai đầu tiên về việc Trung Quốc có người chết trong cuộc đụng độ ở biên giới với Ấn Độ - Ảnh: WEIBO
Bài viết gốc trên mãng xã hội Weibo của Trung Quốc hiện đã bị xóa sau khi người đăng tải liên tục bị dân mạng Trung Quốc chất vấn về nguồn gốc của những tấm ảnh này.
Phần lớn đều chỉ trích chính quyền Bắc Kinh che giấu thông tin để không mang tiếng "quân đội yếu kém", số ít khác nghi ngờ đây là hình ảnh cắt ghép.
Dòng chữ lớn được khắc giữa bia mộ cho biết đây là nơi yên nghỉ của Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), sinh tháng 12-2001 và đến từ huyện Bình Nam, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Bên dưới tấm bia được dựng vào ngày 5-8, ai đó đã xếp rất nhiều điếu thuốc lá hút dở thành hàng ngay ngắn. Đây cũng là một hình thức đồng đội tưởng nhớ người đã mất.
Dựa trên những gì được ghi, tử sĩ nói trên là "binh sĩ thuộc đơn vị 69316, trung đoàn 13 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Quân khu Nam Tân Cương. Hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới với Ấn Độ tháng 6-2020". Tấm bia kế đó khắc dòng chữ "Quân ủy trung ương tưởng nhớ".
"Đây là bằng chứng đầu tiên về thương vong của Trung Quốc trong cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan với Ấn Độ vào đêm 14 và 15-6", tờ Times of India (TOI) khẳng định. Còn India Today là tờ báo đầu tiên của Ấn Độ đưa tin về sự việc.
Các nguồn tin của TOI trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận các bức ảnh trên đã thực sự xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Nguồn tin này còn nói thêm rằng Ấn Độ "đã có bằng chứng" về tổn thất nhân mạng của phía Trung Quốc sau cuộc đụng độ tháng 6.
"Quân đội Ấn Độ không bao giờ bình luận về thương vong của đối phương. Chính sự bất mãn trong quân đội Trung Quốc khiến những vụ rò rỉ như vậy đã và đang xảy ra. Theo như những gì chúng tôi có được, Ấn Độ biết con số thương vong của Trung Quốc", một quan chức quốc phòng Ấn Độ tiết lộ với TOI.
Hiện vẫn chưa có phản hồi từ chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc về sự tồn tại của bia mộ nói trên. "Tại sao không công bố thương vong của chúng ta? Các người để cho họ chết trong cô độc và hi sinh vô ích hay sao?", một người dùng Weibo chỉ trích.
Cuộc hỗn chiến không tiếng súng tại Galwan hồi tháng 6 đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, theo thông tin chính thức từ New Delhi công bố. Truyền thông Ấn Độ khi đó cho biết thiệt hại phía Trung Quốc có thể gấp đôi nhưng không đưa ra được bằng chứng.
Chính quyền New Delhi cáo buộc Bắc Kinh đã ủ mưu từ trước khi dùng gậy gộc đóng đinh sắt để tấn công các binh sĩ Ấn Độ. Khu vực biên giới Trung - Ấn vẫn đang trong tình trạng căng thẳng âm ỉ kể từ sau sự việc đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận