23/11/2021 12:45 GMT+7

Bệnh cúm - hành trình tìm diệt sát thủ vô hình - Kỳ 1: Săn lùng thủ phạm gây bệnh cúm

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh nhiễm đường hô hấp. Nhân loại đang đối phó với COVID-19 mà nhiều người như quên rằng mỗi năm có đến 650.000 ca tử vong do cúm mùa hoành hành khắp thế giới.

Bệnh cúm - hành trình tìm diệt sát thủ vô hình - Kỳ 1: Săn lùng thủ phạm gây bệnh cúm - Ảnh 1.

Virus cúm A - Ảnh: historyofvaccines.org

Vắc xin chống cúm tuy đã có từ 80 năm trước nhưng chỉ dùng một mùa cúm với hiệu quả từ 40 - 60%, bởi biến thể virus cúm mới xuất hiện liên tục.

Theo thông lệ hằng năm, từ ngày 22-10-2021 Pháp đã tổ chức chiến dịch tiêm ngừa cúm mùa. Tổng cục Y tế Pháp nhận định năm nay virus COVID-19 và virus cúm lưu hành song song làm gia tăng nguy cơ đồng nhiễm, các ca nghiêm trọng và tử vong có thể tăng.

Virus cúm được phân lập thành công năm 1933 cũng nhờ kinh nghiệm nghiên cứu trong đại dịch cúm năm 1918-1919.

TS sử học y khoa MICHAEL BRESALIER ở Đại học Hoàng gia London

Nghiên cứu vi khuẩn lại tìm ra virus cúm

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran dự báo do COVID-19 nên cúm mùa năm nay chắc chắn mạnh hơn năm ngoái, vì vậy trước đó đã đặt mua vắc xin cúm nhiều hơn năm ngoái gần 17%. 

Vào lúc chiến dịch tiêm chủng cúm mở màn, 10 triệu liều vắc xin cúm đã có sẵn trong tủ lạnh các nhà thuốc. Người dân có thể tiêm cùng lúc vắc xin cúm mùa ở tay này và vắc xin COVID-19 ở tay kia.

Ngược dòng lịch sử, đại dịch cúm đầu tiên trong lịch sử được giới khoa học chính thức công nhận là đại dịch cúm năm 1580. Dịch bùng phát từ châu Á lan sang châu Phi và châu Âu. 

Theo tạp chí L'Histoire (Pháp), các báo cáo thời đó ghi nhận số ca tử vong rất cao, nhưng cụ thể bao nhiêu không rõ vì không có số liệu lưu trữ, mà chỉ riêng thành Rome đã có 8.000 người chết.

Từ năm 1580 đến nay, các nhà sử học và dịch tễ học ghi nhận đã xảy ra 31 đại dịch cúm gồm 2 đại dịch vào thế kỷ 17; 13 đại dịch ở thế kỷ 18; 12 đại dịch trong thế kỷ 19 và 4 đại dịch ở thế kỷ 20. Như vậy hai thế kỷ 18 và 19 đã được xem là kỷ nguyên của đại dịch cúm.

Vào thời kỳ đầu, ai cũng tưởng vi khuẩn gây ra bệnh cúm. Tài liệu của Đại học Rockefeller (Mỹ) ghi nhận năm 1892, nhà vi khuẩn học Richard Pfeiffer người Đức đã phân lập một vi khuẩn nhỏ hình que từ mũi các bệnh nhân nhiễm cúm. 

Ông khẳng định đó là thủ phạm bệnh cúm và đặt tên là trực khuẩn Pfeiffer (nay gọi là Haemophilus influenzae).

Vào thời điểm xảy ra đại dịch cúm kinh hoàng năm 1918, hầu hết các nhà vi sinh vật học đều tin rằng dịch cúm do trực khuẩn Pfeiffer gây ra. Điều kỳ lạ là các nhà bệnh học lại không tìm ra con vi khuẩn nào là tác nhân gây bệnh cúm.

Giả thiết trực khuẩn Pfeiffer gây bệnh cúm đã trúng đòn phản bác đầu tiên từ hai nhà nghiên cứu người Mỹ Peter Olitsky và Frederick Gates ở Viện Rockefeller. 

Họ lấy dịch mũi của các bệnh nhân nhiễm cúm năm 1918 đưa vào bộ lọc vi khuẩn Berkefeld và phát hiện ra một tác nhân gây nhiễm đi qua bộ lọc cao lanh không phải là vi khuẩn. 

Tuy họ vẫn gọi đây là vi khuẩn không điển hình Bacterium pneumoniaosintes nhưng có lẽ lúc đó họ đã phân lập được virus cúm. Thế nhưng sau đó nhiều nhà nghiên cứu khác lại không cho ra kết quả tương tự nên rốt cuộc giả thiết cho rằng bệnh cúm lây truyền do virus đã bị bác bỏ.

10 năm sau, Olitsky và Gates mới được minh oan khi nhà nghiên cứu trẻ tuổi Richard E. Shope ở Viện Rockefeller bắt đầu chú ý đến bệnh cúm heo. Các nông dân nuôi heo ở Iowa nhận thấy heo mắc một chứng bệnh lạ rất dễ lây trong hai đợt dịch năm 1918 và năm 1929. 

Chứng bệnh này có đặc điểm giống bệnh cúm nơi người nên được gọi là bệnh cúm heo. Shope và ông thầy Paul Lewis đã lấy mẫu chất nhầy và phổi từ heo bị nhiễm, sau đó phân lập được một loại vi khuẩn giống hệt trực khuẩn Pfeiffer ở người nhưng khi tiêm vi khuẩn này cho heo thì heo lại không mắc bệnh nặng. 

Shope bèn lọc các mẫu và phát hiện trong dịch lọc có chứa một tác nhân lây nhiễm giống tác nhân Olitsky và Gates đã tìm thấy nên kết luận đây có thể là thủ phạm gây bệnh cúm. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Medicine (Mỹ).

Bệnh cúm - hành trình tìm diệt sát thủ vô hình - Kỳ 1: Săn lùng thủ phạm gây bệnh cúm - Ảnh 3.

Báo Le Petit Parisien (Pháp) ngày 13-1-1890 đăng ảnh về hoạt động điều trị, tuyên truyền và phân phát quần áo trong đợt dịch cúm Nga ở Paris - Ảnh: historyofvaccines.org

Ba nhà khoa học Anh phân lập virus cúm

Đến năm 1933, ba nhà khoa học Anh Wilson Smith, Christopher Andrewes và Patrick Laidlaw ở Viện Nghiên cứu y học quốc gia trực thuộc Hội đồng Nghiên cứu y khoa (MRC thuộc Chính phủ Anh) đã sử dụng kỹ thuật của Shope để phân lập thành công virus cúm, từ đó giải đáp mọi nghi vấn về tác nhân gây bệnh cúm.

Câu chuyện này khởi đầu từ 15 năm trước đó. Lúc đại dịch cúm năm 1918 bùng phát, nhà sinh lý học Walter M. Fletcher phụ trách MRC đã lưu ý với Văn phòng Chiến tranh và Cục Quân y rằng bệnh cúm có thể do một loại virus nào đó lọt qua bộ lọc gây ra chứ không phải vi khuẩn. 

Tháng 11-1918, MRC bắt đầu săn lùng virus này. Sau đó, hai nhóm nghiên cứu phát hiện tác nhân virus nơi các binh sĩ bị cúm nhưng phát hiện này gây tranh cãi vì hai nhóm chỉ nghiên cứu triệu chứng và huyết thanh chứ không trực tiếp xét nghiệm tìm ra virus, kính hiển vi quang học cũng không nhìn thấy virus qua bộ lọc vi khuẩn hoặc nhận dạng được virus qua nuôi cấy.

Mùa hè năm 1922, nhà virus học Patrick P. Laidlaw được tuyển vào Viện Nghiên cứu y học quốc gia để phát triển dự án nghiên cứu các bệnh do các sinh vật lọt qua bộ lọc gây ra. 

Chúng gây bệnh truyền nhiễm nhưng các kỹ thuật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm không chộp được chúng, vì vậy phải nghiên cứu tìm chúng qua mô hình động vật. 

Trong hơn một thập niên, Laidlaw và nhà nghiên cứu bệnh học thú y G. W. Dunkin đã nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Carré trên chó để tìm virus cúm.

Đến khi Shope ở Mỹ công bố kết quả nghiên cứu về nghi vấn tác nhân gây bệnh cúm, cuối năm 1932 MRC giao công việc săn tìm virus cúm cho hai nhà nghiên cứu virus đầy kinh nghiệm Wilson Smith và Christopher Andrewes, còn Laidlaw phụ trách giám sát. 

Họ dùng các mẫu lấy từ mũi và phổi của các bệnh nhân mắc cúm thử nghiệm trên chuột, khỉ, heo và ngựa nhưng đều thất bại, cuối cùng họ chọn chồn sương.

Đầu tháng 2-1933, Smith nhỏ vào mũi hai con chồn sương nước súc mũi và họng lấy từ Andrewes là người vừa mắc cúm. Thí nghiệm không thành công. 

Đến lượt Smith mắc cúm, Andrewes đã lấy nước súc mũi và họng của Smith để lây nhiễm cho chồn. Họ nhanh chóng phát hiện tác nhân lây nhiễm là virus chứ không phải vi khuẩn, vì tác nhân này lọt qua bộ lọc, không thể nhìn thấy và không thể nuôi cấy nhưng vẫn gây bệnh cho động vật.

Mùa xuân năm 1933, nhóm nghiên cứu đã có thể phác thảo toàn bộ diễn biến bệnh ở 64 con chồn sương và nhận thấy có tương đồng giữa bệnh cúm nơi chồn với bệnh cúm nơi người. Kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy chồn nhiễm bệnh sau khi bình phục đã sản sinh kháng thể ức chế bệnh cúm, như vậy có thể bào chế vắc xin ngừa bệnh cúm. 

Họ cũng so sánh kháng thể virus của họ với kháng thể được Shope xác định trong bệnh cúm heo và cuối cùng khẳng định virus của họ chủ yếu gây bệnh cúm nơi người.

Bộ ba Wilson Smith, Christopher Andrewes và Patrick Laidlaw đã công bố kết quả phân lập virus cúm trên tạp chí y học The Lancet ngày 8-7-1933. Họ thận trọng nhận định có bằng chứng cho thấy virus giữ vai trò quan trọng gây bệnh cúm nơi người.

The Lancet bình luận nghiên cứu này "đã đưa ra bằng chứng gần như thuyết phục rằng nguyên nhân chính gây bệnh cúm ở người là một loại virus lọt qua bộ lọc". Cùng năm đó, nhiều nghiên cứu khác trên thế giới đã xác nhận nghiên cứu của họ. Năm 1936, vắc xin thử nghiệm đã được Smith, Andrewes và Charles Herbert Stuart-Harris bào chế.

************

Đại dịch cúm năm 1918-1919 mở màn cho bốn trận dịch cúm kinh hoàng nhất thế kỷ 20. Cách đối phó đại dịch này có nhiều tình tiết như đại dịch COVID-19 hiện nay.

>> Kỳ tới: Virus biến hình, đại dịch bùng phát

Chủ động phòng ngừa bệnh cúm Chủ động phòng ngừa bệnh cúm

Các chủng cúm mùa như cúm A(H3N2), A(H1N1) có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng và có thể gây ra những vụ dịch.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên