Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng nhiều hơn về mùa đông xuân.
Vi rút cúm là một loại vi rút hình cầu, trên bề mặt có 3 loại kháng nguyên S, H và N. Từ kháng nguyên S phân ra 3 loại vi rút cúm A, B, C. Từ kháng nguyên H và N phân ra các chủng cúm. Có 18 loại kháng nguyên H và 11 loại kháng nguyên N. Chúng có thể kết hợp thành 198 chủng tổ hợp H và N khác nhau, trong số đó chỉ có một số ít chủng gây bệnh ở người.
Các chủng cúm mùa như cúm A(H3N2), A(H1N1) có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng và có thể gây ra những vụ dịch. Cúm B thường lành tính hơn và hiếm khi tạo thành dịch. Những chủng cúm A có nguồn gốc từ gia cầm như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) tuy chưa lây lan từ người sang người và chưa gây dịch lớn nhưng rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao, có thể đến 30-50%.
Cách lây truyền bệnh cúm
Với bệnh cúm mùa, vi rút cúm lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi. Cúm cũng có thể lây qua việc chạm tay vào các đồ vật bị vẩy bẩn bởi các giọt dịch tiết đường hô hấp người bệnh có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Khi ra môi trường, vi rút cúm A có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa… tồn tại trên quần áo từ 8 đến 12 giờ và sống được 5 phút trên bàn tay.
Người mang vi rút cúm A có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau khi có triệu chứng bệnh đầu tiên.
Ở những môi trường kín, tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, phòng họp hay trên các phương tiện giao thông công cộng thì bệnh lây lan càng dễ dàng.
Mọi người, mọi lứa tuổi đều nhạy cảm với cúm, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính dễ bị nhiễm cúm nặng, khi bị cúm hay có nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao.
Các chủng cúm gia cầm như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) lây từ gia cầm hoặc chim hoang dã mang vi rút sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc, giết mổ, vận chuyển hoặc tiêu hủy gia cầm mang bệnh hoặc ăn phải những sản phẩm gia cầm có chưa vi rút chưa được nấu chín như tiết canh hoặc sống trong vùng có dịch cúm trên gia cầm.
Biểu hiện của bệnh cúm và cách xử trí
Với cúm mùa, sau khi bị nhiễm vi rút cúm từ 2 - 4 ngày, người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng bệnh. Thường đột ngột sốt cao 39-400C, rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân.
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng viêm long đường hô hấp như: sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Một số bệnh nhân có thể có viêm thanh khí quản, có tiếng ho ông ổng. Bệnh nhân mệt nhiều, ăn ngủ kém, môi khô, lưỡi bẩn.
Tình trạng sốt cao liên tục kéo dài 3 - 4 ngày, sau đó sốt lui dần nhưng tình trạng mệt mỏi còn có thể kéo dài hàng tuần sau đó.
Đa số bệnh nhân cúm đều tự hồi phục. Nhưng những người bệnh có các bệnh mạn tính kèm theo hay trẻ nhỏ có thể bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn như viêm họng, viêm áp xe ở họng hầu, viêm tuyến mang tai, viêm xoang, viêm phế quản phổi…
Thông thường, nếu sau 4 - 5 ngày mà tình trạng sốt không giảm, hoặc xuất hiện ho, hoặc khó thở thì người bệnh cần phải đến cơ sở y tế khám để phát hiện các biến chứng kịp thời. Những người có bệnh mạn tính hoặc phụ nữ có thai bị mắc cúm nên đến bệnh viện khám ngay để các thầy thuốc có thể xem xét cho dùng thuốc kháng vi rút (tamiflu) sớm và hợp lý.
Cá biệt có một số ít bệnh nhân có thể mắc cúm ác tính. Thể bệnh này diễn biến rất nhanh. Sau khi xuất hiện sốt cao, người bệnh vật vã, mê sảng, có thể co giật. Da xanh xám, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bệnh nhân cần phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay. Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể tử vong sau 1 - 3 ngày.
Người bệnh sau khi bị nhiễm vi rút cúm gia cầm có các biểu hiện tương tự như bị cúm mùa, tuy nhiên thường sốt cao hơn, ít sổ mũi hắt hơi hơn. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng lên nhanh chóng. Bệnh nhân có thể xuất hiện khó thở, suy hô hấp, chụp phim phổi có thể thấy tổn thương phổi lan rộng, tiến triển nhanh. Với cúm A(H5N1), ngoài tổn thương phổi, bệnh nhân có thể có nhiều tổn thương ở các phủ tạng khác như viêm cơ tim, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, hôn mê…
Do diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao, bệnh nhân bị cúm A(H5N1) hoặc cúm A(H7N9) cần được điều trị sớm và tích cực hơn.
Bệnh nhân phải được điều trị ở cơ sở y tế; được dùng thuốc tamiflu sớm trong vòng 3 ngày đầu của bệnh và theo dõi sát. Nếu có tổn thương phổi nặng hoặc có suy đa phủ tạng, cần chuyển bệnh nhân lên các tuyến có thể áp dụng các biện pháp hồi sức chuyên sâu như dùng kháng sinh chống bội nhiễm, thở máy, lọc máu hoặc hệ thống tim phổi ngoài cơ thể (ECMO)…
Phòng ngừa bệnh cúm
Hiện nay, mới chỉ có vắc xin cho cúm mùa. Do vi rút cúm liên tục biến đổi nên người bị cúm không có miễn dịch lâu dài, vì thế vắc xin phòng bệnh cúm chỉ có tác dụng với mỗi mùa cúm. Cần tiêm hoặc nhỏ vắc xin phòng cúm trước mỗi mùa cúm bùng phát ít nhất 2 tuần. Các chủng cúm gia cầm như cúm A(H5N1) hay cúm A(H7N9) hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để dự phòng bệnh cúm mùa nói chung, chúng ta nên tuân thủ 10 hướng dẫn phòng ngừa cúm sau:
1. Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra.
2. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mũi, miệng.
3. Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
5. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
6. Người dân nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng nên đi khám ở cơ sở y tế.
7. Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
8. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
9. Người có biểu hiện cúm cần được cách ly và đeo khẩu trang.
10. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Để phòng bệnh cúm gia cầm, chúng ta cần đảm bảo:
1. Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
2. Tuyệt đối không được buôn bán, vận chuyển giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm. Không nên ăn những sản phẩm gia cầm chưa nấu chín (tiết canh).
3. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.
4. Người bệnh nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm cúm gia cầm cần tuân thủ các hướng dẫn cách ly của nhân viên y tế.
5. Dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận