Phần lớn các trường hợp, cúm không phải là một bệnh nghiêm trọng, cúm chỉ gây khó chịu, phiền toái cho bệnh nhân mà thôi. Tuy nhiên, với một số người thì cúm lại gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các trường hợp này thường xảy ra ở trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi hay có các bệnh lý mạn tính làm suy giảm khả năng miễn dịch…
Chủ động phòng ngừa bệnh cúm
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của cúm. Nhiều loại vắc xin cúm đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Các vắc xin cúm là an toàn, có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%. Ở những người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vắc xin, mức độ giống nhau giữa thành phần vi rút của vắc xin và các vi rút hiện đang lưu hành. Tiêm vắc xin phòng cúm có thể làm giảm chi phí cho chăm sóc y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bị bệnh.
- Cần phải tiêm phòng cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm.
- Những người nên tiêm vắc xin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm.
- Chống chỉ định dùng vắc xin đối với người có dị ứng với protein trứng hoặc với các thành phần khác của vắc xin.
- Người dân muốn đi tiêm phòng cúm có thể đến Viện Pasteur, các Trung tâm y tế dự phòng.
Phòng ngừa thụ động
Khi đã bị mắc cúm, bạn phải có một số hành động để ngăn ngừa sự lây lan vi rút cúm ra cộng đồng. Các hành động này bao gồm:
- Nên nghỉ ngơi tại nhà ít nhất đến 24 giờ sau khi hết sốt. Sốt ở đây là phải tự hết chứ không phải do tác dụng của thuốc hạ sốt.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người không bệnh để hạn chế lây cho họ.
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hay hắt hơi, bỏ vào thùng rác ngay sau khi sử dụng.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước. Nếu không có sẵn có thể sử dụng cồn rửa tay nhanh.
- Tránh lấy tay chạm vào mắt mũi miệng.
- Lau chùi thường xuyên các bề mặt hay các vật dụng có thể bị lây nhiễm.
Cải thiện thói quen nhằm tăng sức đề kháng
Cải thiện thói quen hàng ngày không những có lợi ích duy trì sức mạnh cho cơ và xương mà còn cải thiện được khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp ngăn ngừa cúm cũng như các bệnh lý hô hấp liên quan đến thời tiết. Một số các biện pháp này bao gồm:
- Chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng: các trái cây và rau củ giàu vitamin, khoáng chất nên được ăn nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Các trái cây rau củ theo mùa, trái cây có màu sậm. Nên sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và ăn uống đúng giờ.
- Tập thể dục là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm cũng như các bệnh lý khác.
- Rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà, bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm.
- Giữ vệ sinh: bạn có thể dễ dàng mắc bệnh cúm khi ở các nơi công cộng. Khi một người bị bệnh lau chùi mũi, sau đó nắm vào nắm cửa, bật công tắc... vi rút trên tay sẽ dính vào các bề mặt tiếp xúc. Khi chạm vào các bề mặt này, bạn có khả năng bị nhiễm bệnh. Nên sử dụng khăn ướt hay các dung dịch sát khuẩn để làm vệ sinh tay. Nên che miệng khi ho hay hắt hơi, sẽ làm giảm được sự phát tán của vi rút.
- Tập thói quen thư giãn, tập yoga nhằm tăng cường hệ miễn dịch không chỉ về thể chất mà còn tráng kiện về tinh thần.
- Hạn chế hay bỏ thuốc lá và rượu bia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận