25/08/2017 16:55 GMT+7

​Những điều cần biết về bệnh cúm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh thường nhẹ, hiếm khi có tử vong.

Biến chứng nặng xảy ra chủ yếu ở các bệnh nhân rất nhỏ dưới 2 tuổi hoặc trên 65 tuổi, thai phụ, người bị bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… Mùa cúm hàng năm thường xảy ra vào những tháng mùa thu, đông; tuy nhiên có thể ghi nhận các ca lẻ tẻ suốt năm.

Có 3 loại virus cúm được ký hiệu là A, B, C. Virus cúm A có khả năng gây bệnh trên người và trên một số động vật khác như các loài chim, heo, ngựa; virus cúm A là một trong hai tác nhân gây ra bệnh cúm mùa hàng năm và có thể gây đại dịch khi xuất hiện những biến chủng; các virus gây cúm gia cầm cũng thuộc nhóm A.

Virus cúm B chỉ gây bệnh trên người và cũng là nguyên nhân của bệnh cúm mùa xảy ra hàng năm. Virus cúm C chỉ gây bệnh lẻ tẻ trên người, không gây dịch.

Virus cúm rất dễ lây lan trực tiếp từ người này sang người khác, nhất là ở nơi đông người qua những giọt dịch tiết hô hấp phát tán ra không khí khi người bệnh cúm ho, hắt hơi. Ngoài ra virus còn lây qua bàn tay nhiễm dịch tiết có virus. Vì vậy người bệnh cúm được khuyến cáo che miệng mũi khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Bệnh cúm mùa được dự phòng bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cúm. Dựa vào hệ thống giám sát bệnh cúm trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu gây ra dịch cúm mùa hàng năm. Đó là cơ sở để sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm cho người, bao gồm virus cúm A và virus cúm B. Vắc xin phòng bệnh cúm được chỉ định cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên; tái chủng mỗi năm. Trẻ em và người già, người bị bệnh mạn tính được khuyến khích tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm vì là đối tượng nguy cơ có biến chứng nặng khi mắc bệnh cúm.

Bên cạnh tiêm chủng vắc xin cúm thì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; che miệng mũi khi ho, hắt hơi; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng viêm hô hấp cấp; duy trì chế độ ăn đầy đủ và cân đối; tập thể dục đều đặn cũng là những biện pháp hữu ích để phòng bệnh cúm.

Đối với người bị bệnh viêm hô hấp cấp nên hạn chế tiếp xúc với người khác; tránh đến nơi tập trung đông người; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; che miệng mũi khi ho, hắt hơi; nên đến khám bệnh tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh cúm