Phó tổng thống Mike Pence chia vui với ông Trump sau khi được đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Đại hội đảng tổ chức ở TP Baltimore, bang Maryland ngày 26-8 - Ảnh: REUTERS
Năm 2016, các viện thăm dò dư luận ở Mỹ đã từng bị hố vì dự báo Donald Trump bại trận. Trang web thăm dò dư luận RealClearPolitics khi đó dự báo bà Hillary Clinton nhỉnh hơn ông Trump 3,2 điểm. Rốt cuộc Trump lại chiến thắng.
Dù kết quả thăm dò dư luận phập phù nhưng báo chí Mỹ vẫn tiếp tục vin vào đó trong kỳ tranh cử năm nay.
Khó dự đoán vì thể thức bầu cử
Đại hội Đảng Dân chủ kết thúc hôm 20-8 đã chính thức chọn cựu phó tổng thống Joe Biden làm ứng cử viên tổng thống tham gia tranh cử. Sau đó, Joe Biden vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc.
Trang web RealClearPolitics dự báo ông Joe Biden dẫn trước 7,6 điểm so với Donald Trump, người chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa sau đại hội đảng ngày 24-8.
Giảng viên Jean-Eric Branaa ở Đại học Paris 2 Assas (Pháp) - tác giả cuốn "Hiến pháp Mỹ và các thể chế", nhận xét vị trí hiện tại của ứng cử viên Joe Biden trong thăm dò dư luận có thể khiến người ta tưởng ông ấy sẽ dễ dàng chiến thắng.
Ông Branaa bình luận: "Điều đó có nghĩa là tất cả và không có gì. Trước đây chúng ta đã từng chứng kiến người có thể giành được phiếu phổ thông nhưng lại mất ghế tổng thống".
Jean-Eric Branaa giải thích trên thực tế bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra theo thể thức gián tiếp. Công dân mỗi bang bầu ra các đại cử tri, sau đó các đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống.
Ngoài ra, bầu cử Mỹ còn dựa vào nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không" (người chiến thắng giành tất cả).
Ví dụ ngay cả khi chỉ hơn 50% trong 38 đại cử tri ở bang Texas bỏ phiếu cho một ứng cử viên, ứng cử viên đó vẫn sẽ giành được toàn bộ 38 phiếu của bang Texas.
Năm 2016, trang web RealClearPolitics từng dự báo bà Hillary Clinton nhỉnh hơn ông Trump nhưng cuối cùng Trump chiến thắng - Ảnh: VOX
Không bang nào ủng hộ ai triệt để
Một yếu tố khác khiến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ khó đoán định là các bang then chốt. Cuộc chiến thường diễn ra vô cùng gay cấn tại các bang này.
Đây là cơn ác mộng đối với các viện thăm dò dư luận bởi kết quả dự báo vô chừng, lúc nghiêng về Đảng Dân chủ, sau đó lại chuyển sang Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, chỉ cần một bang then chốt dồn sức ủng hộ ứng cử viên nào, ứng cử viên đó vẫn đủ sức được bầu làm tổng thống.
Chuyên gia Jean-Eric Branaa giải thích: "Năm 2016, trong khi các cuộc thăm dò đều dự báo bà Hillary Clinton giành được 91% cơ hội chiến thắng, 3 bang vùng vành đai công nghiệp Wisconsin, Michigan và Pennsylvania đã đảo ngược thế cờ ngoài dự đoán".
Trước đó các cuộc thăm dò đã bỏ qua 3 bang này vì cứ tưởng 3 bang này đương nhiên ủng hộ Đảng Dân chủ.
Jean-Eric Branaa đúc kết: "Bài học lớn của năm 2016 là không có bang nào gọi là bang ủng hộ ai triệt để".
Ứng cử viên Joe Biden và phu nhân. Sau đại hội Đảng Dân chủ, ông vươn lên dẫn đầu trong thăm dò dư luận - Ảnh: REUTERS
Tùy thuộc hãng thăm dò thiên vị ai
Nếu các phương tiện truyền thông có định hướng biên tập riêng, các viện thăm dò dư luận ở Mỹ cũng ít nhiều thiên về một ứng cử viên nào đó.
Ví dụ thăm dò của Hãng Rasmussen thường có xu hướng ủng hộ Donald Trump. Đây là hãng thăm dò duy nhất đánh giá số người được hỏi ủng hộ ông Trump hôm 21-8 đạt 51%, cao hơn các dự báo khác đến 10%.
Theo chuyên gia Jean-Eric Branaa, cũng nên lưu ý đến cách thức hoạt động của các trang web tổng hợp thăm dò dư luận để tính toán số liệu bình quân của các dự báo như RealClearPolitics hay FiveThirtyEight.
Trang web FiveThirtyEight thường chú ý đến mức độ đáng tin cậy của các cuộc thăm dò trong quá trình chọn lọc trong khi trang web RealClearPolitics lại bỏ qua vấn đề này.
Điều cuối cùng lưu ý là nên nhớ kết quả thăm dò dư luận không phải là ngành khoa học chính xác mà chủ yếu chỉ đưa ra một xu hướng nào đó vào một thời điểm nhất định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận