16/02/2023 08:28 GMT+7

Bát nháo xe ôm ở 'nóc nhà' miền Tây

Cáp treo tăng giá, lượng xe honda đò (xe ôm) phục vụ du khách lên xuống Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) đã lên đến cả ngàn xe. Kèm theo đó là nhiều rủi ro nguy hiểm cho hành khách và khó khăn trong quản lý.

Xe ôm Núi Cấm tống ba, nguy hiểm trên đường lên xuống núi - Ảnh: BỬU ĐẤU

Xe ôm Núi Cấm tống ba, nguy hiểm trên đường lên xuống núi - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tết vừa qua, có trên 87.000 lượt khách đến Núi Cấm, nơi được mệnh danh là "nóc nhà" miền Tây này. Lượng xe ôm tăng đột biến. Thế nhưng công tác quản lý đang bộc lộ nhiều khó khăn.

Ngày 11-12, ngày cuối tuần, khách hành hương càng đông hơn. Phần đông khách chọn đi xe ôm lên núi sau khi giá cáp treo tăng mạnh.

Khách dồn quá đông, các "bác tài" đã bất chấp nguy hiểm và quy định an toàn, mỗi xe chở hai khách đi tham quan tại các hang, điện, động cao chót vót ở Núi Cấm.

Làm nghề chạy xe ôm trên Núi Cấm hơn 14 năm qua, chị Lê Hồng Phụng (34 tuổi) cho biết ở đây có trên 200 chị em phụ nữ tham gia đội xe đưa khách từ chân núi đến tận đỉnh Núi Cấm. Dịp Tết 2023 đến nay, trung bình họ có thu nhập từ 500.000-600.000 đồng/ngày.

"Khách đi xe máy lên núi với giá 120.000 đồng/người (khứ hồi) và 70.000 đồng/người nếu đi một chiều. Năm nay, giá dịch vụ này được điều chỉnh nên thu nhập của anh em chạy xe cao hơn so với năm rồi. Mới đây có vụ tai nạn, khách bắt xe trên núi đưa xuống mà không đặt tại bến bãi. Tài xế vừa lái vừa nghe điện thoại, tự té làm hai khách bị thương", chị Phụng nói. Vụ tai nạn khiến anh lái xe chết, hai người khách bị thương nặng.

Ông Đinh Văn Chắc - giám đốc Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm - thừa nhận công tác quản lý, điều hành nghiệp đoàn xe ôm Núi Cấm còn nhiều khó khăn, bất cập. "Có bến xe trên núi nhưng lại không có nhà xe điều tài, chuyến cho họ. Họ thường chở hai khách trên đường núi, rất nguy hiểm" - ông Chắc nói.

Hiện nay, khu du lịch Núi Cấm đang quản lý (theo danh sách) là 1.150 xe ôm. Thế nhưng, chỉ có 500 xe hoạt động. Số còn lại đã đi lao động tại các tỉnh, thành khác. Nhưng ngược lại, nhiều người không có trong danh sách vẫn tự ý đưa rước khách thoải mái, không xử lý được.

Hiện ban quản lý đang đề xuất ba phương án siết lại việc quản lý người hành nghề xe ôm trên Núi Cấm. "Chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện Tịnh Biên và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang để động viên những người trên 60 tuổi, người bị bệnh tim mạch, nghiện rượu, ma túy... ra khỏi nghiệp đoàn. Hành nghề chạy xe phải đủ sức khỏe, minh mẫn mới phục vụ du khách được" - ông Chắc khẳng định.

Sửa đường và siết quản lý tài xế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Hiếu - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang (đơn vị quản lý khu du lịch Núi Cấm) - cho hay hiện nay có hai lượng xe ôm đưa khách lên Núi Cấm. Một là lượng xe nằm trong nghiệp đoàn, được quản lý theo tài, chuyến rõ ràng. Hai là người dân tự đón khách.

Hiện nay đơn vị yêu cầu Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm không cho đăng ký mới xe trên Núi Cấm. Đồng thời thu hồi bảng kẽm (biển số xe đăng ký hoạt động lên xuống núi - PV) đối với những người già yếu. Trường hợp cho sang nhượng chỉ giải quyết cho trường hợp cha già yếu cho con ruột hoặc lao động duy nhất già yếu chuyển cho cháu.

Hiện nay, đơn vị đang sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng, sơn các lan can bảo vệ, lắp đặt đèn đường từ chân núi lên đỉnh núi. Đặc biệt là lắp đặt gương cầu lồi tại các cua cong ở đường lên núi để đảm bảo an toàn...

Sở nói khách đi cáp treo Núi Cấm tăng, địa phương nói giảm?Sở nói khách đi cáp treo Núi Cấm tăng, địa phương nói giảm?

Ngành du lịch báo cáo lượng khách đi cáp treo Núi Cấm tăng, nhưng chính quyền địa phương và Ban quản lý khu du lịch Núi Cấm nói giảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên