Nhóm trấn lột du khách nước ngoài tại bờ hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: QUANG THẾ
Mặc dù nhóm trấn lột du khách có gần 20 đối tượng cả nam lẫn nữ nhưng để tránh bị soi mói, "luật bất thành văn" mỗi khi nhóm này "xuất quân" chỉ 3-4 người xuất hiện áp sát du khách.
"Con mồi" nhóm trấn lột hướng tới là những du khách đi một mình, các cặp đôi không biết tiếng Việt.
>> Xem video: Băng nhóm trấn lột du khách tại bờ hồ Hoàn Kiếm hoạt động ra sao?
Ép khách đưa tiền mệnh giá lớn để thối
Thủ đoạn của nhóm trấn lột du khách ở bờ hồ Hoàn Kiếm là ép khách trả số tiền chẵn mệnh giá 500.000 đồng hoặc 200.000 đồng rồi thối lại 50.000 đồng, 20.000 đồng... để chiếm đoạt được nhiều tiền.
Xế chiều một ngày giữa tháng 10, thấy đôi du khách đang đi dạo trên phố, một nữ quái sấn tới ép khách mua 5 chiếc bánh với giá 100.000 đồng. Cùng lúc, Thêm "đen" lao tới giật giày du khách nam mặc hai người liên tục phản đối.
Lau chùi xong, Thêm "đen" ép khách trả 800.000 đồng, vị khách ra ký hiệu không còn tiền thì Thêm "đen" yêu cầu đi rút tiền, thậm chí quát lớn chỉ khách vào một cây ATM trên phố Cầu Gỗ để rút.
Trong khi khách vào rút tiền, Thêm "đen" cùng một nữ quái bán hàng rong đứng bên ngoài canh không cho họ bỏ đi. Loay hoay không rút được tiền, hai vị khách tìm cách đi về hướng Hàng Gai, nhưng vẫn bị Thêm "đen" tiếp tục ép đến cây ATM trên phố Lê Thái Tổ.
Tại đây, thấy khách vừa cầm mấy tờ 500.000 đồng trên tay, Thêm "đen" giở chiêu rút 2 tờ 50.000 đồng thối lại và ép khách đưa 500.000 đồng. Lúng túng, hai vị khách bỏ chạy vào một quán cà phê nhờ người giúp đỡ nhưng Thêm "đen" vẫn trấn ngay trước cửa để đòi tiền cho bằng được.
Trong hơn một tháng theo dõi, chúng tôi ghi nhận được nhiều du khách trong lúc cự cãi vì biết bị ép trả tiền quá cao còn bị những người này thẳng tay giật tiền từ trong ví. Nhiều khách bức xúc đòi lại tiền ngay lập tức nhận những lời đe dọa, chửi bới, thậm chí dọa đánh.
Với những "nữ quái bán bánh rán", máy quay của chúng tôi ghi nhận chưa ngày nào mủng bánh được bán hết. Để lừa, các nữ quái còn nhét bánh vào tay cho khách ăn nhưng không lấy tiền vì đã có nhóm đánh giày đến tiếp ứng.
Cứ thế mỗi ngày nhóm này trắng trợn lột tiền triệu từ tay du khách nhưng hành vi vi phạm vẫn không bị bại lộ.
Hai vị khách bỏ chạy vào một quán cà phê trên đường Lê Thái Tổ nhờ người trợ giúp nhưng Thêm “đen” vẫn đứng ngay trước cửa trấn tiền cho bằng được - Ảnh: QUANG THẾ
Hoảng sợ vì hành vi cướp dép ép trả tiền trắng trợn, nữ du khách này cũng phải chạy vào cửa hàng tiện ích để lánh nạn - Ảnh: QUANG THẾ
Một vị khách bị cướp giày sau đó bị dọa nạt ép trả tiền - Ảnh: QUANG THẾ
Một con tem giá 800.000 đồng
Một con tem giá 800.000 đồng - Ảnh: QUANG THẾ
Ông H., ngoài 60 tuổi, thường xuyên bán tem cho du khách ở khu vực phố cổ, mỗi khi "bắt" được khách nước ngoài cũng hét giá 40 USD (hơn 800.000 đồng)/tem.
Không nói sõi tiếng Anh nên người này ghi cả giá 800.000 đồng, 40 USD một con tem vào tờ giấy để đưa khách xem.
Tuy nhiên, nếu khách biết giá, một con tem có thể được hạ giá ngay xuống chỉ 30.000 đồng.
Người đàn ông này "kiếm ăn" bằng nghề bán tem nhiều năm nay và thời gian gần đây hầu như ngày nào cũng lừa được khách nước ngoài với giá hàng trăm nghìn đồng một con tem.
Ngựa quen đường cũ
Quá trình điều tra cho thấy đối tượng cộm cán nhất trong nhóm trấn lột dưới vỏ bọc đánh giày là Phạm Văn Quỳnh (31 tuổi, ở ngõ 227 Phúc Tân, P. Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm), Phạm Văn Chung (35 tuổi), Thêm "đen" (38 tuổi, cùng ở cạnh vườn hoa Ngọc Lâm, Q.Long Biên), Viên Đình Nam (35 tuổi), Trần Văn Chiến (25 tuổi).
Hai "nữ quái bánh rán" nổi tiếng thường xuất hiện chung nhóm đánh giày là H. (khoảng 50 tuổi), L. (khoảng 40 tuổi).
Trong số này có không ít đối tượng đã bị Công an quận Hoàn Kiếm triệu tập vì đeo bám, chèo kéo du khách từ nhiều năm trước.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất, nhưng Trần Văn Chiến là người được "nể phục" bởi độ tinh quái. Đây cũng là người thường xuyên báo tin cho đồng bọn khi có người lạ mặt xuất hiện tại khu vực để tìm cách đối phó.
Những lần Chiến ra tay tiền được... lấy rất gọn vì khả năng nói tiếng Anh khá sõi và khách thường bị đưa vào các góc khuất để trấn.
Gần đây nhất, vào ngày 25-9, Chiến ép một du khách Hàn Quốc phải trả hơn 400.000 đồng cho một lần lau giày. Ngay sau đó, hình ảnh Chiến bị đưa lên mạng xã hội, tuy nhiên ít ngày sau đối tượng này lại tiếp tục hành nghề với chiêu thức tinh vi hơn.
Được đồng bọn che chắn, Chiến (giữa) lấy gọn 300.000 đồng của khách - Ảnh: QUANG THẾ
Ngày 5-10, nữ quái này đã lừa bán 5 chiếc bánh rán với giá 100.000 đồng - Ảnh: QUANG THẾ
Đầu năm 2018, một "nữ quái bánh rán" cùng một đối tượng đánh giày cũng bị Công an phường Hàng Bạc (Q.Hoàn Kiếm) triệu tập vì ép một du khách mua 4 chiếc bánh rán với giá 80.000 đồng, nhưng vài ngày sau cả hai vẫn tiếp tục "xuống đường".
Những ngày đầu tháng 10, nữ quái này liên tiếp giở chiêu trò lừa bịp ép khách trả 100.000 - 200.000 đồng chỉ với vài chiếc bánh giá chưa đến 10.000 đồng.
Trong nhóm đối tượng trấn lột du khách không thể không nói tới Viên Đình Nam. So với các đối tượng khác trong nhóm, Nam giật giày khách có lẽ... ít nhất, nhưng số tiền kiếm được thì ngang ngửa bởi thường hét đến 800.000 - 1 triệu đồng một lần lau hoặc tra keo!
Nam cũng đã từng bị công an xử phạt hành chính về hành vi "chèo kéo khách du lịch". Nhưng do nghề hái ra tiền nên Nam cùng gần 20 đối tượng khác vẫn "ngựa quen đường cũ", bất chấp pháp luật và ngày càng liều lĩnh hơn…
Nam (đội mũ đen) lấy 700.000 đồng từ tay khách du lịch - Ảnh: QUANG THẾ
Chia tiền sau khi trấn lột được từ khách du lịch - Ảnh: QUANG THẾ
Trưa một ngày giữa tuần, sau khi lột giày một vị khách được 500.000 đồng, Chiến (bìa trái) và T. chia nhau mỗi người 250.000 đồng - Ảnh: QUANG THẾ
Đối tượng Viên Đình Nam - Ảnh: QUANG THẾ
Thêm "đen" - Ảnh: QUANG THẾ
Tiền trấn được dùng vào việc gì?
Nhóm trấn lột hoạt động chớp nhoáng nhưng cũng vô cùng tinh vi và ngay lập tức giở thói côn đồ đe dọa, thậm chí đánh đập nếu ai có ý định chụp ảnh hay quay phim tố giác hành vi của chúng.
Theo dõi một thời gian dài, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã ghi lại nhiều cảnh nhóm trấn lột chia tiền ngay giữa phố đông người.
Thêm "đen" cho biết để được làm trên khu vực hồ Hoàn Kiếm phải quen nhiều người và bản thân tự nhận "quen biết rộng".
"Làm nghề này chỉ biết trước mắt thôi. Hôm nào bèo bèo cũng kiếm được 1- 2 triệu đồng nhưng đánh lô hết. Tôi đánh cả tháng nay rồi, không hôm nào được…" - Thêm "đen" nói.
Những ngày đông khách du lịch có đối tượng kiếm được cả 3 - 4 triệu đồng nhưng hầu hết tiền bị "nướng" vào lô, đề và nhiều tệ nạn xã hội khác.
"Làm nghề này như ăn may, không khác gì đi câu. Ngày nào gặp được khách "béo" là ổn luôn. Gặp thằng nào giàu có ngay 500.000 - 300.000 đồng... " - Nam tiết lộ.
Kỳ cuối: "Tôi thấy mình như bị cướp, đừng để việc này tái diễn"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận