07/03/2023 11:24 GMT+7

Bài học kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai

Thông qua công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, lực lượng công an đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bài học kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 7-3, Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Huy động hàng chục nghìn chiến sĩ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ

Theo Bộ Công an, năm 2022, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai. Qua đó phát huy vai trò nòng cốt, xung kích tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân.

Trong năm vừa qua, lực lượng công an đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện và các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra bão, mưa lũ.

Tích cực triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an các địa phương đã huy động gần 90.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, xuất hơn 14.000 lượt phương tiện, ứng cứu hơn 4.000 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, cứu được hơn 2.000 người mắc kẹt, tìm được hơn 800 thi thể người bị tai nạn...

Theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... của lực lượng Công an nhân dân còn một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế như:

Kinh phí, công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế.

Khi có tình huống thiên tai bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ với quy mô lớn hoặc yêu cầu nghiệp vụ chuyên sâu thì lực lượng, phương tiện tại chỗ của công an các địa phương, khả năng đáp ứng còn hạn chế.

Bài học kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai - Ảnh 2.

Bộ Công an trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... - Ảnh: DANH TRỌNG

Bài học kinh nghiệm sau vụ bé Hạo Nam rơi xuống trụ bê tông

Tham luận tại hội nghị, đại diện Công an tỉnh Đồng Tháp đã nhắc lại quá trình tìm kiếm cứu nạn vụ bé Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m.

Thông qua vụ việc này, Công an tỉnh Đồng Tháp rút ra ba bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, khi xảy ra thiên tai, sự cố cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất từ các bộ ngành trung ương, UBND tỉnh.

Thứ hai, lực lượng công an tỉnh với vai trò là lực lượng thường trực, chủ công trong công tác cứu nạn, cứu hộ, chủ động nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, tổng hợp thông tin tình hình, đưa ra các giải pháp cứu nạn, cứu hộ xuyên suốt để tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh, ban chỉ đạo trong quá trình cứu nạn.

Thứ ba, trong quá trình tổ chức tìm kiếm cứu nạn bé Hạo Nam, có rất nhiều phương pháp mới của các chuyên gia, bộ ngành đưa ra, lực lượng công an đã tiến hành thử nghiệm.

Từ đó, nắm chắc được các quy trình, khó khăn để hoàn thành nhanh chóng, an toàn các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện cứu nạn cứu hộ, sự cố, phải luôn thực hiện đúng tác phong, quy định của ngành công an.

Trình bày tham luận tại hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Văn Minh - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết - cảnh sát giao thông không có lực lượng chuyên trách về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhưng là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong công tác này.

Nhất là trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến giao thông phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

"Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Cục Cảnh sát giao thông hằng năm đều tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Qua đó đã trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác tìm kiếm cứu nạn trên đường thủy cho cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, nhất là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thiên tai (bão, lũ)", thiếu tướng Minh nhấn mạnh.

Nói về bài học kinh nghiệm phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thiếu tướng Minh cho rằng khi xảy ra thiên tai cần tổ chức trực, ứng trực 100% quân số để thực hiện nhiệm vụ.

Phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng tại các khu vực giao thông trọng yếu có khả năng ngập lụt, sạt lở, chủ động hướng dẫn phân luồng giao thông.

Tổ chức khuyến cáo hoặc cấm người dân không di chuyển vào vùng tâm bão, cho phương tiện tiếp tục lưu thông theo đừng đoạn. Sự chỉ đạo phải đảm bảo liên tuyến, tránh ùn ứ kéo dài.

Bộ Công an cử 24 chiến sĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục thảm họa động đấtBộ Công an cử 24 chiến sĩ sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục thảm họa động đất

Bộ Công an đã cử những chiến sĩ tinh nhuệ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ để lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ hỗ trợ, khắc phục hậu quả... sau thảm họa động đất.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên