05/08/2022 14:30 GMT+7

Bác sĩ TP.HCM mong sớm có cơ chế hỗ trợ để yên tâm chữa bệnh cứu người

XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG
XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG

TTO - Tại buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trưa 5-8, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã có những chia sẻ về khó khăn, bất cập trong công việc thăm khám, cứu chữa người bệnh.

Bác sĩ TP.HCM mong sớm có cơ chế hỗ trợ để yên tâm chữa bệnh cứu người - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - ủy viên ban thường vụ, bí thư Đảng ủy, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - chia sẻ tại buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: HỮU HẠNH

6 nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc

Trước khi lắng nghe những chia sẻ của cán bộ, nhân viên y tế TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dẫn một kết quả khảo sát 500 bác sĩ, nêu ra 6 nguyên nhân khiến họ nghỉ việc. Đó là lương thấp, không hài lòng với môi trường làm việc, cường độ làm việc quá cao, không có cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề, không hài lòng với giám đốc hay cấp trên...

Tại buổi gặp gỡ, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết đã đưa ra nhiều vấn đề trăn trở trong việc phát triển của ngành y tế TP trong tương lai.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương, ngành y tế muốn phát triển thì cần phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị. Và TP là một trong các địa phương có đặc điểm là có nguồn vốn kích cầu để ngành y tế và giáo dục đầu tư được trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn vay kích cầu dường như đóng băng, do những thay đổi liên quan luật đầu tư công khiến một số dự án phát triển y tế cũng giậm chân theo. Do đó, bà Tuyết mong muốn lãnh đạo TP quan tâm thúc đẩy và tái khởi động nguồn vay vốn kích cầu để các bệnh viện có thể đầu tư trang thiết bị vật chất.

Đặt vấn đề về việc phát triển ngành y tế trong nước như các nước trong khu vực, bà Tuyết cho rằng bắt buộc ngành y tế phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, trong đó có đề án đến năm 2023 tất cả bệnh viện hạng 1 phải xây dựng bệnh án điện tử. 

Để có được điều này thì các bệnh viện phải đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến công nghệ, cụ thể là hệ thống mạng, máy tính… nhưng lại vướng nguồn vốn. Vốn từ ngân sách không có. Còn vốn từ quỹ phát triển sự nghiệp phải đi bằng con đường đầu tư công, nhiều khó khăn.

"Rất mong có hướng dẫn cụ thể để các bệnh viện có bước đi đồng bộ. Khi đầu tư chung sẽ có sự liên thông công nghệ và dữ liệu giữa các bệnh viện. Tự xoay xở sẽ không có tiếng nói chung, gây lãng phí.

Đồng thời, mong TP hướng dẫn cụ thể trong việc sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp theo hướng đầu tư công đúng luật để tránh việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất rồi làm sai bị kỷ luật", bà Tuyết chia sẻ.

Bác sĩ ra trường lương 7-8 triệu đồng/tháng

Không chỉ vai trò là lãnh đạo của một bệnh viện, với vai trò của một phụ huynh có con tiếp tục nối tiếp ngành y, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết đã xúc động khi chia sẻ tâm tư của cán bộ nhân viên y tế đối với chính sách tiền lương hiện nay.

"Tôi có hai con cũng đã là nhân viên của ngành y tế. Khi con bước vào ngành này, một trong những điều đầu tiên tôi nói là nếu con muốn làm giàu thì hãy chọn ngành khác, đừng chọn ngành y tế, bởi ngành y tế con chỉ có thể giàu tình thương, sự chia sẻ", bà Tuyết nói.

Bác sĩ đã học nhiều năm, điểm thi rất cao, nhưng ra trường lương chỉ có 7-8 triệu đồng/tháng. Có thể chấp nhận được trong 2 năm, 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm thì không thể. Tôi biết là TP phải chịu sự trói buộc rất nhiều chính sách, nhưng mong TP có những cơ chế hỗ trợ thêm, để mỗi nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài và đặc biệt là hãnh diện khi làm việc cho ngành y tế TP", bà Tuyết chia sẻ.

Một nữ bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế quận 1 chia sẻ bản thân cùng đồng nghiệp phải làm việc với cường độ cao với 29 đầu việc. Để hoàn thành công việc, mọi người trong trạm phải làm cả những ngày cuối tuần từ khi có dịch COVID-19 cho đến nay, tuy nhiên tiền lương còn rất thấp, lại không có cơ hội phát triển.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời tri ân, cảm ơn sâu sắc cán bộ, nhân viên y tế đã quả cảm chống dịch, khám chữa bệnh cho người dân.

Với 4 nguy cơ, thách thức ngành y tế đang đối diện gồm dịch chồng dịch, thiếu thuốc, thiếu nhân lực và tâm lý lo lắng của cán bộ, nhân viên y tế, bí thư Thành ủy đề nghị ngành y tế có những giải pháp giải quyết kịp thời, đặc biệt cần có những chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, khen thưởng kịp thời cho nhân viên y tế.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc.

Theo thống kê, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người, số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 42.608 người. Như vậy, từ giai đoạn cuối năm 2021 đến thời điểm hiện nay, số nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập đã giảm 306 người.

Tuy số nhân viên y tế nghỉ chênh lệch không nhiều, nhưng đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘Người dân bệnh, bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘Người dân bệnh, bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo'?

TTO - 'Đây là câu hỏi luôn làm chúng tôi hết sức ray rứt', Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ nỗi trăn trở của ông trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên y tế thành phố.

XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên