05/08/2022 11:47 GMT+7

Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘Người dân bệnh, bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo'?

CẨM NƯƠNG - XUÂN MAI
CẨM NƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - 'Đây là câu hỏi luôn làm chúng tôi hết sức ray rứt', Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ nỗi trăn trở của ông trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên y tế thành phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘Người dân bệnh, bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ và động viên cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP vào sáng 5-8 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 5-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ và động viên cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Buổi gặp gỡ với sự có mặt của nhiều lãnh đạo, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.

Ngành y tế đối diện nhiều thách thức, khó khăn

Tại buổi gặp, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã nhắc lại những khó khăn, thách thức của ngành y tế sau đại dịch COVID-19. Thời điểm bây giờ vào năm ngoái, tất cả bệnh viện dã chiến trên địa bàn đều quá tải, hệ thống y tế căng thẳng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 rất lo lắng vì tình hình xấu dần.

Ngành y tế đã đúc kết 10 bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời triển khai các hoạt động trong và sau dịch như: bảo vệ người có nguy cơ cao, tiêm vắc xin tại nhà, giải quyết tình trạng quá tải tại y tế cơ sở, ứng dụng quản lý F0 tại nhà, triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ, chăm sóc sức khỏe tâm thần, cấp cứu trầm cảm…

"Nhìn lại ngày này năm trước để thấy rằng hôm nay được ngồi đây tôi hết sức hạnh phúc. Đặc biệt trong hôm nay, toàn thể cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn TP được bí thư Thành ủy TP đến thăm, động viên", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ thêm.

Giám đốc Sở Y tế TP cho hay, hiện dịch COVID-19 trên địa bàn đã được kiểm soát nhưng ngành y tế TP lại gặp những thách thức, khó khăn mới. Đó là: dịch chồng dịch, thiếu thuốc và vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, cùng sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: ‘Người dân bệnh, bác sĩ lo, bác sĩ không khỏe thì ai lo? - Ảnh 2.

Trong buổi gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên y tế TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo, nhưng khi bác sĩ không khỏe thì ai lo?" - Ảnh: HỮU HẠNH

"Bác sĩ không khỏe thì ai lo?"

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình ngành y tế trong và sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ nỗi trăn trở của ông bấy lâu nay: “Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo, nhưng khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Lo kiểu gì? Đây là câu hỏi luôn làm chúng tôi hết sức ray rứt”.

Bí thư Thành ủy cho hay, lý do muốn gặp gỡ cán bộ, nhân viên y tế TP vì trong dịch COVID-19 ông đã nhận được nhiều tin nhắn từ các thầy thuốc, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vì họ gặp nhiều khó khăn, muốn được chia sẻ và thấu hiểu.

“Tôi biết cuộc gặp gỡ thế này cũng không có đủ thời gian để tâm sự hết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng không có cách nào khác hơn, chúng ta cùng nghe, bàn và đưa ra giải pháp. Hôm nay tôi muốn thật sự lắng nghe”, Bí thư Nguyễn Văn Nên bộc bạch.

Ông cho rằng, khi người thầy thuốc, bác sĩ chọn đi theo ngành y thì quan niệm sống của họ là cứu người, không có gì làm thay điều này. Nếu rời bỏ công việc cứu người trong lúc này chắc hẳn họ đau xót. “Chúng ta phải nghĩ như thế để biết trong lúc này cần làm gì?”, ông đặt câu hỏi.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm, môi trường làm việc cho nhân viên y tế để họ an tâm làm việc, cống hiến. Bên cạnh đó cần có sự thấu cảm, tạo điều kiện cho họ. Lãnh đạo phải làm điểm tựa cho nhân viên. Đây như là liều vắc xin tinh thần, khi đoàn kết thì mới đủ vững để vực dậy trước những khó khăn của ngành y tế.

Kiến nghị không giảm biên chế ngành y tế, thí điểm thi tuyển chức danh quản lý

Trước những biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM kiến nghị không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.

Đồng thời có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Thí điểm thi tuyến các chức danh quản lý của ngành y tế, trước hết là chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt.

Cuối cùng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu TP tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, tiếp tục củng cố quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, và là vai trò điều phối, tham mưu của Văn phòng UBND TP đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân

Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.

Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.

Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: ‘Không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng’ Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: ‘Không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng’

TTO - Trong giai đoạn hậu dịch COVID-19, ngành y tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó nổi bật nhất là nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh không để TP thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.

CẨM NƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên