02/08/2016 16:26 GMT+7

​Bệnh viện nợ lương, bác sĩ, y tá đồng loạt nghỉ việc

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Hơn 100 bác sĩ, y tá và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn đóng tại TP Vinh, Nghệ An đồng loạt nghỉ việc bốn ngày qua vì bệnh viện nợ lương nhiều tháng liên tục.

Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn ở TP Vinh, Nghệ An có quy mô 150 giường bệnh - Ảnh: DOÃN HÒA
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn ở TP Vinh, Nghệ An có quy mô 150 giường bệnh - Ảnh: DOÃN HÒA

Sáng 2-8, đại diện Sở Y tế Nghệ An có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn liên quan đến việc hơn 100 bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện này nghỉ việc hàng loạt vì cho rằng phía bệnh viện nợ lương nhiều tháng qua.

Theo phản ảnh của các bác sĩ, y tá, việc bệnh viện nợ lương 8 - 10 tháng khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Anh Phan Trọng Toàn (25 tuổi, quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết sau khi tốt nghiệp ngành y học cổ truyền, anh đóng 100 triệu đồng cho bệnh viện và được ký hợp đồng lao động từ tháng 5-2015 với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng tháng và 1% tiền lãi trong số tiền 100 triệu đồng. Tổng cộng mỗi tháng anh Toàn được nhận hơn 4 triệu đồng.

“Đến nay tôi làm việc được 14 tháng nhưng bệnh viện còn nợ lương 10 tháng. Chi phí sinh hoạt, ăn ở thành phố đắt đỏ nên tôi phải đi làm thêm bên ngoài nhưng mỗi tháng cũng phải nhận trợ giúp từ gia đình ở quê” - anh Toàn nói.

Cùng chung cảnh ngộ với y sĩ Toàn, điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Trang, 23 tuổi, quê huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho hay chị ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện từ tháng 4-2015. Bốn tháng làm việc đầu tiên chị Trang được chi trả tiền lương đầy đủ nhưng từ tháng 8-2015 đến nay, chị không được bệnh viện trả tiền lương.

“Chúng tôi nhiều lần trực tiếp lên hỏi ban giám đốc thì họ vòng vo, hứa hết lần này sang lần khác. Làm việc mà không có tiền lương, cực khổ quá chúng tôi mới nghỉ việc, yêu cầu bệnh viện thanh toán tiền lương” - chị Trang nói.

Cũng theo chị Trang, để được vào bệnh viện làm việc chị phải đóng 70 triệu đồng “tiền cọc” đến nay vẫn chưa nhận lại được.

Các phòng khám bệnh không có bệnh nhân tới khám, điều trị - Ảnh: DOÃNH HÒA
Các phòng khám bệnh không có bệnh nhân tới khám, điều trị - Ảnh: DOÃNH HÒA

Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 2-8, nhiều phòng, khoa điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn đã khóa cửa, dán giấy “niêm phong”. Quầy làm thủ tục đón tiếp khám chữa bệnh bệnh nhân vắng bóng bác sĩ, y tá và bệnh nhân. Các phòng điều trị chỉ còn rải rác một vài bệnh nhân điều trị nội trú cũng chờ làm thủ tục xuất viện.

Anh Phan Lệ Sáng, cháu của bệnh nhân Phan Sáu, 78 tuổi, quê huyện Yên Thành, Nghệ An, cho biết: “Chúng tôi đưa chú vào khám và nhập viện từ thứ sáu (ngày 29-7) vì bệnh tê liệt chân trái nhưng từ hôm chủ nhật đã không thấy có y bác sĩ nào đến thăm khám nên chúng tôi làm thủ tục xuất viện, chuyển sang bệnh viện khác điều trị”.

Ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn, thừa nhận việc bệnh viện này đang nợ lương của các bác sĩ, y tá và nhân viên nhiều tháng qua do bệnh viện có khó khăn về kinh tế. Hiện ban giám đốc bệnh viện đang tìm phương án giải quyết các thắc mắc, tiền lương cho người lao động.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Hảo cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, phía sở đã cử công đoàn ngành làm việc với bệnh viện liên quan đến quyền lợi, chế độ của người lao động. Trên nguyên tắc, sở chỉ quản lý các bệnh viện ngoài công lập về nội dung, về nhiệm vụ chuyên môn, dựa trên các quy định của Bộ Y tế”.

“Các vấn đề thành lập, ký hợp đồng, chế độ, lương thưởng... bệnh viện và người lao động ký kết, thỏa thuận với nhau. Nếu các hoạt động này liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh thì sở sẽ để tránh quyền lợi bệnh nhân bị ảnh hưởng” - ông Hảo nói.

Sảnh đón tiếp bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn vắng bóng bệnh nhân đến khám, điều trị sáng 2-8 - Ảnh: DOÃN HÒA
Sảnh đón tiếp bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn vắng bóng bệnh nhân đến khám, điều trị sáng 2-8 - Ảnh: DOÃN HÒA

Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn đóng trên đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Lợi, TP Vinh có quy mô 150 giường bệnh với 19 khoa, phòng, trung tâm trực thuộc và hơn 180 cán bộ y tế bắt đầu hoạt động từ tháng 1-2009.

Bệnh viện được đầu tư 10 triệu USD (175 tỉ đồng), trong đó hơn 75 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên