21/06/2021 11:06 GMT+7

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 3: Bác Ba Phi ở xứ 'lười biếng cũng hổng đói'

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Những câu chuyện chừng "dóc bà cố" của bác Ba Phi được thế hệ hậu sinh truyền kể tiếp bằng chuyện thiệt từ thực tế cuộc sống.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 3: Bác Ba Phi ở xứ lười biếng cũng hổng đói - Ảnh 1.

Ai từng sống ở U Minh cách đây vài chục năm về trước, mới hiểu rõ hơn chuyện bác Ba Phi - Ảnh: THANH DŨNG

Những xóm rừng xứ U Minh xa xôi trở thành nơi bao dung, nuôi chứa bao phận đời thắt ngặt, những cánh quân bí mật... bằng sản vật thiên nhiên "hổng thấy khó mà tin".

"Người hổng biết, nói mình dóc"

Đại tá Đoàn Văn Ven (Ba Xuân, 89 tuổi) kể sau hiệp định Geneve, ông và đồng đội ở lại được lệnh thành lập trung đoàn Đinh Tiên Hoàng để chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc chiến thống nhất đất nước. Đơn vị ông ẩn sâu trong rừng rậm U Minh. Họ sống nhờ rừng thiêng che chở và dân tình cưu mang.

Đoàn quân với trên 600 xuồng ba lá hành quân qua vùng rừng tràm Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hải... vẫn trụ vững năm này qua tháng nọ. 

"Ngày trước, cái gì thiếu thốn chứ cá mắm thì mênh mông thiên địa. Không quân ngũ nào ăn cho hết. Nên tụi tui đóng quân trong rừng đâu sợ chết đói", ông Ba Xuân nhớ lại và khẳng định nhiều chuyện bác Ba Phi không hề "nói quá" như người ta tưởng.

Trung đoàn của ông Ba Xuân bám vào những xóm rừng. Dân thương, tiếp tế cho lúa gạo. Còn thịt thà, cá mắm thì không lo. 

Đại tá Ven kể: "Ở cái xứ vẹt cá mới thấy nước này, nhiều đêm đơn vị hành quân qua những lạch rừng. Mái dầm khua nước làm cá lóc, cá rô... giật mình, động ổ nhảy rớt vô xuồng đành đạch. Tụi tui chỉ việc vẹt chúng xuống khoang. Sáng ra cá đầy khoang xuồng, ăn cũng không hết".

"Người ta không biết nói bác Ba Phi nói dóc. Chứ lúc đó cá nó sinh sôi đến mức thọc chân xuống là đụng cá. Cá nhiều đến mức phiền phức. Nhiều lúc mình ngủ mà cá dưới nước cứ quẫy ầm ầm, ngủ không yên. 

Đâu phải dưới nước mới bị cá làm phiền. Có khi đi trên bờ, nghe dưới chân tiếng gì làm hình hịch như động đất. Thấy lạ, tui lấy vá đào lớp đất mùn bên trên, phía dưới cơ man là cá, cá nhiều phát sợ luôn...", ông Trần Công Kích, cựu chiến binh ở xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), kể. 

Ông nói cái thời người mới về đây, vùng rừng tràm này ưu đãi cả một kho sản vật trời cho để "dân lười biếng nhất cũng có sẵn cái để ăn".

"Lúc đi phát cỏ trồng lúa, mình ngại nhất là va phải rùa, cần đước, bởi mai nó cứng làm mẻ lưỡi phảng như chơi. Hồi đó rùa nhiều không kể xiết. Gặp rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi... mình bỏ. Chỉ bắt rùa vàng. 

Nhưng bắt về cũng bỏ lăn bỏ lóc chứ ăn uống nỗi gì bởi ngán lè lưỡi", ông Hai Giỏi, nông dân cố cựu, kể. "Bây giờ nói ra thì người ta nói mình phách. Chứ chuyện Ba Phi ổng nói rùa đeo theo ghe bơi đẩy ghe đi băng băng là cũng từ thực tế mà ông tiếu lâm hóa. Chứ kỳ thực còn... hơn thế nữa", ông Hai Giỏi cười kể chuyện thiệt.

Trong lúc có người gợi lại chuyện bác Ba Phi, ông Ba Xuân bất giác bật cười. Ông có người em vợ tên Bảy Xoàn chuyên làm lợp đặt rùa. Mỗi khi bơi xuồng be tám đi thăm lợp, ông đều canh đúng giờ. Hôm đó nhà có khách, ông uống say nên ngủ nướng. 

Thức dậy, ông vội vã chống xuồng đi giở lợp. Không ngờ trễ có vài tiếng đồng hồ mà rùa vào đầy lợp. Bảy Xoàn cố kéo lợp lên xuồng nhưng rùa nặng quá làm mất thăng bằng, chiếc xuồng chìm nghỉm, người và rùa bơi lủm bủm. Sau lần đó Bảy Xoàn tởn, không còn ngủ nướng đi thăm lợp trễ nữa.

Một thời gian dài, nhà ông Ba Phi là nơi nuôi chứa những cánh quân bí mật của cách mạng. Những đêm tối, các cánh quân ém sâu trong rừng, lại bơi xuồng tìm ra nhà ông. Ông lại sai người nhà nấu cơm nấu nước, rồi kể chuyện tiếu lâm đến thâu đêm. 

Những câu chuyện không phải bên Tây, bên Tàu, mà ngay chính xứ U Minh của ông. Từ con heo rừng, con rắn, con nai, đến con rùa, con cá... ai cũng biết, chỉ khác là sao chúng phi thường kỳ lạ. Nó xuất hiện đầy bất ngờ, lý thú, khiến người nghe phải phát cười bởi cái sự "nói vậy cũng nói được" của ông già miệt U Minh nê địa.

Trong số những thính giả của ông Ba Phi, có cả những bộ đội chuẩn bị đánh đồn Rạch Ráng, đồn Rạch Cui, đồn Sông Đốc... Tối họ ăn cơm, nghe ông Ba Phi kể chuyện tiếu lâm. Khuya họ đi đánh đồn, đánh bót.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 3: Bác Ba Phi ở xứ lười biếng cũng hổng đói - Ảnh 2.

Bắt cá đìa ở U Minh - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Thầy nò than khổ vì... cá nhiều "quá xá binh thiên"

Cũng chừng hơn 30 năm, từ khi rời chiến trường Campuchia, ông Tư Hùng (Huỳnh Tấn Hùng, 68 tuổi) ít khi đi đâu xa xứ Đá Bạc, Cà Mau, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Cuộc sống an nhiên tự tại có thể thấy khi trên khuôn mặt sạm đen xếp sẵn những nếp nhăn tuổi tác mà có... hình nụ cười.

Ông Tư Hùng là cháu họ của bà Huỳnh Thị Cham, vợ kế người Khmer của bác Ba Phi. Ông kể thế hệ trước của dòng họ ông cũng theo dòng lưu dân đến vùng đất này kiếm kế sinh cơ. Tuy nhiên, gia đình ông không tích lũy nhiều ruộng đất như các gia đình người Kinh đến đây. Ngược lại, họ có nghề xây nò bắt cá.

Ông Tư Hùng kể tía ông là ông Hai Lal, một người thợ nò (nò là một hình thức đăng cá vào một ô để bắt) nổi tiếng khắp vùng. Thuở nhỏ, lúc chưa vào rừng theo cách mạng, ông Tư Hùng theo tía đi xây nò khắp nơi. 

Nhờ vậy mà ông biết đó biết đây, gặp được những người nổi tiếng, cả những trưởng thượng trong vùng. "Hồi xưa làm nò bắt cá là làm ăn lớn. Người ta xúc cá nò một lần là phải đem ghe lườn bự đến chở cá mới hết", ông nhớ lại.

Một phần do ông Hai Lal mát tay, phần do xứ này cá nhiều "quá xá binh thiên". Hầu hết những người nhờ ông xây nò rồi sau đó cũng phải than thở với ông là cá nhiều kiểu này... làm khó chủ nò. 

"Nhà ông Sáu Tòng kế bên có hai miệng nò. Một nò ông hùn với ông Lý Ông. Mỗi tháng xúc nò một lần. Lần đó ổng đưa ghe đến chở cá. Ghe chở không hết, đành bỏ cá chết dậy cả nò. Mùi cá chết bay cả một vùng", Tư Hùng kể.

Ở xứ sở mà cá nhiều quá không biết chở đi đâu, thì việc "tổ chức đánh bắt lớn" như làm nò đôi khi làm cho người thu hoạch cá lúng túng. Không có xuồng ghe mà chở thì đành bỏ phế.

Dân vùng Lung Tràm, Co Xáng, Cơi Năm... còn nhớ một tên tuổi huyền thoại của vùng: ông Hai Vĩnh - đại tá Đoàn Văn Vĩnh. Lúc còn làm huyện đội trưởng Trần Văn Thời, ông được lệnh của Tỉnh đội Bạc Liêu (nay thuộc Cà Mau) đưa cơ giới vào khẩn hoang, tổ chức sản xuất. Bộ đội làm trước, nếu thấy "êm" thì đưa dân vào ổn định cuộc sống.

Đầu tiên, ông Hai Vĩnh đưa mười mấy cái máy cày, máy ủi vào san bằng các cánh đồng bồn bồn, năn, sậy... để lấy đất trồng lúa. Cơ giới đến đâu thì nai rừng, heo rừng, rắn, rùa... vỡ trận đến đó. Một sự rung chuyển thật sự ở xứ U Minh. 

Còn cá thì ôi thôi, chúng chạy tránh như chạy giặc. Chúng đổ về các lung, các trảng, cố thủ hết mùa khô rồi tủa ra sinh sôi mà chẳng ai ngó tới vì ăn riết ngán lè cả lưỡi. Người chứng kiến cảnh này mới tin ông già Ba Phi hổng "dóc bà cố" chút nào.

Có những vùng cơ giới đi qua làm cá chạy dồn về những con lung cạn. Mùa khô kiệt nước, cá chết thành đống. Sau khai hoang, thuộc đất, thành lập nông trường, dân xứ này quen gọi là nông trường Hai Vĩnh. Nông trường làm nò, thu mua cá, tổ chức làm ăn lớn. Lúc ấy cá miệt U Minh mới thành hàng hóa...

Kể về một thời thiên nhiên giàu có, ưu đãi con người, những lão nông xứ U Minh lại hít hà tặc lưỡi. "Bây giờ dân ở đây phải nuôi cá, nhưng cũng không yên với bọn trộm.

Phải như ngày trước, cá nhiều cho chúng mặc sức làm gì làm. Cỡ hào sảng như ông già Ba Phi thì kêu trộm vô luôn đìa, giỏi xúc bao nhiêu thì xúc, còn được... thưởng không chừng", ông Tư Hùng cười nói.

******

"Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi" - những chuyện ông già "dóc bà cố" trong rừng U Minh chẳng ngờ lại trở thành phong trào sáng tác theo môtíp bác Ba Phi kể chuyện.

>> Kỳ tới: Bắc có Bút Tre, Nam có Ba Phi

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 2: Ông già Ba Phi và bầy chó săn ở U Minh Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 2: Ông già Ba Phi và bầy chó săn ở U Minh

TTO - Với ông Tư Giới, những gì bác Ba Phi kể chuyện còn "hơi ít".

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên