08/09/2014 15:30 GMT+7

Bác Ba Phi - giai thoại & sự thật: Thằng Đậu là ai?

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - “Thằng Đậu” là nhân vật có mặt trong rất nhiều truyện tiếu lâm bác Ba Phi với vai cháu nội.

Nhà văn Anh Động - “cha đẻ” của nhân vật thằng Đậu. Còn vợ thằng Đậu thì ông không biết ai “đẻ” - Ảnh: V.Tr.
Nhà văn Anh Động - “cha đẻ” của nhân vật thằng Đậu. Còn vợ thằng Đậu thì ông không biết ai “đẻ” - Ảnh: V.Tr.

​Nhiều tài liệu khẳng định thằng Đậu chính là ông Nguyễn Quốc Trị - cháu nội đích tôn của bác Ba Phi, con của ông Nguyễn Tứ Hải và bà Nguyễn Thị Anh. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến nhà bác Ba Phi chỉ để tìm thằng Đậu nhưng chẳng ai gặp được vì gia phả nhà ông không có ai tên Đậu cả. Vậy thằng Đậu là ai?

Hơn 30 năm giữ bí mật

Quán nhậu “Vợ thằng Đậu”

Trong khi nhân vật bác Ba Phi và thằng Đậu chỉ loanh quanh trên sân khấu hay truyền hình thì “vợ thằng Đậu” đã ra thương trường. Tại TP Cà Mau hiện nay có tới ba quán ăn lớn mang tên Vợ thằng Đậu 1, Vợ thằng Đậu 2 và Vợ thằng Đậu 3. Quán ăn nào cũng đông khách vào buổi chiều và tối. Nhiều người dân xứ này nói vui rằng vợ thằng Đậu tệ ra sao chẳng thấy, chỉ nghe đồn quán ăn của nó ăn nên làm ra quá cỡ.

Những ai từng đọc truyện tiếu lâm bác Ba Phi hẳn sẽ biết thằng Đậu là nhân vật chính thứ hai, sau bác Ba Phi. Chẳng hạn trong truyện Thổi tù và gọi ba khía, bác Ba Phi phân công thằng Đậu đốt đèn cho ba khía thấy đường bò lên xuồng. Bác Ba Phi thổi tù và bằng sừng trâu để gọi ba khía. Với cách này ông bắt được bảy xuồng ba khía làm mắm chỉ trong một đêm.

Hay ở truyện Hỗn chiến với cá lóc, hai ông cháu bị lọt xuống mương. Bầy cá lóc khủng tưởng đó là mồi nên lao tới táp “phập, phập”. Thằng Đậu phải cầm cây giáo tả xung hữu đột đuổi bầy cá lóc để giải vây. Nhờ vậy hai ông cháu khỏi làm mồi cho... cá lóc.

Thực tế thì bác Ba Phi có ba người cháu nội trai gồm: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Quốc Chiến. Họ là con của ông Nguyễn Tứ Hải và bà Nguyễn Thị Anh.

Bà Anh nói: “Tui không nhớ nổi có bao nhiêu đoàn tới đây để tìm thằng Đậu rồi. Khi hỏi tên mấy đứa cháu nội, biết thằng Trị là cháu nội đích tôn thì họ tự gán cho nó cái tên thằng Đậu luôn. Ban đầu nó không nói gì, nhưng sau này lại có chuyện “tệ như vợ thằng Đậu” cả ở miệng đời lẫn trên truyền hình thì nó mới bực mình. Vợ nó giỏi giang chứ đâu có tệ. Nói thằng Đậu trong truyện là thằng Trị con tui thì không đúng”. 

Bà Nguyễn Thị Dung (chị ruột ông Trị) cho biết thêm: “Cũng vì người ta nói nó là thằng Đậu và hễ đứa con gái nào hậu đậu thì so sánh ngay là tệ như vợ thằng Đậu nên bây giờ em tui rất ghét gặp nhà báo hay người lạ”.

Ngày xưa ông Nguyễn Tấn Lực (62 tuổi, là cháu nội ông Sáu Đống - em ruột ông Ba Phi) thường hay theo bác Ba Phi đi săn nên có thể ông là thằng Đậu chăng? Ngay khi chúng tôi đề cập đến giả thuyết này thì ông Lực xua tay: “Không phải!”.

Chúng tôi hỏi nhà văn Anh Động: “Ông là người viết truyện tiếu lâm bác Ba Phi. Vậy ông có thể tiết lộ thằng Đậu là ai trong số những đứa cháu nội của bác Ba Phi không vì gia đình khẳng định con cháu không có ai tên Đậu cả?”.

Nhà văn Anh Động phá lên cười: “Đúng rồi. Bác Ba Phi đâu có đứa cháu nào tên Đậu đâu. Gia đình nói đúng rồi đó”. “Vậy sao trong truyện ông viết thằng Đậu gọi bác Ba Phi là nội?” - tôi thắc mắc.

Nhà văn Anh Động chậm rãi rót trà, nhấp một ngụm rồi “bật mí”: “Đó là đứa con tinh thần của tui. Vì viết truyện bác Ba Phi chỉ có mỗi mình ông là nhân vật chính nên thấy đơn điệu và khó sáng tác thêm các truyện khác nữa nên khoảng năm 1982-1983 khi viết tiểu thuyết về bác Ba Phi, tui cho thêm hai “nhân vật” xuất hiện cùng bác Ba Phi là thằng Đậu và con chó.

Sở dĩ tui đặt tên nhân vật này là “thằng Đậu” vì chữ “Phi” trong tên bác Ba Phi có nghĩa là “bay”. Như con chim bay đã rồi thì phải đậu lại chứ sao bay hoài nổi. Nghĩ vậy nên tui đặt tên nhân vật thằng cháu nội bác Ba Phi là Đậu. Nó trạc 13-14 tuổi, đại diện cho lối suy nghĩ và hành động của con nít, khác với ông già Ba Phi.

Còn con chó lúc nào cũng đi theo bác Ba Phi và thằng Đậu giữ vai trò xử lý, giải quyết một số tình huống mâu thuẫn giữa hai ông cháu”.

Suốt hơn 30 năm qua kể từ ngày nhân vật thằng Đậu ra đời, nhà văn Anh Động đã cố gắng giữ kín bí mật này. Bản thân ông đã dự nhiều hội thảo cũng như nhiều lần đi thực tế đến nhà bác Ba Phi, chứng kiến rất nhiều người suy diễn, thắc mắc về nhân vật này nhưng ông cũng chỉ cười.

Trong kịch bản phim 52 tập Chuyện bác Ba Phi mà nhà văn Anh Động vừa viết xong thì thằng Đậu tiếp tục là nhân vật chính thứ hai. Ở phần kết phim, thằng Đậu túm càng máy bay trực thăng của địch đong đưa trên trời. Bác Ba Phi phóng theo để cứu cháu mình thì bị máy bay lắc rơi trúng cây dừa chết. Nhưng thằng Đậu vẫn sống...

Một trong các quán ăn “Vợ thằng Đậu” ở TP Cà Mau - Ảnh: T.Thái
Một trong các quán ăn “Vợ thằng Đậu” ở TP Cà Mau - Ảnh: T.Thái

Vì sao có câu “tệ hơn vợ thằng Đậu”?

Sau khi biết thằng Đậu là do nhà văn Anh Động “đẻ” ra, tôi truy tiếp: “Vậy ông cũng đẻ ra nhân vật vợ thằng Đậu đúng không?”. Ông lắc đầu quầy quậy: “Cái này tui bị oan à nghe. Tui chỉ đẻ ra thằng Đậu thôi, còn vợ nó do thiên hạ “đẻ” đâu hồi đời nào, tui chỉ rinh về đặt vô truyện thôi”.

Nhà văn Anh Động kể khoảng những năm 1980-1990, tức sau khi bác Ba Phi qua đời được gần 30 năm, không hiểu vì sao trong dân gian lưu truyền câu “tệ hơn vợ thằng Đậu”. 

Câu nói này ám chỉ những người phụ nữ hậu đậu, có suy nghĩ và hành động bị xem là không bình thường.

Rất nhiều người dân ở miền Tây thời đó thuộc làu một giai thoại kinh điển gắn liền với nhân vật vợ thằng Đậu thế này: “Một hôm bác Ba Phi tát mương bắt cá. Vợ thằng Đậu cũng lội xuống mương đầy sình lầy phụ bắt. Mải mê bắt một hồi leo lên bờ rồi thì cô nàng mới phát hiện... chiếc quần còn nằm dưới mương!

Từ những câu chuyện dân gian như thế, ông đã viết tiếp truyện Vợ chồng thằng Đậu - hậu bác Ba Phi dày khoảng 120 trang, xuất bản năm 2006. Đó là những câu chuyện hư cấu, nội dung nói về vợ thằng Đậu luôn nghĩ mình tài giỏi hơn người, nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì toàn những câu nói, hành động ba trợn ba trạo, dở dở ương ương chẳng giống ai.

Cách nghĩ của ông về “cái sự tệ” của vợ thằng Đậu cũng khác. Chẳng hạn: một hôm ông tổ trưởng dân phố là người Khmer nói với vợ thằng Đậu: “Bây lấy dây cước (giấy căn cước) cho tao xem”. Vợ thằng Đậu liền rút sợi dây lưng quần ra đưa: “Tui có dây lưng quần chứ không có dây cước”.

Hôm khác vợ chồng thằng Đậu vô bệnh viện. Thấy bác sĩ, y tá ai cũng đội mũ trắng, vợ thằng Đậu quay qua hỏi với chồng: “Ở đây ai chết mà họ đeo tang nhiều quá vậy?”. Rồi khi thấy bác sĩ đeo khẩu trang kín mặt thì vợ thằng Đậu bày đặt tài lanh: “Mấy người này ăn hối lộ dữ lắm nè nên bây giờ bị dán cái miệng lại cho khỏi ăn nữa”.

Nếu so với bác Ba Phi và thằng Đậu thì có lẽ nhân vật “vợ thằng Đậu” cũng nổi tiếng không kém. Nhân vật này là nguồn đề tài vô tận cho lĩnh vực sân khấu hài và tiểu phẩm hài trên truyền hình.

Khó mà thống kê được có bao nhiêu tác phẩm hài viết về vợ chồng thằng Đậu. Tất cả đều có điểm chung là phê phán sự hậu đậu, khùng khùng điên điên của vợ thằng Đậu (thường được đặt tên là Đen) và đều thu hút một lượng lớn khán giả đủ mọi lứa tuổi.

Những nghệ sĩ có tên tuổi gắn liền với nhân vật vợ thằng Đậu mà khán giả rất quen thuộc là: NSƯT Hồng Vân, ca sĩ Phi Nhung, nghệ sĩ Cát Phượng. Các kịch bản hài thường có cả ba nhân vật chính là bác Ba Phi, thằng Đậu, vợ thằng Đậu và thường không bao giờ cũ đối với khán giả.

Không chỉ vậy, vợ thằng Đậu còn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác những bài hát có lời dí dỏm, giai điệu dễ đi vào lòng người. Trong số đó bài hát Vợ thằng Đậu của Võ Thiện Thanh do ca sĩ Cẩm Ly thể hiện đã trở nên quen thuộc với các khán giả của dòng nhạc mang âm hưởng dân ca.

Lời bài hát có nội dung so sánh các phụ nữ trong nhà làm gì cũng chậm chạp như... vợ thằng Đậu: “Má nó ơi ra đây tui biểu coi. Má nó đâu trưa trầy, trưa trật rồi. Giờ này mà cơm nước vẫn chưa xong. Làm gì mà như vợ thằng Đậu vậy?”...

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên