19/06/2021 12:15 GMT+7

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 1: Hậu nhân tiếu lâm của bác Ba Phi

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Ở xứ sở "vua nói dóc" Ba Phi, những người lớn tuổi từng trải, những người có khiếu tiếu lâm vẫn đinh ninh mình còn một bụng chuyện thiệt để chứng minh ông già U Minh "dóc bà cố" mà không hề... nói xạo.

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 1: Hậu nhân tiếu lâm của bác Ba Phi - Ảnh 1.

Cô Tư Lệ và chồng trong ngôi nhà của bác Ba Phi năm nào - Ảnh: QUỐC VIỆT

Người đất phương Nam mấy ai lạ gì bồ chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi. Trong đó hiển hiện lên cả một thế giới loài vật "bự chà bá", hoặc chúng nhiều "quá xá binh thiên" cùng những sự việc diễn ra một cách vô lý đến khó tin...

Lung Tràm, đừng càm ràm chuyện Ba Phi

Nhưng với giọng kể tiếu lâm, hào sảng của ông già U Minh, mọi sự việc ngược đời đều có vẻ hợp lý. Nếu ai đó đã từng đọc, hoặc đã nghe kể chuyện bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi, 1884 - 1964), mà nghĩ như vậy thì đừng vội về miệt Lung Tràm (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Kẻo không lại thấy mình bị dắt mũi, bán tín bán nghi mà cố đi tìm cho ra sự thật trong chuyện kể của con cháu bác Ba Phi ở đây thì khổ.

Bởi ở xứ ngát hương tràm này, lớp lớp người già luôn sẵn sàng kể cho bạn nghe rằng cái thời nhỏ xíu của họ, cái thời xứ này thưa thớt bóng người trong chuyện kể bác Ba Phi ấy, và ông già U Minh nói chuyện nào cũng đều... có lý. Nếu không tin, bạn có thể đi tìm những người cố cựu khác, mười mươi họ vẫn nói đúng như vậy. Chẳng khéo lại tin rằng bác Ba Phi là người kể chuyện... thật nhất thế gian ấy chứ. Còn ai nói ông già tiếu lâm, xạo "bà cố" là hổng biết gì với cái thời U Minh hồi nảo hồi nào.

Bây giờ ai về xứ Kinh Ngang, Lung Ranh, Trùm Thuật, Chủ Mía, Đá Bạc... hỏi ra cũng còn nhiều người từng gặp bác Ba Phi, lúc họ còn con nít và ông già thì đã là bậc trưởng thượng. 

Sắp nhỏ khi đó may mắn lắm được người lớn sai rót nước mời khách mà hóng chuyện người lớn. Những câu chuyện do chính bác Ba Phi kể hay được người lớn kể lại bằng cái giọng đùa như thiệt, nói cho quá mà ai cũng vểnh tai nửa cười, nửa lại tin sái cổ.

Sau khi ông già Ba Phi về với bậc tiền hiền, người ta nói cháu họ của ông là ông Sáu Nhuận trở thành truyền nhân có khiếu kể chuyện tiếu lâm nhất vùng. Những câu chuyện từ miệng ông Sáu Nhuận chẳng biết là có phải của bác Ba Phi hay không, hay là ông chế ra, thêm mắm thêm muối rồi nói của ông già Ba Phi chính hiệu. Nhưng ông Sáu Nhuận đi đến đâu thì thế nào người ta cũng tìm cách yêu cầu ông kể truyện cười bác Ba Phi.

Năm này qua tháng nọ, không biết chuyện ở đâu mà ông Sáu Nhuận kể mãi không hết. Ổng trở thành trung tâm của những cuộc hội hè, cưới xin, giỗ chạp và dĩ nhiên ông luôn được chào đón trong vùng. Thời gian, người ta quên mất chuyện nào được truyền lại từ bác Ba Phi, chuyện nào do ông tự sáng tác ra.

Bởi truyện kể bác Ba Phi trước khi được nhà văn Anh Động sưu tầm, ghi chép lại thì đó là những câu chuyện truyền miệng khó tránh khỏi tam sao thất bổn, hay được gắn ghép làm giàu thêm nội dung hài hước hay giản lược đi. 

Nhưng dường như điều đó không còn mấy quan trọng nữa. Từ những chuyện kể của Anh Động, miệt rừng tràm U Minh cũng xuất hiện những chuyện kể mang hơi hướng bác Ba Phi mà người kể cũng tham gia với tư cách là "con cháu bác Ba Phi".

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 1: Hậu nhân tiếu lâm của bác Ba Phi - Ảnh 2.

Di ảnh bác Ba Phi và bằng danh hiệu nghệ nhân dân gian - Ảnh: HUỲNH LÂM

Hổng tin thì hỏi ổng

Sau khi "truyền nhân" Sáu Nhuận về với bác Ba Phi, người ta lại tìm trong dòng họ, trong xóm giềng ai có khiếu kể chuyện, mà phải là những mẩu chuyện của bác Ba Phi khi còn sống do chính họ tiếp xúc hoặc nghe ông già kể lại. 

Anh Chiến, người cháu gọi bác Ba Phi bằng ông, nói rằng về khiếu kể chuyện thì trong dòng họ chẳng ai bằng ông Ba Lực. Ông Ba Lực ngày trước có tham gia kháng chiến. Sau khi giải ngũ về, ông đi tiếu ngạo khắp nơi, nên ai muốn kiếm được ông thì thiệt khó lòng.

Trưa nắng. Sau khi dùng ba tấc lưỡi tiếu lâm dẫn tôi đi từ chợ Cà Mau về Cái Nước, U Minh, rồi Lung Tràm, ông Ba Lực (Nguyễn Tấn Lực, cháu gọi ông Ba Phi bằng ông bác) lại dẫn tôi đi lòng vòng xuống Sông Đốc, ra Rạch Ráng bằng những chuyện kể như bất chợt nhớ ra. Tôi thích hỏi bác Ba Phi, ừ thì ông kể chuyện Ba Phi, cái gì cứ chuyện tiếu lâm thì đầy nhóc như bồ lúa trúng mùa.

- Hồi đó có lần tui thấy ổng (Ba Phi) buộc vải nỉ, quấn mền, gối... lội vô xóm trong. Hỏi ổng đi đâu, ổng nói giận vợ thằng hai. "Bà tổ, mình làm cỏ vườn mệt đứt hơi. Đói bụng kêu nó dọn cơm. Nó bắt cá rô, con nào con nấy to bằng cùm chưn người lớn đi nướng. Dòng thứ quỷ đó nướng bao nhiêu mỡ chảy lênh láng ngập bếp lò. Còn ăn uống nỗi gì nữa...

Vừa mới gặp lão nông có phong thái tự tin, nói chuyện cởi mở, tôi đoán biết rằng dân xứ Lung Tràm này kiếm Ba Lực không mấy khó, mà là không tin lời ông mới là chuyện khó. Khi mà ông mở bụng ra là cả bồ chuyện hài ngày xưa, mà chuyện nào cũng y... như thiệt.

- Chú coi nhà tui ai cũng đô con, khỏe mạnh hết trơn nè. Tụi tui thì yếu rồi, chứ bác Hai Ba Phi tui ngày trước khỏe đến mức chống xuồng dưới nước là xưa bà cố rồi. Ông chống xuồng ở trên cạn. Chiếc xuồng dưới mé sông, ông chỉ cần chống hai sào là tới trước cửa nhà cách đó chục cây số đến trâu cộ còn đi thè lè lưỡi. Ông Ba Phi khỏe dữ thần thiên địa vậy, nên năm 1954 lúc tàu Liên Xô vào Sông Đốc chở bộ đội tập kết ra Bắc, mấy ông lính Liên Xô rủ ông chơi trò kéo tay, kết quả là mấy ông mắt xanh mũi lõ chẳng ai kéo khỏe bằng ông.

Ông Ba Lực kể nhà gần nên ông cũng hay gặp bác Ba Phi lúc ông già còn sống. Ông ấn tượng nhất là bầy chó săn 17 con của ông già. Mỗi khi ông dẫn đàn chó đi săn thì cả xóm cứ háo hức đợi về để coi chiến lợi phẩm. "Bay tin hông, khuya ổng mới dẫn chó đi. Hừng đông là mang về năm, sáu con heo rừng bự chà bá lửa. Nhiều quá, ăn quân ngũ nào cho hết, ông xẻ thịt chia cho cả xóm ăn cũng lè lưỡi".

Nghe ông Ba Lực kể chuyện tiếu lâm như thật ngay tại Lung Tràm, người nghe như đang gặp bác Ba Phi phảng phất đâu đó. Bởi muốn xác thực chuyện ông Ba Lực kể thì cứ đi mà hỏi... bác Ba Phi.

Thế nào nghe ông Ba Lực kể cũng sẽ có người truyền lại cho người khác. Rồi đám nhỏ sẽ cá với nhau ai mạnh nhất xứ Kinh Ngang, Chủ Mía... 

Rồi chúng sẽ tưởng tượng ra giá mà người hùng trong xóm chúng có dịp gặp Lý Huỳnh, Lý Tiểu Long thì hổng chắc ai khỏe hơn ai... Từng lớp chuyện kể dưới tán rừng tràm cứ thế tồn tại trong bán tín bán nghi và lần hồi người ta chấp nhận chúng như điều hiển nhiên bởi "chính con cháu bác Ba Phi kể mà".

Con gà đi đêm với con cúm núm

Hơn chục năm trước, tôi ghé nhà bác Ba Phi, được gặp cô Tư Lệ là cháu nội ông già U Minh. Ra sau nhà thắp cho mộ bác Ba Phi nén nhang, rồi suốt đêm đó tôi cười muốn lé mắt, bể bụng bên "chiếu rượu nhân dân".

Sắp con cháu ông già xưa cũng nổ banh xác pháo chẳng khác gì tiền nhân. Bận đó đang mùa cúm gà, thế là họ lòi ra câu chuyện:

"Bầy gà nhà tui toi hết, chỉ còn mỗi con gà trống độc thân. Nó buồn quá bèn đi đêm với con cúm núm rồi đẻ ra một con đực nửa gà nửa chim. Con này có biệt tài hễ thấy bóng mấy ông kiểm dịch mò đến là bay tót lên ngọn cây hót líu lo như chim. Mấy ổng vừa khuất bóng, nó lại mò xuống lủi đi tìm gà mái".

Tôi hỏi chuyện này đâu ra, cô Tư Lệ cười, ực cạn ly rượu đế rồi mới trả lời "nửa của ông nội, nửa tụi tui".

QUỐC VIỆT

**************

"Ai nói ông già Ba Phi dóc bà cố là tui hổng chịu. Có xuống xứ này bận đó mới thấy cái cảnh cọp beo, heo rừng, rắn rết bủa vây. Hổng tin cứ hỏi bác gái mày thì biết".

>> Kỳ tới: Heo rừng, rắn rết bủa vây

Bác Ba Phi - giai thoại & sự thật: Thằng Đậu là ai? Bác Ba Phi - giai thoại & sự thật: Thằng Đậu là ai?

TT - “Thằng Đậu” là nhân vật có mặt trong rất nhiều truyện tiếu lâm bác Ba Phi với vai cháu nội.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên