Rắn rùa xứ U Minh giờ không còn nhiều. Thời bác Ba Phi có thể giẫm phải chúng mỗi ngày - Ảnh: HUỲNH LÂM
"Ai nói ông Ba Phi nói dóc bà cố là tui hổng chịu à nghen. Thế hệ tui là bớt rồi, chứ cái thời trước tui nữa, heo rừng nó kéo vào xứ này như đám giặc. Nai thì ôi thôi nó giỡn mặt với con người như chơi trốn tìm. Còn rắn rết hả, nó kéo nhau qua bên bờ kinh ranh, bên đó kìa, nó giăng thành hàng, tối xuống khù khù khè khè nghe rởn gai óc..." - ông Tư Giới nói.
Ông già Ba Phi "nói thiệt bụng"
Ông Nguyễn Văn Giới (70 tuổi), cháu gọi bác Ba Phi bằng ông bác, kể lại: bác Ba Phi là người hào sảng, trọng nghĩa, khinh tài. Khai khẩn nhiều đất đai, có của ăn của để, ông cũng chẳng màng mà khoái sống cuộc đời chân chất, giản đơn như ngọn cỏ củ khoai. Dù là điền chủ, đích thân ông cũng làm lụng như bao người khác. "Nếu gọi ông ấy là địa chủ cũng đúng. Nhưng chẳng có ai là tá điền cả", ông Tư Giới nói. Nhiều ruộng đất thay vì cho người đến sau thuê mướn để phát canh thu tô, bác Ba Phi cứ cắt đất cho.
Khi ông Nguyễn Văn Đống, ông nội của ông Tư Giới, từ Rạch Muỗi đưa vợ con về xứ Lung Tràm (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) để sống gần người anh ruột, ông Ba Phi chẳng ngại cắt 1.200 công đất tầm lớn (trên 120ha) cho em canh tác. Thời gian sau, thấy ông Đống chí thú làm ăn, gia thế phát triển, ông Ba Phi rất hài lòng. Ông gọi người em lại, tuyên bố cho thêm 2.000 công đất để khai hoang mần lúa.
Người dân xứ Lung Tràm không lạ gì cái tính rộng rãi, chịu chơi của ông Ba Phi. Sau năm 1945, khi cách mạng vận động các gia đình có đất san sẻ cho người chưa có đất, ông Ba Phi tuyên bố cắt đất cho hết hộ dân này đến hộ dân khác. Đến khi cán bộ điền địa cộng lại, hỏi: "Bác Ba có bao nhiêu đất mà cho nhiều dữ vậy?". Lúc này mọi người mới té ra số đất ông hứa cho đã... vượt xa số đất ông có.
Ông Ba Lực, cháu gọi ông Ba Phi bằng ông bác, kể thời ông Ba Phi còn sống, thú rừng xứ Lung Tràm này không sao tả xiết. Khi con người đến đây khai hoang, chúng rút về vùng đầm lầy ven biển. Nói có vẻ chúng co cụm lại địa bàn để nhường đất cho con người nhưng không phải vậy. Đám nai, heo rừng, chưa kể sóc, chồn, chim... luôn "trinh sát", hễ nhà ai trồng cây có trái, lúa trổ bông là lựa lúc trời tối chúng sẽ kéo đến... thu hoạch trước. Một thời gian rất dài, nông dân ở đây cứ nai lưng mần để nuôi thú rừng. Cho đến khi ông Ba Phi, một người khỏe mạnh với nghề đi săn, dẫn bầy chó đi tấn công vùng cứ địa đầm lầy của chúng, nạn "giặc" heo rừng mới bớt.
"Cho nên những chuyện ông già Ba Phi kể như tiếu lâm nhưng thực chất đều có căn cứ. Ổng chỉ làm cho nó có cốt truyện hấp dẫn đặng lỗ tai người nghe...", ông Ba Lực nói.
Ông Tư Giới nhớ hồi ông còn nhỏ, mỗi khi hai anh em là ông nội ông với ông Ba Phi dắt chó đi săn, thì ở nhà bắt nước sôi đợi sẵn. Thế nào họ cũng mang về vài ba con heo rừng hoặc nai. Hồi đó thú rừng nhiều "binh thiên", phá phách ruộng vườn người dân, mà chính quyền cũng đâu có lệnh cấm săn bắt như bây giờ.
"Dòng mấy con đó nó phá tàn canh chu lục. Không bắt bớt là dân ở đó chết đói", ông Tư Giới nói ngày trước khi những người khai khẩn mới bước chân xuống vùng đất này, Lung Tràm chỉ là rừng rậm, đầm lầy, thú hoang vô phương tả hết. "Hồi đó, cây bồn bồn to bằng cây tre. Người ta đến đây khoét lỗ lấy đất trồng lúa. Nhưng người trồng cũng chẳng thu về được bấy nhiêu. Lúa vừa trổ bông, hổng chim chóc, sóc, chồn thì cũng nai, heo rừng quấy phá", ông Ba Lực kể.
Ông Ba Kích, người dân ở gần đó, nhớ lại ông và vợ con từ miệt trên về mượn 36 công đất mần lúa. Để mần được lúa thì phải khai hoang. Vất vả trăm bề. Vậy mà tới mùa thu hoạch, hết nai rồi lại heo rừng kéo bầy vào "bình địa" cả ruộng. Có năm vợ chồng ông không thu hoạch được hột lúa nào.
"Sáng ra thấy đồng lúa sạch bách hết, chỉ có nước đứng khóc thôi chứ làm gì giờ. Sống qua cảnh đó mới thấy vì sao dân ở đây rất trông mong mấy ông thợ săn như ông già Ba Phi", ông Ba Kích nói.
Đám heo rừng thường được chỉ huy bởi con heo đầu đàn, mà dân đây gọi là heo đực chiếc. Ông Ba Kích kể có lần dân ở đây kịch chiến với con heo đực chiếc nặng gần 2 tạ. Dù bị trọng thương nhưng hàng chục người cùng với chó săn quần cả buổi nó mới đuối sức, chịu trận.
Ông Ba Phi chỉ huy đàn chó săn giỏi bậc nhất vùng. Vào mùa lúa, cánh thợ săn thường chủ động tìm tấn công đám heo rừng vốn cố thủ vùng đầm lầy ven biển, đợi trời tối là kéo vào quần banh ruộng lúa của dân.
"Bây coi, hồi đó thịt heo rừng ăn không xuể, phải làm mắm để ăn dài lâu. Nhờ ông Ba Phi mà dân này yên ổn, có gạo để ăn. Nên ổng đẻ ra câu chuyện khấc lưng con heo rừng hay vót tre để nai ăn lúa bị đứt lưỡi là có thiệt đó nghe. Tại ổng kể có duyên quá nên người ta nghe mắc cười mà tưởng chuyện dóc bà cố...".
Nhiều vật dụng của bác Ba Phi vẫn được giữ làm kỷ vật như mũi giáo bằng sắt ông dùng đi săn - Ảnh: HUỲNH LÂM
Rắn khè như... gió bão
Chuyện trò với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Tư Giới lại nhắc "chuyện này thím Tư mày biết mà, hổng tin cứ hỏi bả". Kẽo kẹt trên võng, bà Ngô Thị Bé (vợ ông Tư Giới) có lúc lại phụ họa bằng câu chuyện mà bà cho là "thiệt trăm phần trăm à nghen".
"Nói cháu mày hổng tin. Lúc thím mới về đây, sống cảnh hoang vu, tao sợ gần chết. Bên kia đường ranh, nơi phân biệt đất ông Ba Phi cho nhà nước để phân phát cho dân với đất gia đình còn lại, chiều chiều rắn hổ nó khò khè nghe lên mật xanh chứ hổng chơi. Cứ tưởng tượng cảnh mình ở trong nhà mà ngoài cửa rắn hổ nó cuộn ào ào, bắt mồi kêu chí chóe. Yếu tim không xỉu mới lạ. Tối tối có mắc đái cũng gắng nhịn. Chứ đâu ai dám ra sân vì sợ đạp phải rắn nhiều binh thiên...".
Những người cao tuổi cố cựu ở xứ Kinh Ngang, Đá Bạc, Cơi Năm... không lạ gì cảnh rắn rết chi chít vùng rừng rú này. Ông Ba Tương, nhà ở gần đó, kể ông giăng lưới bắt cá, nhưng mỗi lần đi thăm lưới là mỗi lần căng thẳng. "Nhiều bữa tay lưới dính cả chục con rắn. Nó cuộn nát lưới hết. Ngày trước ở vùng này kiếm mua câu, mua lưới khó khăn. Cực chẳng đã tao mới gỡ từng con rắn ra, gặp như giờ chắc tao bỏ lưới luôn quá. Chứ nhiều hôm thăm lưới thấy đủ loại rắn, tao bất mãn vô phương".
Về sau, một vùng rộng lớn hoang hóa ngày nào đã có người về thuộc đất. Bên kia đường ranh, chính quyền cũng đã cấp đất cho dân nghèo. Đất có chủ. Bụi rậm được phát hoang.
Đến khi những người mua rắn xuất hiện thì rắn rết rút sâu vào rừng. Bà Bé kể lần cuối cùng bà bắt được con rắn to cũng cách nay lâu lắm rồi. Lần ấy bà đi ruộng về, gặp con rắn to hơn cổ tay. Bà lấy cây đè bắt. Lần đó gần tết, tiền bán con rắn bà mua được mấy khúc vải...
Bắt rắn để lấy... mỡ
"Ngày trước đâu ai mua bán rắn. Chứ giờ rắn nhiều như ngày trước thì dân xứ này giàu hết rồi", bà Bé kể. Hồi đó, cái đìa rộng 10 tầm tay (khoảng 20m) của gia đình bà tát khô rồi mà rắn vẫn đuổi bắt cá ầm ầm. Muốn bắt cá trước tiên phải bắt rắn. Rắn nhiều vô kể. Thời đó người ta chỉ lựa rắn cái mà bắt. Còn rắn đực bỏ cho nó về với thiên nhiên. "Rắn ri voi, hổ hành... bắt lấy mỡ thắng để dành xài dần. Chứ ngày trước đâu có dầu ăn gì", bà Bé nói.
*********
Hình ảnh một thời U Minh thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc, nơi những người tứ cố vô thân vì thắt ngặt manh áo chén cơm mà tìm tới, dường như không thấy trong ký ức của những cố cựu xứ bác Ba Phi.
>> Kỳ tới: U Minh nê địa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận