
Người dân câu cá ở dòng kênh ven khu căn hộ mới khang trang phía đường Phước Thiện (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH
Khung cảnh đầy sức sống và tiềm năng phát triển trên khu bưng biền, ruộng đồng cằn cỗi ngày nào.
Đi xa về nhận không ra khu này
Đi từ hướng đường Long Phước qua cầu Long Đại của TP Thủ Đức, những người đi xa lâu năm quay về thăm lại khu này rất đỗi ngạc nhiên khi bên kia cầu là từng tòa chung cư, biệt thự khang trang hiện ra ven sông, không còn bóng dáng bưng hoang, đồng ruộng vắng người trước kia.
Những tòa nhà quy mô được ôm gọn bởi đường Nguyễn Xiển và Phước Thiện, bao quanh là khu dân cư ngày trước và khu tái định cư Phước Thiện dành cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trọng điểm khu vực này, như dự án vành đai 3.
Trong các quán cà phê, những người môi giới bàn chuyện mua bán đất, căn hộ chung cư.
"Sông kia rày đã nên đồng/ chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai", không mang ý cảm thán như ý thơ Trần Tế Xương, từ lâu đồng bưng nơi đây đã nhường chỗ cho nhà cửa san sát, dịch vụ sinh hoạt đa dạng, như một quy luật phát triển tốt đẹp hơn.
Từ đường chính Phước Thiện dẫn vào các đường nhánh, như đường 9A, còn nhiều nền đất trống, một số nền mới xây lớp gạch mỏng định ranh giới. Một trong những hộ dân diện tái định cư dự án vành đai 3 là bà Phạm Thị Hoa (59 tuổi).
Vừa xây cất xong căn nhà tông trắng khang trang trên nền đất 160m2 thuộc đường 9A, bà Hoa hướng dẫn tài xế xe ba gác trút đống đá dăm. Trước nhà là cây nhãn to và mấy cây khế được vợ chồng con gái mua về trồng, trên cành cụt mọc ra những chùm lá non. Nhà bà chừa ra phần lộ giới 5m theo quy định nên nhìn thoáng đãng.
Bà nói: "Giờ ai đi đâu chừng năm năm mà về lại đây là nhìn không ra khu này đâu, phát triển nhanh lắm".
Thật ra, chẳng cần tới năm năm để thấy sự khác biệt. Như chúng tôi sau hai năm thăm lại, thấy nhiều tòa căn hộ hơn, vành đai đã xuyên qua khu đô thị rõ nét và khu biệt thự ven sông hôm nào còn là công trình xây dựng, cỏ rả bãi bồi um tùm với dấu chân người dân đi ghe thả lưới nay trở thành chốn an cư mơ ước của biết bao cặp mắt.

Người dân vui chơi ở bưng sáu xã gần trong khu Vinhome Grand Park - Ảnh: TỰ TRUNG
Tiếp tục câu chuyện, bà Hoa kể: "Trước đây ở đường Nguyễn Xiển, nhà tôi sinh sống khu đó từ thời ông bà, ở riết tới giờ. Nhà tổng cộng 14 anh chị em, mất hết mấy người. Lớn lên theo nghề ba mẹ, làm ruộng, làm rẫy. Đất vừa ở vừa khai hoang thêm đặng trồng cây. Rồi ba mẹ chia đất cho mấy anh chị em".
Miệt mài quanh năm, rẫy ruộng nhà bà ngày trước đa phần trồng khoai mì, khoai lang. Ruộng trũng ngập, mùa mưa tranh thủ làm ở những chỗ cao, mùa nắng chỗ nào tát được thì cấy lúa, không thì trồng khoai củ. "Hồi đó da dẻ đứa nào cũng đen nhẻm vì làm lụng quanh năm. Xưa nhà cửa còn ít, sau đó có những nhà cả chục người con, người ta ra riêng, nhà cửa đông dần lên", bà kể.
Bám nghề ông cha lại biết dành dụm, cha mẹ bà Hoa nuôi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Đô thị phát triển, ruộng rẫy không còn, nhà cũ của bà diện tích vẫn rộng rãi, lọt thỏm giữa những hàng cây cối. Khi di dời giải phóng mặt bằng, bà qua khu tái định cư, anh chị em vẫn ở lòng vòng khu nhà cũ hoặc người còn đất "de" lại phía sau vành đai cất nhà.
Công viên phức hợp, khu ẩm thực…
Những thông tin về dự án vành đai 3 luôn nóng hổi. Tuyến này dài 76km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, khởi công tháng 6-2023. Trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài 47,3km, dự kiến trước 30-4 xong một số hạng mục tại nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối cầu Nhơn Trạch. Đến cuối 2025, đoạn qua TP Thủ Đức, Long An và một số đoạn tại Bình Dương sẽ đưa vào sử dụng, hướng tới hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6-2026.
Thông tin trên như tô thêm màu sắc sôi động và phát triển cho khu đô thị mới này.
Đó là chưa kể khu Vinhomes Grand Park quy mô 271ha ở phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ hình thành từ các năm trước cùng một số dự án nhà phố, biệt thự ven sông của các nhà đầu tư khác.
Rồi cây cầu Long Đại mơ ước, khánh thành cuối 2023 nối liền cù lao Long Phước với mé đô thị bên đường Phước Thiện.
Thay vì đi ghe xuồng hoặc đường vòng 10km xa xôi, giờ đây chỉ cách nhau chút ít khiến con sông Tắc bao bọc cù lao như reo vui.
Ở đây người cũ, người mới đan xen, thế nên nói đất cũ đãi người mới, hoặc đất cũ vẫn đãi người cũ cũng đúng. Giờ bà Hoa sống với vợ chồng người con gái, họ kinh doanh quán ăn. "Sống gần chợ nhỏ nên cũng tiện. Giờ con cái lớn, khoẻ rồi, nhà cửa khang trang, tôi đi đâu được vui cứ đi", bà nói.
Cách khu Vinhomes chẳng bao xa thế nên mấy người em cứ chừng vài bữa lại rủ bà Hoa vào đó chơi. Bà kể: "Trong đó tối chừng 18h-19h đông vui, có nhiều quầy bán đồ ăn, phố ẩm thực". Còn hôm trước khi tuyến metro chạy, cả nhà đặt xe công nghệ ra ga Bến Thành rồi trải nghiệm. Bà rất ưng, cho biết tàu đi nhanh, chụp hình trên nhà ga vui lắm.

Khu đô thị hiện đại còn nhiều tiềm năng phát triển nhìn từ cầu Long Đại trên đường Long Phước (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: YẾN TRINH
Bén duyên khu đô thị mới
Phía góc trái, ngăn tách khu căn hộ và cuối đường Phước Thiện là dòng kênh nhỏ. Mấy anh chàng từ Bình Dương lên chơi, xách cần câu cá. Mé ngoài là mấy xe bún riêu, cơm tấm bình dân. Bà Tư (57 tuổi, quê Long An) bán khu này tám năm nay, ngày bán chừng 100 tô. "Ở đây được cái không phải thuê mặt bằng. Tôi thuê trọ gần đây 1,5 triệu đồng/tháng. Khu này tối nhộn nhịp đầy sức sống", bà nói.
Ở quán nước gần đó, anh Cao Quốc Điền (49 tuổi) ngồi xả hơi sau cuốc ô tô đưa khách lên sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày trước vợ chồng anh sống ở quận Tân Bình. Năm ngoái do con trai học đại học dưới đây, họ mua căn hộ cho con tiện học hành. "Thời gian sau thấy con dưới này lủi thủi, vợ chồng bàn nhau mua thêm mấy căn nữa để ở và cho thuê. Ở tầng cao nhìn ra công viên, ra sông đẹp", anh nói.

Những toà nhà khang trang dần mọc lên ở khu vực trước kia là đồng ruộng ở đường Phước Thiện - Ảnh: YẾN TRINH
Lúc đầu anh nghĩ nơi này cách trung tâm hơn 20km thì xa xôi nhưng ở lâu, những tiện nghi khiến gia đình anh hài lòng.
Anh dẫn chứng: "Chuyện ăn uống thuận tiện, vợ tôi đặt thức ăn là người ta đem tới tận nơi. Có trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Rồi có những hội nhóm mua bán đồ ăn trên Facebook do cư dân chung cư lập ra nữa".
Chiều mát nếu rảnh rỗi, có xe buýt điện miễn phí nên anh lên xe đi một vòng hoặc ra khu ẩm thực, chợ đêm. Chưa kể khu công viên BBQ có cho thuê bếp nướng, tối có chơi nhạc, rồi khu công viên ánh sáng, những sân chơi pickeball, cầu lông…
Sau thời gian trải nghiệm, vợ chồng anh nhận thấy nơi này cận giang, cận lộ, có triển vọng làm ăn và định thuê đất gần đây làm bãi xe. Cuộc sống êm trôi và cũng như những cư dân nơi này bắt nhịp với ánh sáng tân thời, anh không còn thấy cách trở như cụm từ "đi Sài Gòn" mà ngày trước người ta hay nói mỗi dịp có việc lên trung tâm.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô kinh tế (GRDP) năm 2024 theo giá trị hiện hành của TP.HCM dẫn đầu cả nước với 1,78 triệu tỉ đồng.
TP.HCM cũng dẫn đầu về thu hút FDI, lũy kế đến năm 2024 với gần 59 tỉ USD. Nhiều đề án đang được TP triển khai như việc hình thành và phát triển các trung tâm tài chính, các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và đặc biệt là các tuyến hạ tầng.
Trong đó bao gồm dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, tuyến đường vành đai 3 kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; tuyến TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Bến Lức - Long Thành hay mở rộng vành đai 2 TP.HCM đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...
-----------------------------
17h, người xe nườm nượp ngược xuôi trên đường Phạm Văn Đồng, từ vòng xoay ngã năm hướng sân bay xuống các giao lộ Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Xí, rồi cầu Bình Lợi sắc đỏ đến vòng xoay Bình Triệu - quốc lộ 13… về với tổ ấm của mình.
Kỳ tới: Phạm Văn Đồng, đi đại lộ, ra sân bay…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận