
Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã giúp đổi thay, phát triển đời sống người dân - Ảnh: YẾN TRINH
Sự đổi thay, phát triển có thể thấy rõ rệt ở đây.
Hàng quán đông vui
Ngược dòng thời gian, nơi này từng là ao rau muống, vườn dừa hoặc đồng ruộng một màu lúa vàng, rồi trở thành khu công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam cùng với những thị dân sau tái định cư. Khu vực đường Man Thiện, D1, D2... thay da đổi thịt từng ngày.
Ghé vào tiệm cơm quen thuộc, Hoàng Nguyên, sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, gọi đĩa cơm bò 25.000 đồng. Ở ký túc xá gần đó, Nguyên hay qua đây ăn uống, giá mềm.
"Món gì cũng có, ốc, bún đậu khúc đường Man Thiện, mấy xe cá viên chiên, cà phê có võng nằm khúc gần giao đường Lê Văn Việt", chàng trai quê Đồng Nai cười nói rồi cùng bạn rẽ qua một xe cà phê.
Khu nhà ở và chung cư này là một phần trong dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện từ năm 2002, trong đó có khu vực Man Thiện, D1...
Đường Man Thiện như một cánh cung dài khoảng 2,5km với hai đầu giao Lê Văn Việt, ôm lấy những đường nhánh trong khu tái định cư, trong đó có đoạn phố ẩm thực ra đời cách đây một năm.
Màn đêm buông xuống, nơi này khoác lên màu sắc khác khi những hàng quán san sát đèn treo sáng trưng, biển hiệu mời gọi.
Trẻ con học võ dưới sân chung cư như những chú chim trắng, người tập thể dục ở công viên Đoàn Kết, người già xách ghế hóng mát. Phía Man Thiện còn có khu thương mại sinh viên - công nhân với hàng dãy quần áo giá cả phải chăng.
Thời thắp đèn gánh rau ra lộ bán
Quết lớp màu nhuộm lên tóc khách hàng, bà Nguyễn Thị Hà Thủy (55 tuổi, chủ một tiệm tóc trên đường Man Thiện) vui vẻ kể: "Hồi đó (trước 2012) nhà tôi bên phía đất quy hoạch, hay gọi là khu Gò Dầu, là ngôi nhà cấp bốn với mảnh vườn gần 1.300m2.
Từ đời ông nội đã ở đó rồi, sau 1975 chia cho con cháu. Có quyết định di dời, được bố trí nền nhà 120m2, vợ chồng tôi với hai con thuê trọ tạm 6 tháng để chờ xây nhà mới".
Thay vì cái ki ốt cắt tóc ở sân nhà cũ, qua đây bà dành mặt bằng tầng trệt làm tiệm tóc, mọi thứ khang trang hơn. Lúc vãng khách, trí nhớ lại đưa bà về những ký ức với ngôi nhà ấu thơ: "Hồi mới chuyển, mỗi lần đi ngang khu nhà cũ là cảm thấy nhớ".
"Cái hồi sau năm 1975, khu nhà cũ của tôi là ao rau muống lớn lắm, người ta trồng bán. Cắt rau xong, ông nội và ba tôi mướn người nhổ cỏ, rải phân, cỡ 10 ngày rau lên lại.
Tới đời tôi là để đất không chứ không làm rau muống, mà đi học nghề tóc rồi mở tiệm. Thời những năm 1990 chưa có điện, mở tiệm đơn sơ lắm, chưa có làm móng. Có nghề này đi đâu cũng sống được", bà chia sẻ.
Cách nhà bà Thủy một đoạn, bà Phạm Thị Bẻn (65 tuổi) cho biết gia đình ở khu này từ những năm 1960. Tất bật xách giỏ đi mời thiệp đám cưới cho con gái út, nhưng khi nhắc về nơi chôn nhau cắt rốn, bà kể: "Ở đây hồi đó gọi là khu 12. Thời đó thắp đèn dầu, khu này đồng ruộng không à. Khu mé trên là Tăng Nhơn, rồi xóm Gò Cát, Gò Dầu. Đi đâu là lội bộ, đạp xe".
Nhà bà khi đó vách nẹp bằng lá dừa nước, kế sinh nhai là nuôi bò, trồng lúa, bầu bí... Lúa đem bán cho những nhà không có ruộng hoặc đưa tới nhà máy.
"Nhà cửa không khít như bây giờ. Đường đất, nhiều khi đạp xe té lăn cù mèo. Có nhà trồng chuối, tre gai, nhà trồng cây tầm vông, trong xóm ngỗng kêu cà qué cà qué. Có người trồng bắp tuốt mé mà bây giờ là đường Võ Nguyên Giáp", bà kể.
Phụ giúp cha mẹ, 3-4h sáng bà Bẻn quang gánh trên vai, nào là rau muống, rau lang, thắp đèn ống trúc, trong đổ dầu và nhét miếng vải châm lửa, ra chợ bán. Được tổng 2.000 - 3.000 đồng, bà gánh về phía đầu dốc bán tiếp. Những năm sau này khi kinh tế dần khởi sắc, người dân đi làm ăn, làm nhà máy...
Tuyến đường sầm uất
Khoảng cận thời điểm giải phóng mặt bằng, bà Bẻn chuyển sang nghề môi giới đất đai. "Giờ có nhiều người từ các nơi về ở.
Hồi xôm tụ là cỡ năm 2010, nhiều người nhắm mua đất đầu tư. Tôi lội luồn khắp chốn để chào nền, có người mua một lúc 12 nền", bà nhớ lại. Giờ bà rành giá đất từng khu, và nhiều người tin tưởng gửi bán.
Nhìn ra hướng các hàng quán, bà Bẻn kể trước đây muốn đi ăn phải ra mé Lê Văn Việt, nay bước khỏi cửa là đụng quán.
Nói về sự thay đổi, bà cho biết "nhiều lắm chứ". Điển hình, ngày mới đến đây chưa có đường lớn, rồi đường Man Thiện thành hình, nhà bà thành mặt tiền. Những nhà xung quanh mở quán, buôn bán làm ăn sung túc.
Tối muộn, tiệm bà Thủy vẫn đông khách, bà nói lát đóng cửa là dọn dẹp rồi đi ngủ một lèo. Chồng bà làm công trình ở tỉnh, người con đầu đã có vợ con, người con út đang là sinh viên năm cuối. Trong nhà, cháu nội đang lau vệt nước đổ. Bà cười cho biết cháu ngoan lắm, sáng con trai chở đi nhà trẻ gần đây, chiều bà đón về.
Dạo quanh khu này lần nữa, chúng tôi tình cờ gặp ông Đặng Trung Dũng (70 tuổi) ngồi hóng mát trước nhà. Hiện ông sống trong căn nhà rộng100m2 đường Man Thiện. Nhắc về chốn cũ khi chưa di dời, ông cho biết đó là mảnh vườn mà nhà ông cho người ta thuê, mênh mông cây trái.
Gia đình ông Dũng đã bám trụ từ thời ông cố, ông sơ, ông cũng không hình dung rằng bộ mặt nơi này thay đổi đến vậy. Vật đổi sao dời, những người thuộc thế hệ trước như ông còn nặng những hoài niệm trong những buổi chiều ngồi trước hiên nhà, và lớp trẻ tiếp tục điểm tô cho nhịp sống nơi này ngày một sáng tươi.

Việc xây dựng Khu công nghệ cao đã mở mang hệ thống hạ tầng khu vực khang trang, tiện lợi hơn - Ảnh: TỰ TRUNG
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 989 chuẩn bị thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổng diện tích 800ha, là một trong những dự án trọng điểm của thành phố.
Ngày 24-10-2002, SHTP thành lập nhằm thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Qua những điều chỉnh mở rộng, hiện nay SHTP có diện tích 913ha.
Những ngày đầu thu hút nhà đầu tư, ông Phạm Chánh Trực (trưởng ban đầu tiên của SHTP) cùng lãnh đạo thành phố, các bộ ngành, kể cả lãnh đạo các đời nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải, làm xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc...
Nơi đây thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu, như Intel, Nidec, Samsung, Jabil...
Hiện có hơn 160 dự án hoạt động với tổng giá trị đầu tư trên 12,3 tỉ USD. Mới đây, ban quản lý SHTP trình UBND thành phố đề xuất mở rộng khu công viên khoa học và công nghệ thành trung tâm khoa học công nghệ đa ngành. Diện tích mở rộng 194,8ha, dự kiến triển khai từ năm 2025 đến 2033.
Trong 10 dấu ấn nổi bật năm 2024 ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, chuyển đổi số, giao thông đô thị, văn hóa, xã hội... mà TP.HCM công bố đầu năm 2025, kinh tế TP năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 ước tăng 7,17%.
Tháng 2-2024, TP.HCM vinh dự trở thành thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là kết quả quá trình tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân.
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn với hàng trăm ngàn khán giả như lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo, Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, Lễ hội sông nước...
-----------------------------------
Nếu bên kia đại lộ mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dòng kênh yên ả in bóng những căn nhà, bên này lại là cảnh tấp nập của những chành xe bốc dỡ hàng hóa. Người xe trên đại lộ nhộn nhịp, đông vui.
Kỳ tới: Đổi thay lớn lao ở đại lộ Võ Văn Kiệt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận