17/06/2020 13:06 GMT+7

40 ngày xung đột nảy lửa ở biên giới Trung - Ấn

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Cuộc xô xát giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15-6 là vụ đụng độ thương vong nhiều nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. Nó khởi đầu bằng một vụ đụng độ hồi đầu tháng 5.

40 ngày xung đột nảy lửa ở biên giới Trung - Ấn - Ảnh 1.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới tại đèo Nathu La - Ảnh: AFP

Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 đã bị cuốn vào cuộc đụng độ chết người đầu tiên của hai nước trong 45 năm qua, dẫn đến 20 người chết bên phía Ấn Độ, bao gồm 1 sĩ quan chỉ huy.

Phía Trung Quốc không công bố thương vong nhưng Hãng tin ANI của Ấn Độ cho biết có tới 43 binh sĩ Trung Quốc thương vong, đẩy mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc hạt nhân xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Sau đây là những cột mốc căng thẳng trong quan hệ hai nước trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, theo Hindustan Times:

Ngày 5 và 6-5: Xảy ra cuộc đụng độ dữ dội giữa các đội tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc bên bờ phía bắc của hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh. Các binh sĩ đi đường quyền, ném đá vào nhau. Binh sĩ Trung Quốc tấn công binh lính Ấn Độ bằng chày gắn đinh. Có tới 250 người bị thương trong cuộc giao tranh ở cả hai phía.

Ngày 9-5: Căng thẳng lan sang khu vực phía đông. Binh sĩ hai nước tiếp tục đối đầu nảy lửa ở đèo Nathu La, nối giữa bang Sikkim của Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Ấn Độ đóng cửa Nathu La sau chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 và mở lại vào năm 2006 để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương nhưng không được như ý. Trong cuộc xô xát của 150 binh sĩ tại đây, có 4 binh sĩ Ấn Độ và 7 binh sĩ Trung Quốc bị thương.

Ngày 10-5: Quân đội Ấn Độ ra tuyên bố xác nhận cuộc đụng độ ở Nathu La, nói rằng hành vi hung hăng của binh lính đã dẫn đến thương tích cho cả hai bên. Các sĩ quan quân đội cũng xác nhận có cuộc đụng độ tại Pangon Tso.

Ngày 12-5: Các báo cáo về căng thẳng leo thang tại thung lũng Galwan bắt đầu xuất hiện. Trong một tuyên bố, quân đội Ấn Độ nêu ra "những cuộc đụng độ và hành vi hung hăng" xảy ra dọc theo tuyến Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC).

Ngày 19-5: Khi căng thẳng đang sục sôi ở Pangong Tso, thung lũng Galwan và Hot Springs, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm LAC. Bắc Kinh tuyên bố phải thực hiện các "biện pháp đối phó cần thiết" sau khi phía Ấn Độ bị quân đội Trung Quốc ngăn cản.

Ngày 21-5: Ấn Độ phản bác mạnh mẽ các buộc của Trung Quốc rằng căng thẳng tại khu vực Ladakh và bang Sikkim là do quân đội Ấn gây ra. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các hoạt động của quân đội nước này hoàn toàn không xâm phạm LAC và Trung Quốc mới là phía cản trở các cuộc tuần tra bình thường của Ấn Độ.

Ngày 22-5: Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ Manoj Mukund Naravane có chuyến thăm quan trọng tới trụ sở quân đoàn 14 tại Leh để xem xét an ninh khu vực. Lúc này quân đội hai nước đăng được tăng cường tại biên giới.

Ngày 25-5: Trung Quốc đưa gần 5.000 binh sĩ tới sát biên giới đang tranh chấp tại khu vực Ladakh. Ấn Độ cũng gửi quân tiếp viện tới khu vực.

Ngày 30-5: Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết Ấn Độ và Trung Quốc trao đổi ở cấp độ quân sự và ngoại giao để giải quyết bế tắc.

Ngày 2-6: Ấn Độ chính thức thừa nhận tăng cường quân đội dọc biên giới với Trung Quốc. Bộ trưởng Singh nói rằng quân đội Trung Quốc cũng triển khai rất nhiều binh sĩ dọc theo LAC và Ấn Độ chỉ hành động cho phù hợp với động thái quân sự của người hàng xóm.

Ngày 6-6: Trong một cuộc họp hiếm hoi giữa các sĩ quan quân đội hàng đầu của hai nước, trung tướng Harinder Singh - tư lệnh quân đoàn 14 tại Leh và thiếu tướng Liu Lin - tư lệnh Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại khu vực Nam Tân Cương - thảo luận về tình hình căng thẳng leo thang.

Ngày 9-6: Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút binh sĩ khỏi ba điểm nóng dọc theo LAC.

Ngày 10-6: Diễn ra vòng đàm phán thứ 4 của tướng lĩnh hai nước để giảm bớt căng thẳng biên giới.

Ngày 12-6: Tướng quân đội hai nước tiếp tục gặp nhau lần thứ 5 để thảo luận về kế hoạch giảm leo thang. Trung Quốc lúc này đã triển khai trên khắp LAC hơn 8.000 binh sĩ, xe tăng, pháo, máy bay ném bom chiến đấu, lực lượng tên lửa và radar phòng không.

Ngày 15-6: Các phái đoàn quân đội từ Ấn Độ và Trung Quốc thảo luận lần nữa. Trước đó thì binh sĩ hai nước đã giao tranh dẫn đến thiệt hại cho cả đôi bên. Ấn Độ cho biết đã có 20 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xô xát và sau đó thì hai nước tố nhau bên nào gây hấn trước.

Ấn Độ và Trung Quốc tố nhau sau vụ đụng độ 3 binh sĩ tử trận Ấn Độ và Trung Quốc tố nhau sau vụ đụng độ 3 binh sĩ tử trận

TTO - Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục lên tiếng về vụ đụng độ ở biên giới khiến 3 binh sĩ thiệt mạng, lần này tố nhau đơn phương gây leo thang tình hình.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên