23/10/2014 12:42 GMT+7

​“4 xin, 4 luôn” thôi đã khó

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - “Tôi vừa trực tiếp phê bình ông Thanh (ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không VN). Người ta bình chọn mình như thế là khách quan, do dân, do hành khách đi lại đánh giá.

Sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: H.T.V
Sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: H.T.V

Lẽ ra khi bị xếp loại như thế thì trước hết cục phải xem lại thực trạng ở các sân bay ra sao, chứ không phải tự nhiên người ta lại đánh giá như vậy. Tôi là người dân, là hành khách tôi nói, tôi đánh giá chứ chẳng phải mạng chính thống hay không chính thống gì cả”. 

Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thẳng thắn nhận định về việc hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị xếp vào nhóm 10 sân bay tệ nhất châu Á (Tuổi Trẻ ngày 20-10).

Theo đó, trang The guide to sleeping in airports (www.sleepinginairports.net) đã cho rằng sân bay Nội Bài hỗn loạn và bẩn, hệ thống điều hòa kém, ồn ào, thiếu xe đẩy hành lý, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất chỉ xếp ở mức độ trung bình, mức độ sạch sẽ chưa ổn định.

Thật ra không cần trang web này xếp loại, ai từng đi qua hai sân bay này đều có thể cảm nhận rất rõ chất lượng dịch vụ ở đây rất kém, trong khi thái độ của nhân viên phục vụ vẫn như ban phát ơn huệ cho hành khách.

Cho đến khi báo chí mạnh mẽ lên tiếng, phải chờ đến khi chuyện bán mì gói trong sân bay được bàn trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải đến khi Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) tập trung cải thiện chất lượng phục vụ hành khách, phải chờ đến cảng vụ mời các bên cung cấp dịch vụ tại sân bay đến “hiệp thương giá bán” thì gần đây tình hình ở hai sân bay này mới có chuyển biến đôi chút.

Sân bay quốc tế không chỉ đơn thuần là nơi đưa đón khách mà còn là nơi kết nối VN với thế giới, nơi giới thiệu văn hóa, tiềm năng du lịch, kinh tế của VN với các nước.

Nhìn quy mô sân bay, du khách sẽ có thể hình dung trình độ phát triển của quốc gia đó như thế nào. Ngoài chức năng hàng không, nó còn phải có đầy đủ dịch vụ mua sắm đa dạng chủng loại hàng hóa, ẩm thực phong phú, nơi nghỉ ngơi cho khách chờ quá cảnh, giải trí, chỗ cho trẻ em vui chơi...

Thế nhưng những tiêu chuẩn này ở sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều không có. Thay vào đó, hành khách đến đây chỉ mong được lên máy bay để thoát khỏi khung cảnh hỗn độn kèm theo dịch vụ yếu kém, nhân viên mặt mày luôn căng thẳng, sẵn sàng đôi co với hành khách...

Tất nhiên, không chỉ hai sân bay này mà nhiều sân bay khác ở VN hành khách cũng đang phải trả tiền với giá trên trời, trong khi sản phẩm nhận lại chỉ ở mức trung bình, thái độ phục vụ của nhân viên cũng chỉ ở mức trung bình mà “đành phải nhắm mắt chấp nhận”.

Sân bay có thể chật chội, hành khách có thể phải xếp hàng chờ lâu hơn mới xong các thủ tục cần thiết và thiếu ghế ngồi chờ lên máy bay cùng những dịch vụ mà một sân bay quốc tế phải có.

Nhưng tất cả điều đó hành khách đều có thể chấp nhận, cảm thông nếu được nhân viên sân bay niềm nở đón tiếp, tiếp nhận với cử chỉ thân thiện, vui vẻ.

Còn nhớ cách đây không lâu, lãnh đạo Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu nhân viên hàng không phải biết “bốn xin” và “bốn luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu) nhằm cải thiện hình ảnh phục vụ đối với hành khách.

Chưa nói đến điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ, chỉ “bốn xin” và “bốn luôn” này mà sao khó đến vậy?

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên