Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chia vui cùng các tướng lĩnh sau vụ phóng thành công tên lửa liên lục địa - Ảnh: REUTERS |
Theo ông David Albright - chủ tịch Viện Khoa học và an ninh quốc tế của Mỹ, nếu Triều Tiên cho vận hành lò phản ứng nước nhẹ thực nghiệm ở Yongbyon, họ có thể sở hữu 60 vũ khí hạt nhân chỉ trong gần 4 năm nữa.
Yongbyon là trung tâm hạt nhân của Triều Tiên, cách Bình Nhưỡng 90km về phía bắc.
Đánh giá mới và không mấy lạc quan nói trên xuất hiện sau khi Triều Tiên thực hiện thành công hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 7 vừa qua.
Hôm qua, Bình Nhưỡng lại khiến cả khu vực “căng như dây đàn” với thông báo về kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung về phía đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng 8.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA không tiếc lời chỉ trích các phát ngôn của tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi chúng là “một mớ tào lao”. Chẳng là ông Trump dọa sẽ cho Bình Nhưỡng thấy “hỏa lực và cơn giận” nếu cứ tiếp tục khiêu khích.
Chuyên gia Albright ước tính Triều Tiên đã sản xuất được 13-30 vũ khí hạt nhân tính đến thời điểm cuối năm 2016, dựa trên đánh giá về năng lực làm giàu plutonium và uranium của quốc gia này.
Bình Nhưỡng cũng có thể đã có một số đầu đạn plutonium dùng cho tên lửa đạn đạo Nodong, đủ sức vươn tới các mục tiêu cách 1.200km, bao trùm Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một tên lửa của Triều Tiên được hãng thông tấn nhà nước KCNA chủ động công bố cho thế giới - Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do để nghi ngờ khả năng của Triều Tiên chế tạo đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động cùng loại tên lửa ICBM.
Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo được ICBM mang đầu đạn hạt nhân bắn tới các thành phố của Mỹ sớm nhất vào đầu năm sau.
Chuyên gia Albright cho rằng mốc thời gian này là hơi sớm, nhưng với tốc độ hiện nay, ông dự báo Triều Tiên sẽ thực hiện được điều này vào năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận