12/10/2023 11:29 GMT+7

4.000 tỉ đồng ngăn sạt lở miền Tây

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL để bố trí cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Một đoạn bờ kè chống sạt lở ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đã phát huy hiệu quả. Dự kiến tỉnh Bến Tre sẽ bố trí thêm 200 tỉ đồng từ nguồn kinh phí Chính phủ bổ sung để tiếp tục nối dài đoạn bờ kè này nhằm bảo vệ đất đai, hoa màu cho người dân phía trong - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một đoạn bờ kè chống sạt lở ở huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đã phát huy hiệu quả. Dự kiến tỉnh Bến Tre sẽ bố trí thêm 200 tỉ đồng từ nguồn kinh phí Chính phủ bổ sung để tiếp tục nối dài đoạn bờ kè này nhằm bảo vệ đất đai, hoa màu cho người dân phía trong - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngay sau khi đón nhận thông tin, nhiều tỉnh thành ĐBSCL cho biết đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết sử dụng nguồn vốn này vào các dự án, công trình cấp bách để ngăn sạt lở, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

7 năm mất 1.134km vì sạt lở

Trong những năm qua, các tỉnh khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt các tỉnh nằm ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang... phải đối mặt với sạt lở bờ biển và bờ sông khiến công tác khắc phục càng thêm khó khăn. 

Tính từ năm 2016 đến nay, các tỉnh thành khu vực ĐBSCL xảy ra 779 vụ sạt lở với tổng chiều dài khoảng 1.134km. Tức chỉ trong khoảng 7 năm, tổng chiều dài các điểm sạt lở cộng lại đã dài tương đương quãng đường từ TP Đà Nẵng đến mũi Cà Mau nếu tính theo đường bộ.

Đơn cử như tỉnh Bến Tre, với bờ biển kéo dài 65km và bốn con sông chính chảy qua gồm sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên với tổng chiều dài khoảng 300km. Ngoài ra, hệ thống kênh rạch chằng chịt với chiều dài hơn 2.300km. Do đó, hằng năm tỉnh này xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, đến nay toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km. Trong đó sạt lở bờ sông 104 điểm với tổng chiều dài khoảng 115km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Sạt lở bờ biển diễn ra tại tám điểm với tổng chiều dài khoảng 19km, làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc ba huyện ven biển.

Tương tự, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh này có đường bờ biển dài khoảng 200km và hàng trăm km đường bờ biển quanh các đảo. 

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng với chiều dài khoảng 117km. Trong đó có những điểm sạt lở nguy hiểm và cần khoảng 1.956 tỉ đồng để đầu tư công trình phòng chống sạt lở nhưng chưa có kinh phí. Do đó, sạt lở vẫn từng ngày uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, cơ sở hạ tầng và làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Đê biển Tây đoạn qua địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Cà Mau là một trong hai địa phương được hỗ trợ 500 tỉ đồng để phòng chống sạt lở - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đê biển Tây đoạn qua địa bàn huyện U Minh (Cà Mau) sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Cà Mau là một trong hai địa phương được hỗ trợ 500 tỉ đồng để phòng chống sạt lở - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ưu tiên cho những công trình cấp bách

Có được nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương cho các công trình phòng chống sạt lở, các địa phương liền gấp rút triển khai các công trình cấp bách. Ngày 11-10, ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết với 300 tỉ đồng được trung ương bổ sung, tỉnh sẽ ưu tiên cho hai dự án phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, 100 tỉ đồng sẽ đầu tư cho dự án chống sạt lở bờ sông Giao Hòa tại xã Giao Long, huyện Châu Thành và 200 tỉ cho dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Ba Tri. Hai vị trí này là "điểm nóng" về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của tỉnh.

Còn ông Bùi Văn Đông, hạt trưởng Hạt quản lý đê điều tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua từ các nguồn vốn có được, Cà Mau đã thực hiện nhiều công trình kè chống sạt lở có hiệu quả, nhất là kè ngầm tạo bãi. 

"Mặc dù trong tỉnh có nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng nhưng vẫn có một số nơi biển bắt đầu bồi, cây rừng hồi phục, sinh trưởng tốt lấn dần ra biển nhờ kè ngầm tạo bãi. Đợt này tỉnh Cà Mau được Chính phủ bổ sung 500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương sẽ giúp địa phương có thêm được nhiều đoạn kè hơn, giảm áp lực sạt lở vào đê biển hơn", ông Đông chia sẻ.

Tỉnh Cà Mau đang tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng các công trình khẩn cấp với chiều dài hơn 3,7km, đồng thời đang xây dựng cứng hóa mái đê biển Tây với chiều dài hơn 2,9km để bảo vệ sự ổn định của các tuyến đê trước mùa mưa bão năm nay.

Trong khi đó tỉnh Đồng Tháp, với nguồn kinh phí mới được bổ sung 250 tỉ đồng, tỉnh sẽ đầu tư cho dự án kè Hổ Cứ (TP Cao Lãnh) dài 2,2km nhằm bảo vệ 480 hộ dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu chống ngập và ứng phó với diễn biến của dòng chảy sông Tiền. Đặc biệt, đoạn kè nối tiếp này sẽ bảo vệ di tích Tượng đài tưởng niệm tập kết 1954 kéo dài về hướng cầu Cao Lãnh.

Tại Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin thời gian qua tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh đã xây dựng 46,39km kè giảm sóng, chống sạt lở. 

"Khi được trung ương bổ sung vốn, Kiên Giang sẽ tiếp tục xây dựng các công trình kè để góp phần chống sạt sở ven biển. Đặc biệt, đơn vị đã trình UBND tỉnh đề xuất đầu tư dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần (có chiều dài khoảng 15km). Đây là đoạn ven biển được ưu tiên khép kín liên tục toàn vùng biển An Biên - An Minh (Kiên Giang)", ông Toàn nói.

Ngoài ra, địa phương cũng có kế hoạch đầu tư đoạn kè đê biển có chiều dài 10km ở huyện Hòn Đất. "Khi tuyến này hoàn thành sẽ góp phần khép kín kè giảm sóng phía trước đai rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển Kiên Giang, bảo vệ cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Toàn nói thêm.

4.000 tỉ đồng ngăn sạt lở miền Tây - Ảnh 3.

Người dân đã phần nào an tâm

Cách đây khoảng hai năm, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng bờ kè bê tông kiên cố và cho hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên tại những vị trí chưa làm kè tiếp tục xảy ra sạt lở. 

"Nghe tin Nhà nước rót kinh phí để đầu tư làm bờ kè kiên cố bảo vệ đất sản xuất của người dân ở đây, chúng tôi mừng rớt nước mắt. Vì sau một thời gian tự bỏ tiền ra làm bờ kè để bảo vệ ruộng dưa hấu phía trong thì đến nay đã khánh kiệt, tài sản bán hết rồi nhưng không thấm vào đâu. Nước biển vẫn tràn vào gây hư hại hoa màu" - ông Nguyễn Văn Nghiên, 51 tuổi, ngụ xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, nói.

Cùng chung chia sẻ, ông Nguyễn Trọng Linh (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết trước đây khu vực này sạt lở rất dữ, sóng đánh trực tiếp vào chân đê do hết đai rừng phòng hộ. Những năm gần đây vẫn còn sóng cao nhưng nhờ có bờ kè tạo bãi nên sóng ít đánh vào chân đê, một số đoạn đã trồng được rừng lấn ra biển, đai rừng bắt đầu phục hồi, người dân đã yên tâm phần nào.

Trong khi đó, bà Nguyễn Cẩm Hiền (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) cho rằng hiệu quả của kè tạo bãi bồi rất rõ rệt. "Những đoạn nào có kè thì sóng biển đã giảm tác động vào chân đê, bùn đất bắt đầu bồi lắng tạo được bãi, cây mắm và cây đước đã bén rễ vươn ra biển. Còn những đoạn nào chưa có kè thì sóng biển ngày đêm tấn công vào chân đê, đai rừng. 

Đất bị cuốn dần ra biển, cây cối và nhà cửa cũng cuốn trôi theo con nước, rất lo lắng. Mong ngành chức năng sớm có giải pháp làm các đoạn kè còn lại để dân yên tâm sản xuất. Nay nghe Chính phủ hỗ trợ thêm cho Cà Mau kinh phí để làm kè chống sạt lở, người dân cũng an tâm phần nào", bà Hiền phấn khởi nói.

* PGS.TS Lê Anh Tuấn (nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ):

Phải có giải pháp đầu tư phù hợp

Nhiều năm trước chúng ta cũng đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho việc chống sạt lở. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc đầu tư có hiệu quả hay không là do chúng ta sử dụng như thế nào chứ không phải ở số vốn đầu tư chống sạt lở nhiều hay ít.

Chi phí làm công trình chống sạt lở hiện nay là rất cao với khoảng 20 - 50 tỉ đồng/km tùy công trình và điều kiện địa chất. Do đó với chiều dài sạt lở được công bố hơn 750km thì rõ ràng số tiền 4.000 tỉ đồng là không nhiều. Chưa kể nếu làm không tốt thì việc xây công trình chỗ này sẽ dẫn đến thay đổi dòng chảy phá chỗ kia thì việc chống sạt lở sẽ không hiệu quả.

Vì vậy theo tôi, với số vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng này nên đầu tư ở những nơi xung yếu nhất. Ngoài ra, việc làm công trình cứng với kè bê tông vốn có tuổi thọ nhất định, sau một thời gian thì cũng bị xê dịch và hư hỏng, vì vậy cần kết hợp với giải pháp làm sao cho phù sa được bồi đắp, phục hồi được rừng ngập mặn...

Trước khi đầu tư thì cũng nên hiểu bản chất gây sạt lở tại nơi đó là gì thì việc đầu tư công trình mới hiệu quả, còn làm theo kiểu "sạt đâu đắp đó" thì giống như vá chiếc áo rách vậy, vá xong rồi áo cũng rách nữa mà thôi.

Mỗi địa phương nên có khảo sát, dựa trên cơ sở khoa học mà đánh giá lại vấn đề sạt lở để đưa ra giải pháp đầu tư phù hợp và việc khảo sát, đánh giá này cần có sự tham gia của các ngành khác nhau, thậm chí mời các chuyên gia về môi trường, sinh thái, xã hội cùng tham gia.

Tôi cho rằng nên kết hợp làm công trình cứng kết hợp với kinh nghiệm dân gian để giảm sạt lở, tránh tình trạng đụng đâu cũng làm công trình bê tông thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ.

Tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên bị sạt lở vào đầu năm 2023 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên bị sạt lở vào đầu năm 2023 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Triển khai dự án theo tình huống khẩn cấp về thiên tai

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết trong chuyến đi khảo sát thực tế về sạt lở ở ĐBSCL hồi tháng 8-2023, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với bí thư và chủ tịch các tỉnh ĐBSCL.

Thời điểm đó, Bộ NN&PTNT cũng báo cáo các điểm sạt lở khẩn cấp ở ĐBSCL cần phải làm ngay khoảng 13.000 tỉ đồng. Bộ cũng báo cáo rất rõ các giải pháp trước mắt, lâu dài và xu thế xảy ra sạt lở.

Hiện nay, tình trạng sạt lở không còn theo quy luật, ví dụ như trước đây sạt lở thường xảy ra vào mùa lũ và trên các sông chính như sông Tiền và sông Hậu, nhưng nay sạt lở cả mùa khô, chủ yếu ở các sông nhánh. Các sông nhánh lại tập trung nhiều người dân sinh sống hai bên bờ sông nên nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn.

Với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, ngày 8-10 Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định của Thủ tướng bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL kèm theo danh mục 21 dự án phòng chống sạt lở.

Và theo ông Hiệp, tính chất của vốn dự phòng dành cho cấp bách và chỉ tiêu trong một năm. Như vậy, các công trình phòng chống sạt lở được phê duyệt sẽ phải làm nhanh trong một năm (chậm nhất hoàn thành 31-12-2024).

Do đó, ông Hiệp đề nghị các địa phương ĐBSCL phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và triển khai theo tình huống khẩn cấp thiên tai thì mới kịp giải ngân.

"Cơ bản các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL đã lập dự án, được phê duyệt, sau khi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai thì địa phương chỉ định tư vấn, chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ, thời gian và chất lượng dự án", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý một số dự án phòng chống sạt lở quy mô khá lớn, có công trình lên tới 400 - 500 tỉ đồng, trong khi thời gian triển khai chỉ có một năm. Do đó, các địa phương phải có biện pháp thi công và giải pháp kỹ thuật chuẩn thì mới kịp thời gian.

"Đối với một số công trình mang tính chất, yêu cầu kỹ thuật cao như kè ở phía Biển Đông, kè ở bờ sông chính như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên… rất sâu và phức tạp thì các viện nghiên cứu, cơ quan tư vấn của Bộ NN&PTNT đã làm việc với địa phương để đưa ra các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất cộng với các giải pháp thi công phù hợp để hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án phòng chống sạt lở kịp thời, hiệu quả", ông Hiệp nói thêm.

Ngăn sạt lở bằng cách trồng cây, bơm cát

Theo tiến sĩ Thanawat Charupongsakul từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), thay vì xây dựng các công trình nhân tạo phức tạp, vốn có thể làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, ông Thanawat Charupongsakul thực hiện nghiên cứu, đề xuất giải pháp thân thiện với môi trường hơn, bao gồm trồng lại và khôi phục các khu rừng ngập mặn dọc bờ biển phía nam Bangkok. Rừng ngập mặn là rào cản tự nhiên chống xói mòn, đồng thời cung cấp nơi sinh sản và nơi trú ẩn cho động vật hoang dã tự nhiên trong khu vực.

Chính quyền thủ đô Bangkok (BMA) từ nhiều năm nay đã phát động chương trình trồng rừng ngập mặn. Theo báo Bangkok Post, trong phát biểu nhân Ngày quốc tế bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn 26-7 vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpa-archa thông tin các chính sách bảo vệ môi trường đã giúp mở rộng diện tích rừng ngập mặn thêm 200.000 rai (320km2) so với năm 2014.

Nói về chống xói mòn, sạt lở, không thể không nhắc đến Hà Lan, quốc gia nằm dưới mực nước biển. Quốc gia này có một dự án rất nổi bật là Sand Motor (động cơ cát), với mục tiêu mở rộng bờ biển, giúp người dân an toàn hơn trước xói mòn và mực nước biển dâng cao.

Cụ thể, cát sẽ được bơm từ đáy biển Bắc tạo thành một bán đảo cát lớn. Dòng chảy sẽ đưa cát từ đó đến bồi đắp vào những vùng bờ biển bị xói lở thay cho con người.

Theo Business Insider, Hà Lan đã đầu tư 81 triệu USD cho dự án động cơ cát đầu tiên dọc bờ biển phía tây nam vào năm 2011. Trong khoảng 20 năm sau đó, sóng đẩy cát thành hàng rào bảo vệ dọc theo ít nhất 10km bờ biển phía nam.

Kiên Giang: Mưa dông làm sập nhà dân, gây 7 điểm sạt lở đất núiKiên Giang: Mưa dông làm sập nhà dân, gây 7 điểm sạt lở đất núi

Mưa dông 2 ngày qua ở Kiên Giang khiến nhiều nhà dân bị sập, tốc mái, đồng thời gây 7 điểm sạt lở đất núi trên địa bàn huyện Kiên Lương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên