Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - đã có những đánh giá tổng thể về các nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề "nóng" này trong thời gian tới.
* Thưa ông, sạt lở không phải là vấn đề mới, tuy nhiên gần đây mức độ có chiều hướng tăng, đặc biệt là sạt lở bờ sông ở cả mùa khô, nguyên nhân do đâu?
- Sạt lở ở ĐBSCL đã diễn ra với mức độ khác nhau tùy theo từng giai đoạn.
Giai đoạn trước 2005 sạt lở chưa phổ biến, phức tạp nhưng cũng đã gây nên những thiệt hại nặng nề.
Từ 2005 trở lại đây, việc xây dựng các công trình thủy điện phía thượng nguồn làm giảm mạnh lượng bùn cát về hạ lưu, tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát, các hoạt động giao thông thủy, xây dựng nhà cửa lấn chiếm lòng sông, biến đổi khí hậu - nước biển dâng... đã khiến cho tình trạng sạt lở sông rạch diễn ra trên hầu hết các tỉnh thành trong khu vực với mức độ ngày càng trầm trọng và phức tạp hơn, gia tăng cả về phạm vi và cường độ.
Còn sạt lở bờ sông xảy ra cả trong mùa khô, nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa là do khối đất bờ sau thời gian khô hạn bị nứt nẻ, giảm liên kết, khi có mưa lớn bị ngấm nước gia tăng tải trọng dẫn đến sạt lở.
Đầu mùa mưa, dòng chảy bắt đầu gia tăng, mực nước trong sông rạch còn ở mức thấp, nên dòng chảy chủ yếu tác động bào mòn ở phía chân mái bờ tạo nên "hàm ếch", nhất là khúc sông cong dẫn đến khối đất bờ bị hổng chân khiến cho khối đất bờ bị sụp lở.
Bên cạnh đó, những vị trí có các yếu tố, tác động bất lợi như gia tải mép bờ, mật độ tàu thuyền nhiều, khai thác đất, cát, ven sông... thì nguy cơ xảy ra sạt lở ở các vị trí này luôn ở mức cao và có thể xảy ra quanh năm.
* Tình trạng sông đói phù sa, trong khi khai thác cát lòng sông ngày một diễn biến phức tạp, chẳng lẽ chấp nhận tình trạng sạt lở bờ sông sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới?
- Một trong những tác nhân chính gây ra sạt lở bờ sông là sự thiếu hụt bùn cát trong lòng dẫn.
Do việc khai thác cát lòng sông không đúng theo quy hoạch sẽ gây ra tác động xấu đến sự ổn định của lòng dẫn, như khai thác cát quá mức làm hạ thấp lòng dẫn tạo nên những hố xói sâu, gây thiếu hụt bùn cát về hạ lưu; khai thác không đúng phạm vi cho phép, đào hút cát quá gần bờ... làm gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở bờ.
Chính vì vậy, cần thiết phải có nghiên cứu tính toán kỹ càng trong quy hoạch khai thác cát, song song đó cần có cơ chế giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động khai thác cát nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sự ổn định của lòng sông.
* Đối với sạt lở bờ biển, hiện nay các tỉnh ven biển đang thực hiện giải pháp công trình lẫn phi công trình như Cà Mau đã thực hiện, đó có phải là mô hình cho các địa phương khác?
- Hiện nay đã có một số giải pháp công trình giảm sóng gây bồi tạo bãi được thực hiện ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Một trong những giải pháp áp dụng khá nhiều ở Cà Mau là giải pháp công trình giảm sóng bằng hai hàng cọc ly tâm, ở giữa bỏ đá hộc.
Giải pháp này sau cải tiến đã mang lại hiệu quả cao trong giảm sóng, gây bồi tạo điều kiện phát triển, khôi phục hệ thống rừng ngập mặn ở biển Tây.
Tuy nhiên, với các khu vực cụ thể khác thì cần phải có những nghiên cứu tính toán để lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, hải văn.
Ví dụ với những khu vực có yêu cầu về mặt cảnh quan, du lịch, có thể nghiên cứu các giải pháp khác như nuôi bãi, đê ngầm.
Với những khu vực có yêu cầu cao trong bảo tồn hệ sinh thái ven bờ thì cần có những giải pháp phá sóng có độ rỗng thích hợp tạo điều kiện trao đổi môi trường trước và sau công trình.
* Ông có thể nói rõ hơn về hiệu quả mô hình mà viện đã nghiên cứu và áp dụng ở Cà Mau?
- Chúng tôi đã có các đo đạc ngoài thực địa kết hợp với làm thí nghiệm mô hình vật lý. Việc đo đạc thực địa là chỉ vào một thời điểm, giai đoạn nhất định, tuy nhiên hạn chế này được giải quyết bằng việc làm thí nghiệm với dải sóng rộng hơn.
Kết quả cho thấy hiệu quả giảm sóng của cọc ly tâm trong thí nghiệm vào khoảng 57% và hiệu quả tiêu tán năng lượng sóng vào khoảng 68%, ngoài thực tế thì hiệu quả giảm sóng dao động từ 47 - 71%.
Đánh giá về khả năng gây bồi của loại đê này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí xây dựng đê, tại đó nguồn trầm tích ra sao.
Ví dụ khu vực xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau sau hơn 10 năm xây dựng thì rừng ngập mặn phát triển khá tốt bên trong đê nhưng các khu vực ở Hòn Đá Bạc hay khu vực phía bờ đông của Cà Mau thì sự bồi lắng rất hạn chế và thường tập trung vào giai đoạn 2 - 3 năm sau khi xây dựng.
* Tại buổi làm việc của Thủ tướng với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất từ nay trở đi phải quy hoạch, tổ chức lại không gian sống của người dân theo hướng dần rời khỏi các khu vực bờ sông như nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ nêu, liệu có thể tăng tốc quá trình này?
- Tôi nghĩ nghiên cứu xác định hành lang an toàn ven bờ là hết sức cần thiết, từ đó có quy hoạch bố trí xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu dân cư hợp lý nhằm hạn chế chất tải lên mép bờ, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ gây ra.
Chủ trương này đã được nêu trong nghị quyết 120 của Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai theo các mức độ khác nhau, cần có sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị quyết này.
Để chủ trương này đi vào thực tế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan sạt lở bờ đến các thành phần kinh tế trong xã hội; thực hiện các điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học phục vụ công tác dự báo xói lở bờ làm cơ sở rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư, phát triển vùng ven sông, gắn với ứng phó thiên tai, phòng chống sạt lở.
* Và để chống sạt lở, giảm thiệt hại, vẫn cần nhiều tiền để đầu tư các công trình và cần gì nữa, thưa ông?
- Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, Chính phủ rất quan tâm giao cho các bộ ngành cùng các địa phương từ 2016 đến nay đã xây dựng hàng trăm công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển với nguồn kinh phí hơn 11.000 tỉ đồng.
Các công trình này đã phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng của Nhà nước, tài sản của người dân, giữ rừng ven biển và dần lấy lại phần đất đã bị mất trước đây.
Trong trung hạn 2021 - 2025 trung ương đã bố trí khoảng 4.770 tỉ đồng để xây dựng 28 công trình chống sạt lở. Trong buổi làm việc với các tỉnh thành ở ĐBSCL chiều 12-8, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan và 13 tỉnh thành ở ĐBSCL triển khai ngay công trình bảo vệ bờ tại một số khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Về lâu dài, cần phải nghiên cứu kỹ nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, bờ biển, từ đó đề xuất giải pháp tổng thể, căn cơ đảm bảo ổn định bền vững, bảo vệ an toàn người dân, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất.
Theo tôi, đây là giải pháp căn cơ để từng bước đẩy lùi được vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.
* Có ý kiến cho rằng vẫn chưa có sự phối hợp, liên kết trong phòng chống sạt lở, nhất là xây dựng các công trình và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương?
- Để có giải pháp phòng chống sạt lở có hiệu quả, chống sạt lở ở khu vực này không gây ảnh hưởng đến khu vực khác, cần phải có phương án chỉnh trị tổng thể, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phòng chống sạt lở hợp lý.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu, thông tin không chỉ giữa các địa phương, mà còn giữa các bộ ngành để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đầu vào phục vụ cho các nghiên cứu, xây dựng phương án chỉnh trị phòng chống sạt lở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận