23/08/2024 08:40 GMT+7

Cần các giải pháp ưu tiên cho vùng sạt lở ĐBSCL

Xin đừng chờ đến khi đất vườn, nhà ở trôi xuống sông ra biển mới tính chuyện di dời thì đã quá muộn và quá bất an cho cuộc sống người dân vùng nguy cơ sạt lở.

Cần các giải pháp ưu tiên cho vùng sạt lở ĐBSCL - Ảnh 1.

Kè bê tông ở bờ biển Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bị sạt lở từ nhiều năm nay - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiều địa phương tại ĐBSCL hiện vẫn đang chịu thiệt hại vì sạt lở bờ sông. Tại An Giang quê tôi, những năm gần đây xảy ra khá thường xuyên, tháng 6-2024 có thêm những hộ dân bị mất nhà sau các vụ sạt lở liên tiếp xảy ra ở huyện Phú Tân và Chợ Mới.

Tháng 7-2024, tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc xã Ninh Thới và xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè) với 15 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 1km. Vĩnh Long cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến kênh La Ghì (qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn).

Đến hết tháng 7, tại thành phố Cần Thơ đã có 24 vụ sạt lở bờ sông tại các quận huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng...

Đoàn công tác trung ương vừa làm việc với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, khảo sát đê biển và kiểm tra tình hình sạt lở.

Theo thông tin đăng tải, Cà Mau có 84km các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm (bờ biển Tây là 22km, bờ Biển Đông gần 62km). Chưa kể, tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425km trên tổng số 8.118km.

Bạc Liêu thì trong hơn 10 năm đều đặn xảy ra các vụ sạt lở và sụt lún đất ở các khu vực ven bờ sông và đê Biển Đông. Năm 2023 và từ đầu năm 2024, tình trạng sạt lở diễn ra càng nghiêm trọng hơn. Tỉnh có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600km...

Nhiều tỉnh nằm sâu trong đất liền đang chống chọi với sạt lở bờ sông. Những tỉnh ven biển thì đang chịu mối nguy gấp đôi do sạt lở sông lẫn bờ biển. ĐBSCL đang bị mất đi một phần tài nguyên đất, còn con người chịu thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống. Người dân rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, đất đai của ông bà để tìm nơi sinh sống mới, tức là mất tài nguyên con người.

Chưa có giải pháp đối phó kịp với "hà bá" sông lại phải lo nhiều hơn vì họa khôn lường khác từ "Long vương" ngoài biển. Lời cảnh báo cho tương lai và những tàn tích lịch sử từ vùng Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang) là lời cảnh báo nghiêm khắc để mọi người nâng cao nhận thức về môi trường sống và nguy cơ nước sông, biển "nuốt" mất đất liền.

Cần có những giải pháp quyết liệt hơn bao giờ hết để giảm rủi ro, thiệt hại do sạt lở. Trong đó, việc dự báo sạt lở và di dân đến nơi an toàn cần có kế sách và quy hoạch phòng xa hơn.

Xin đừng chờ đến khi đất vườn, nhà ở trôi xuống sông ra biển mới tính chuyện di dời thì đã quá muộn và quá bất an cho cuộc sống người dân vùng nguy cơ sạt lở ở ĐBSCL. Đây phải là một việc ưu tiên, cần làm ngay.

Cần các giải pháp ưu tiên cho vùng sạt lở ĐBSCL - Ảnh 2.Xin tiền chống sạt lở sông Phước Giang, bảo vệ khu tái định cư cao tốc

Huyện Nghĩa Hành có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí để đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang, đoạn qua khu tái định cư Đồng Giá mà báo Tuổi Trẻ phản ánh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên