Những tháng qua, tình trạng sạt lở ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng sạt lở này do tác động tiêu cực từ kiểu thời tiết hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn khó kiểm soát tại các tuyến đê bao lớn, hoặc tại các kênh đào khu vực nội đồng U Minh Thượng.
Đây là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún lộ, hư hỏng nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, khiến việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.
Toàn huyện U Minh Thượng có 42 căn nhà bị thiệt hại do sạt lở, sụt lún đất. Trong đó, xã An Minh Bắc có 31 căn, Minh Thuận có 11 căn nhà bị thiệt hại, ước thiệt hại trên 5,5 tỉ đồng.
Chị Đặng Thị Triều (ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) chia sẻ: "Căn nhà bị đổ nghiêng, sụt lún của gia đình đã trở thành cơn ác mộng thường nhật". Tương tự chị Hồng Phúc và con trai 3 tuổi sống trong khu vực sạt lở nguy hiểm.
Phía sau nhà là căn nhà bị hư hỏng vì sụt lún đất, chỉ còn trơ lại phần khung.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, huyện U Minh Thượng có 441 điểm thiệt hại đường giao thông do sạt lở đất, sụt lún đất, tổng chiều dài trên 11.000m. Trong đó, xã An Minh Bắc và Minh Thuận chịu thiệt hại nặng nhất.
Riêng xã An Minh Bắc có 267 điểm sạt lở, sụt lún đất đường giao thông, tổng chiều dài gần 7.600m. Xã Minh Thuận có 174 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài gần 3.500m.
Qua khảo sát thực tế tại nhiều điểm sạt lở, sụt lún gần đây trên địa bàn huyện, những điểm sụt lún thường là những đoạn nằm ngay đường cống của người dân, những đoạn đường người dân trồng cây có bộ rễ lớn như dừa, bạch đàn; những tuyến đường dọc theo các con kênh, đê bao.
Nhà cửa người dân bị hư hỏng, sụt lún phần nhiều nằm ở khu vực mé sông, hoặc phía ngoài đê bao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận