30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 1: Nhà tù Côn Đảo và tuổi 20 chúng tôi

30-4-1975 là ngày lịch sử, ngày "cờ sao đang tung bay cao qua hết rồi những năm thương đau, xa 30 năm nay đã gặp nhau vui sao nước mắt lại trào". Ngày thống nhất đất nước, trùng phùng anh em. Ngày của khởi đầu dựng xây lại Tổ quốc...

côn đảo - Ảnh 1.

Trở về - ngày chiến thắng - Ảnh tư liệu

Tôi bị vào tù ra khám nhiều lần thời kỳ 1970-1975 do chính quyền VNCH thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt giam, kết tội "phá rối trật tự trị an". Thực chất tôi tham gia phong trào thanh niên - sinh viên - học sinh Sài Gòn đấu tranh đòi dân chủ, tự do, lập lại hòa bình, đòi Mỹ rút quân...

Đêm lịch sử

Điểm cuối tù đày của tôi là Côn Đảo, một nhà tù lâu đời nhất Việt Nam, do thực dân Pháp xây dựng năm 1862, chuyên giam giữ tù chính trị. Tính đến 1975, Côn Đảo được 113 tuổi, với 53 đời chúa đảo. Tháng 4-1975, Côn Đảo có nhiều hiện tượng khác thường, đặc biệt ngày 29 và 30-4, các cai quản tù kể cả tỉnh trưởng Lâm Hữu Phương đã bỏ đi hết, máy bay gầm rú liên hồi trên bầu trời Côn Đảo.

Từ 12h đêm 30-4 đến 1h30 sáng 1-5-1975, khởi phát từ trại 7, hàng ngàn tù nhân chính trị đã phá ngục bằng cách công kênh nhau nạy song sắt chui ra. Sau đó số anh em ra ngoài, hè nhau dùng cây gỗ to phá cửa sắt buồng giam rồi tìm các quản ngục, yêu cầu đem chìa khóa mở cửa các khu trại giam khác, lần lượt tự giải thoát ra khỏi những bức tường đá.

Sáng 1-5, đại diện các trại tù gặp nhau, cử ra Đảng ủy để lãnh đạo toàn đảo, với bí thư là ông Trịnh Văn Tư và ông Phan Huy Vân (Trần Trọng Tân) làm phó bí thư và 10 người khác... 

Cùng ngày thành lập chính quyền Côn Đảo và tổ chức lực lượng vũ trang tiến chiếm trại lính Bình Định Vương, chiếm đài Loran và sân bay thu 27 máy bay các loại còn nguyên vẹn.

Phần lớn số máy bay này do quan chức và tướng tá Sài Gòn từ đất liền bay ra để lại trước khi xuống tàu ra Hạm đội 7 của Mỹ.

Sau khi chiếm cơ quan vô tuyến viễn thông, ông Hai Tân chỉ thị đánh ngay bức điện: "Anh em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ sáng 1-5. Yêu cầu được sự chỉ đạo của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam". 

Đến 2h chiều 2-5 mới có điện của ông Vũ Hồng từ Thành ủy Sài Gòn yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với đồng chí Hai Tân: "Đã nhận được tin điện, đã báo cho Trung ương cục...".

Đến 10h đêm 3-5, Ban chỉ huy quân sự đảo giữ được ba người nhái. Qua trao đổi mới biết là chiến sĩ người nhái từ tàu chiến ta ngoài khơi thả vào trinh sát. 

Cựu trung tá quân giải phóng Lê Câu dùng xuồng máy chở ông cùng anh em người nhái ra tàu để gặp ban chỉ huy rồi đưa đại diện ban chỉ huy tàu vào họp cùng tại trụ sở ủy ban đóng ở dinh Tỉnh trưởng cũ.

Ban chỉ huy đội tàu cho biết: Bộ Tổng tham mưu đã điều tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa và một phân đội của sư đoàn Sao Vàng xuống các tàu V.609 và V.683 hải quân ra Côn Đảo, xuất phát từ chiều 1-5... Rất biết ơn các đồng chí đã tự giải phóng và giữ gìn nguyên vẹn, không đổ một giọt máu, mừng lắm!".

Sáng 4-5-1975, chiến sĩ từ tàu chiến đổ bộ lên đảo trong tiếng hô la vang trời của anh em cựu tù: "Chào mừng quân giải phóng miền Nam, chào mừng hải quân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ muôn năm...".

Đến 3h chiều 4-5 cử hành lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng với sự tham dự của 4.334 tù chính trị, bao gồm 494 phụ nữ và 31 tử tù và một số cư dân trên đảo quy tụ về khu trung tâm. 

Lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với hai màu xanh đỏ và ngôi sao vàng ở giữa được hai chị kéo lên. Mọi người cùng cất tiếng hát với giọng nghẹn ngào nước mắt.

côn đảo - Ảnh 2.

Các tù nhân Côn Đảo trở về gặp lãnh đạo (từ trái sang): Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Minh Châu (quàng khăn rằn), Hoàng Quốc Việt (chủ tịch tổng công đoàn), Nguyễn Văn Để (bí thư Trung ương Đoàn) và Lê Văn Nuôi - Ảnh tư liệu

Chính quyền cách mạng trên đảo

Ngày 3-5, Đảng ủy và Ủy ban Quân quản Côn Đảo thông báo cần tuyển hai người biết đánh máy chữ, có giọng nói tốt làm phát thanh viên và phải là đảng viên. Tôi vào Đảng từ năm 18 tuổi và đánh máy chữ thành thạo nên đưa tay. 

Thế là ba lô lên vai chuyển về văn phòng Ban chỉ huy Côn Đảo làm nhiệm vụ đánh máy văn thư và phát thanh viên. Hằng ngày tôi ăn cơm do các dì, các chị nấu nướng cung cấp chung cho hơn 3.300 cựu tù chính trị. 

Bữa ăn thường chỉ gồm cơm gạo lứt với muối mè, cá khô biển và nước mắm. Đảo rất khan hiếm rau xanh. Tôi ngủ tại chỗ làm việc, trên chiếc giường gỗ ở góc "văn phòng" dã chiến này.

Thỉnh thoảng đám trai trẻ chúng tôi rủ nhau ra biển tắm. Nước biển trong veo đến mức nhìn thấy cá tung tăng bơi lội và rong rêu, san hô lung linh ở đáy biển rất đẹp. Bọn tôi cũng tìm cách câu, lưới cá để đem về đưa các dì, các chị "cải thiện" bữa ăn chung. 

Nhưng chỉ có các anh gốc nông dân mới dám chèo ghe ra khơi, lưới, câu được nhiều tôm cá. Còn dân học trò như tôi thì... trắng tay.

Hằng ngày chờ các sếp ký duyệt văn bản - bản tin phát thanh xong, tôi cùng anh Lê Thân vác loa đi thông báo khắp bảy trại giam tù chính trị. Trên đảo mở đầu mỗi cuộc phát thanh, anh Thân luôn tự giới thiệu: Chúng tôi là đội phát thanh thuộc Đảng ủy, Ủy ban Quân quản Côn Đảo, gồm Lê Thân và Lê Văn Nuôi, xin kính gửi đến cô chú anh chị bản tin tức hằng ngày về sinh hoạt Côn Đảo và tình hình đất nước...".

Ngày đầu khi tôi đến khu trại giam nữ tù chính trị, chợt nghe tiếng gọi: "Lê Văn Nuôi đó hả! Mấy dì, mấy chị nghe tên em lâu rồi, bây giờ mới biết mặt! Chèn ơi, dễ thương quá! Hai em ghé lại đây ăn mấy chén chè đậu xanh nha cưng!".

Bước vào trại nữ, chợt một chị trạc 30 tuổi, khá xinh đẹp với đôi mắt to và nụ cười hé chiếc răng khểnh duyên dáng, bước tới nắm tay tôi: "Em Nuôi! Chị là Bạch Cúc, chị hai của thằng Xuân Bình nè em!". Phạm Xuân Bình, bí danh Hai Hòa, một bạn đồng đội Thành đoàn với tôi.

Khoảng ngày 4-5, Đảng ủy Côn Đảo do ông Trần Trọng Tân (1926-2014) làm bí thư (ông Tân hoạt động bí mật nội thành Sài Gòn, bị bắt đày ra Côn Đảo năm 1969 đến ngày 30-4-1975) và ông Lê Câu, trung tá quân giải phóng miền Nam, làm chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời Côn Đảo (ông Lê Câu cũng là tù chính trị bị bắt giam tại Côn Đảo) đã ra thông báo:

"Hiện có rất ít chuyến tàu hải quân cách mạng ra Côn Đảo đón tù chính trị, do lực lượng hải quân còn phải hành quân tiến chiếm nhiều quần đảo khác! Vì vậy Đảng ủy và Ủy ban Quân quản Côn Đảo kêu gọi số anh chị em trẻ tuổi nhường các chú bác cô dì lớn tuổi và các em bé lên tàu về đất liền trước. Đồng thời kêu gọi anh chị em trẻ đăng ký tình nguyện ở lại giữ Côn Đảo cho đến khi xây dựng được chính quyền cách mạng quản lý Côn Đảo".

Từ khoảng ngày 4-5-1975 mới bắt đầu có chuyến tàu hải quân chở tù nhân Côn Đảo về Sài Gòn. Đến ngày 10-5, chờ hoài chưa thấy gọi tên nhóm hơn 40 SVHS trong danh sách lên tàu. Anh em họp lại ven biển, nhiều bạn đề nghị kéo nhau đến văn phòng Ủy ban Quân quản Côn Đảo xin về sớm, viện lý do: "SVHS là trí thức, cần được về sớm để tham gia xây dựng Sài Gòn...".

Đến phiên tôi phát biểu: "Tôi nghĩ SVHS đang đi học như chúng ta chưa phải là tầng lớp trí thức nên chưa cần ưu tiên về trước để xây dựng Sài Gòn. Các bạn thấy Côn Đảo đang còn hàng ngàn chú bác lớn tuổi đã ở tù cả chục năm, rồi hàng ngàn phụ nữ, các cô, dì, chị và trẻ em sinh ra trong tù cũng còn ở đây. Bởi vậy tôi đề nghị anh em mình nên bình tĩnh chờ về chuyến chót".

Một hôm đang vác loa đi qua những con đường cát đá ngoằn ngoèo từ trại này qua trại khác để phát thanh tin tức, bất chợt gặp hai cô gái mặc áo dài hoa. Tôi mon men đến làm quen: "Các bạn làm công việc gì trên đảo vậy?". Người đẹp đáp: "Tụi tôi là giáo viên ở Kiên Giang được cử ra đảo dạy học ba năm".

Sự xuất hiện bóng dáng hai thiếu nữ vừa đẹp đoan trang vừa dũng cảm khi dám chịu đi dạy học nơi hòn đảo biệt mù giữa biển khơi này lập tức trở thành chuyện bàn tán xôn xao trong đám SVHS lứa tuổi 20-25. Đứa nào cũng kiếm cớ đi ngang ngôi trường tiểu học nhỏ với mái ngói đỏ để... ngắm hai cô giáo.

*****************

>> Kỳ tới: Vượt trùng dương về lại Sài Gòn

30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 1: Nhà tù Côn Đảo và tuổi 20 chúng tôi - Ảnh 3.Những ngày hoạt động Đoàn trong lòng địch ở nhà tù Côn Đảo

TTO - Cách đây 40 năm, ngày 26-3-1972, một sự kiện đặc biệt quan trọng đã diễn ra ngay trong hệ thống nhà tù Côn Đảo. Đó là việc ra đời và hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên