29/12/2020 12:57 GMT+7

1 năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 1: Công sở là cái bàn ăn trong bếp

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngày 1-1-2020, thế giới chào đón một thập kỷ mới với những màn pháo hoa rực rỡ. Nhưng cùng lúc đó, virus corona chủng mới đã âm thầm gieo rắc dịch bệnh COVID-19.

1 năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 1: Công sở là cái bàn ăn trong bếp - Ảnh 1.

Tham gia họp và biểu quyết trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh: Reuters

Trong một năm qua, đại dịch tàn phá nặng nề kinh tế toàn cầu đồng thời thay đổi đáng kể cách con người sống và tương tác.

Làm việc từ xa trở thành xu thế được rất nhiều người yêu thích trong đại dịch COVID-19, nhưng có những lý do để tin rằng xu thế này sẽ không tiến tới mức cực đoan: "xóa sổ" các công sở như nhiều người dự đoán.

"Là một nhà quản lý, bất kể việc tôi có thể khách quan như thế nào, tôi vẫn nghĩ việc sa thải một nhân viên tôi có ít liên hệ cá nhân cũng dễ dàng hơn.

JESSICA POWELL (nguyên phó chủ tịch bộ phận truyền thông của Google)

Hai mặt một đồng xu

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kể từ tháng 3 năm nay, hàng triệu người "lao động cổ cồn" đã lần đầu tiên được trải nghiệm thực sự cách thức làm việc từ xa.

Nhiều kết quả thăm dò dư luận cho thấy người lao động làm việc từ xa nhìn chung có được sự cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn. Do đó, nhiều người lao động muốn có thêm cơ hội làm từ xa ngay cả khi giai đoạn giãn cách xã hội đã hết.

Ý tưởng từ bỏ các văn phòng, hay ít nhất là giảm bớt quy mô sử dụng chúng, trước tiên sẽ giúp tiết kiệm tiền.

Theo ông Peter Cappelli - giáo sư ngành quản trị tại Đại học Wharton ở bang Pennsylvania (Mỹ), cách làm này cũng giống như áp dụng "mô hình Uber" trong lĩnh vực công sở: để các nhân viên tự cung cấp và chi trả cho văn phòng làm việc của họ (mà "văn phòng" này có thể là chính cái bàn ăn trong bếp!) và tiết kiệm cho công ty rất nhiều về chi phí thuê mặt bằng.

Nhiều quan điểm cho rằng nếu mọi người đều có thể dời công việc khỏi những khu vực đắt đỏ như Thung lũng Silicon và New York để tới những nơi xa xôi, hẻo lánh làm việc, mức thù lao công ty phải trả cho nhân viên cũng sẽ giảm đi nhiều... Theo đó, chủ doanh nghiệp được lợi mà người lao động dường như cũng thích như vậy, công việc vẫn được hoàn thành.

Đã có sự hiểu sai về cách vận hành của cái gọi là mô hình "bình thường mới" làm việc từ xa. Ý tưởng cho rằng chủ lao động có thể trả cho nhân viên ít hơn nếu họ chuyển tới các khu cư trú có mức sống bớt đắt đỏ hơn để làm việc từ xa là một cách hiểu sai như thế.

Người lao động đổ xô tới những khu vực đắt đỏ như New York, Hong Kong là vì đó là nơi họ có thể tìm được công việc tốt, thu nhập cao. Mức lương cao tại đó là vì chủ doanh nghiệp muốn có được những kỹ năng lao động một ứng viên có thể đáp ứng chứ không phải để bù đắp cho chi phí sinh hoạt.

Ngoài ra, với nhiều người trẻ chưa có gia đình, con cái, việc không còn công sở cũng có nghĩa đã cắt giảm đáng kể những cơ hội giao tiếp xã hội của họ. Có tới 58% người trưởng thành cho biết đã hẹn hò với "một nửa" tại nơi làm việc. Và dĩ nhiên là bạn không thể làm điều này trên ứng dụng Zoom.

1 năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 1: Công sở là cái bàn ăn trong bếp - Ảnh 3.

Một bà mẹ đang làm việc tại nhà, bên cạnh là cậu con trai còn nhỏ và một con mèo - Ảnh: Reuters

Nỗi lo của các CEO

Mặc dù dường như công việc vẫn được hoàn thành từ xa trong đại dịch, song cũng phải thấy rằng trong giai đoạn này, khối lượng công việc của phần lớn doanh nghiệp đều đã giảm, do đó những gì cần làm cũng đã giảm đi vì dịch bệnh.

Trong giai đoạn khủng hoảng, các nhân viên vẫn có thể hoàn thành công việc từ xa, song nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại tinh thần đó sẽ không duy trì mãi mãi, nhất là khi dịch bệnh qua đi.

Thực tế cho thấy nhiều chủ doanh nghiệp đang phải bỏ rất nhiều tiền để trang bị các thiết bị công nghệ giúp họ giám sát công việc của các nhân viên khi làm việc từ xa. Điều này cho thấy họ sẽ không hài lòng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

Mặc dù việc thuê mặt bằng làm văn phòng có thể tốn kém, song chúng thực sự quan trọng. Các tương tác trực tiếp tại công sở giúp ích đáng kể cho hoàn thành công việc, nhất là những dự án đòi hỏi sự hợp tác, làm việc nhóm.

Bên cạnh đó, những hoạt động thường ngày trong đời sống công sở như giờ giải lao uống cà phê hay những trao đổi, tiếp xúc ngoài công việc cũng sẽ giúp người lao động gắn kết hơn.

Văn hóa công sở là điều thực sự quan trọng, chính những tương tác hằng ngày giữa mọi người tạo nên đặc trưng văn hóa của mỗi công ty, một điều sẽ rất khó để duy trì nếu chỉ trông đợi vào những cuộc họp bàn, trao đổi qua video chat hoặc họp trực tuyến.

"Tôi là một "fan" của làm việc từ xa, nhưng cách làm việc này cũng cho thấy những thách thức đặc thù trong việc giúp nhân viên cảm thấy có sự kết nối với các đồng nghiệp và công ty" - bà Jessica Powell, cựu phó chủ tịch bộ phận truyền thông của Google, chia sẻ quan điểm trong bài bình luận đăng trên báo New York Times gần đây.

Từng là lãnh đạo tại hãng công nghệ lớn như Google, bà Jessica Powell cho biết đã phải quản lý các nhóm nhân sự từ khắp nơi trên thế giới thông qua email, họp trực tuyến và các nền tảng chat online.

"Nhưng khi một nhân viên làm việc từ xa phàn nàn về việc thiếu sự hỗ trợ của các đồng nghiệp tại trụ sở, hay cảm thấy không có sự kết nối với nhóm lớn hơn, lời khuyên của người quản lý thường sẽ chẳng có gì liên quan đến công nghệ. Thay vì vậy, nó lại rất con người: Hãy dành một tuần gặp gỡ các cộng sự của anh/chị", bà Jessica Powell chia sẻ.

Các lãnh đạo doanh nghiệp đều hiểu rõ thách thức này và mối lo ngại lớn nhất của họ khi sắp xếp cho nhân viên làm việc từ xa chính là làm sao để có thể duy trì văn hóa công ty ổn định.

Việc xóa sổ hoàn toàn các công sở sẽ là lựa chọn của những người đặt ưu tiên cắt giảm chi phí lên trước tính hiệu quả của công việc, và điều này chứa một nguy cơ lớn không phải CEO nào cũng muốn thử nghiệm.

Vì lý do này, bà Jessica Powell tin rằng nhiều chủ doanh nghiệp rốt cuộc sẽ chọn một giải pháp "lai", có nghĩa yêu cầu các nhân viên dành một số ngày nhất định trong tuần tới công sở thay vì đi theo những lựa chọn cực đoan ở cả hai phía: làm từ xa hoàn toàn hay trở lại công sở hoàn toàn như cũ.

Làm việc từ xa ở Mỹ

12-5: Twitter thông báo cho phép hầu hết nhân viên được làm từ xa luôn, ngay cả khi dịch bệnh đã hết.

21-5: Facebook thông báo về cơ bản sẽ chuyển toàn bộ lực lượng nhân sự sang làm việc từ xa trong thập kỷ tới.

2-6: Công ty sở hữu ứng dụng họp trực tuyến Zoom cho biết trong quý 1 - 2020 số người dùng ứng dụng này mỗi ngày đạt hơn 300 triệu, tăng gấp 30 lần so với thời điểm cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng lên.

27-7: Google thông báo các nhân viên có thể làm việc từ xa cho tới ít nhất tháng 7-2021.

18-8: Amazon công bố mở rộng thêm các văn phòng và tuyển thêm nhân viên làm việc tại 6 thành phố ở Mỹ, đi ngược lại xu thế làm việc từ xa của nhiều công ty.

***************

Nền kinh tế không tiếp xúc đã nổi lên và trở thành một xu hướng phổ biến trong đại dịch COVID-19. Nhưng khác với dịch bệnh, nền kinh tế này đến để ở lại lâu dài với chúng ta.

>> Kỳ 2: Kinh tế không tiếp xúc nở rộ

Nhân viên Facebook được phát 1.000 USD sắm thiết bị làm việc từ xa Nhân viên Facebook được phát 1.000 USD sắm thiết bị làm việc từ xa

TTO - Công ty Facebook vừa thông báo cho phép nhân viên làm việc tại nhà tới tháng 7-2021 vì dịch bệnh COVID-19 và được phát 1.000 USD/người để có đầy đủ phương tiện làm việc từ xa.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên